Nghệ sĩ Diệp Lang (cải lương)Tên thật: Dương Công Thuấn
|
Mục lục
Diệp Lang là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài lĩnh vực chính là cải lương ông tham gia rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như chỉ đạo nghệ thuật, kịch nói, điện ảnh, đạo diễn, ông từng đảm nhiệm vị trí thành viên trong Ban chấp hành Hội nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tiểu sử
Diệp Lang sinh ra và lớn lên tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc ( nay là xã Tân Bình, Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ). Cha ông là thầy đàn kìm tên là Ba Diệp. Do từ nhỏ đã được tiếp xúc với nghệ thuật, lên 8 tuổi, ông đã cùng cha đi theo Đoàn Cải lương Tam Phụng. Sau một thời gian chơi đàn, cha tìm người dạy hát cho ông. Cha muốn ông theo con đường nghệ thuật cải lương vì người đánh đàn chỉ ở sau cánh gà sân khấu.
Năm 1950, một lần Diệp Lang đi diễn cùng cha tại rạp hát Nguyễn Văn Hào ( nay là rạp công nhân ) trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đang diễn vở ”Lấp sông Gianh” đã có kẻ ném lựu đạn lên sân khấu. Hậu quả rất nghiêm trọng, trong đoàn có hai người thiệt mạng. May sao cả ông và cha đều thoát chết. Sau nhiều năm cùng đoàn đi lưu diễn, thầy đàn Ba Diệp bệnh nặng phải rời đoàn rồi mất tại quê nhà. Sau khi chịu tang, Diệp Lang quay trở lại Sài Gòn tiếp tục ước nguyện của cha, theo đuổi nghề ca hát.
Năm 12 tuổi, Diệp Lang bước lên sân khấu trong vở Lấp sông Gianh của đoàn cải lương Kim Thoa nhưng cũng chỉ là vai phụ. Đến khi được soạn giả kiêm ông bầu Nguyễn Huỳnh (là bạn của cha ông) đưa về đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ, ông mới được hóa thân hoàng tử – vai chính trong vở ”Chiếc nhẫn kim cương”
Năm 1962, cột mốc đánh dấu cuộc đời nghệ thuật của con trai thầy đàn Ba Diệp là vai diễn ông già 70 tuổi (người cha trong vở Người anh khác mẹ) do soạn giả Thu An giao cho. Một số vở diễn thành công khác của ông đó là vai Trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, vai Hội đồng dư trong Tiếng hò sông Hậu…
Năm 1965, nam nghệ sĩ bị triệu tập đi nhập ngũ theo lệnh của Nha Quân dịch thuộc Việt Nam Cộng hòa.
Đến sau 1975, ông gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II. Đoàn của ông lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như: Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479… Nam nghệ sĩ được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn 284 vừa tham gia công tác quản lý, vừa làm nghệ thuật. Nhưng một thời gian sau, Diệp Lang xin nghỉ làm quản lý và trở về nghiệp hát do áp lực công việc và bệnh tật. Đây cũng là thời gian gia đình ông gặp khó khăn nhiều nhất.
Diệp Lang không chỉ được khán giả trong nước yêu mến, ông còn được chọn đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới: năm 1984 tại Tây Âu, năm 1986 mặt trận 479 ở Xiêm – Rệp, năm 1997 tại Pháp và năm 1998 tại Úc.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Bên cầu dệt lụa – Tiếng sóng Rạch Gầm – Nửa đời hương phấn – Tìm lại cuộc đời | – Tiếng hò sông Hậu – Cây lẻ bạn – Kiếp chồng chung – Bóng hồng sa mạc – Đời cô Lựu |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Khi người điên biết yêu
– Ơn nghĩa sinh thành
– Khi người điên biết yêu
– Nỗi buồn gác trọ
– Mưa nửa đêm
– Tiễn bạn lên đường
– Trả lại thời gian
– Buồn ga nhỏ
4. Danh hiệu, giải thưởng:
- Huy chương vàng Giải Thanh Tâm (1963)
- Bằng Danh dự giải Thanh Tâm (1964)
- Nghệ sĩ Ưu tú đợt 3 (1993)
- Huy chương Vàng và giải Mai Vàng (2000)
- Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu (2000)
- Nghệ sĩ nhân dân đợt 5 (2001)
- Giải Mai vàng (2001)