Nghệ sĩ Thanh Nga (cải lương)
|
Mục lục
Thanh Nga là một tên tuổi lớn, một tượng đài trong lịch sử ca kịch cải lương miền Nam từ thập niên 1950. Bà không chỉ nổi tiếng về tài sắc mà còn được công chúng yêu mến vì sự nết na thùy mị và lòng nhân hậu vô bờ bến.
Nghệ sĩ Thanh Nga được mệnh danh là “Nữ hoàng sân khấu” của miền Nam Việt Nam. Bà bị sát hại cùng chồng vào ngày 26 tháng 11 năm 1978 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.
1. Tiểu sử
Thanh Nga sinh ra trong một gia đình có thanh thế về nghệ thuật, mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ (bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng thời bấy giờ. Từ bé, bà đã theo mẹ, theo đoàn học hát cải lương. Thanh Nga sống chan hòa, nhân ái. Bà không cậy mình là con chủ gánh hát nổi tiếng. Những cô đào trẻ học nghề trong đoàn Thanh Minh luôn được bà giúp đỡ để họ tự tin hơn khi bước lên sân khấu. Ai ai tiếp xúc với bà đều đem lòng yêu mến.
Từ lúc 8 tuổi, Thanh Nga đã bước lên sân khấu với vai Nghi Xuân trong vở “Phạm Công Cúc Hoa”. Và sau hàng loạt vai đào con khác, bà được khán giả đón nhận và dành rất nhiều sự yêu mến đặt cho biệt hiệu “thần đồng”
Năm 10 tuổi, “Thần đồng Thanh Nga” thường có mặt trên sân khấu ca vọng cổ mở màn cho những đêm diễn của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.
Năm 16 tuổi, bà trở thành ngôi sao sáng nhờ nét đẹp trăng rằm và giọng ca mùi mẫn đầy cảm xúc, khi thì thanh thoát, khi thì day dứt cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương.
Năm 1960-1970, tên tuổi của Thanh Nga gắn liền với nhiều giải thưởng danh giá và được người đời mệnh danh là “Nữ hoàng sân khấu cải lương”. Khán giả nhớ đến bà với những vai diễn vai Kim Anh trong Đời cô Lựu, Xuân Tự trong vở Áo cưới trước cổng chùa, vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh.
Không chỉ tỏa sáng trên sân khấu cải lương, Thanh Nga còn là giọng ca vàng với nhiều bài ca cổ để đời như Bà mẹ Hòn Đất, Lan và Điệp, Mưa Rừng...
Bà cũng thử sức và gặt hái được nhiều thành công trong vai trò là một diễn viên điện ảnh. Thanh Nga tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng, đáng chú ý là Đôi mắt người xưa (vai Diệp Thúy), Nắng Chiều (vai nữ chính tên Hiền)…
Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa), lần hai làm vợ thứ với ông Phạm Duy Lân (giữ chức Đổng Lý Văn phòng của Bộ Thông tin trong Đệ Nhị Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa). Bà với ông Lân sinh hạ được một người con trai là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch)
Ngày 26 tháng 11 năm 1978, Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, tai ương ập đến, Thanh Nga đột ngột ra đi. Khoảng 23 giờ đêm, sau khi diễn xong vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga. Trên đường trở về, gia đình bà bị kẻ xấu khống chế hòng bắt cóc con trai. Thanh Nga giấu con ra sau lưng rồi nằm đè nên để giữ tính mạng cho con trai. Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, họ liên tiếp bị nã đạn. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của Thanh Nga ở tuổi 36.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Phụng Nghi Đình – Bên cầu dệt lụa – Sân khấu về khuya – Áo cưới trước cổng chùa – Trả thù đời – Chuyện tình An Lộc Sơn – Đoạn tuyệt – Phạm Công – Cúc Hoa – Tiếng hạc trong trăng – Tiếng trống Mê Linh | – Bông hồng cài áo – Cung thương sầu nguyệt hạ – Sông dài – Người vợ không bao giờ cưới – Bọt biển – Thái hậu Dương Vân Nga – Đời cô Lựu – Nửa đời hương phấn – Tấm lòng của biển – Xử án Bàng Quý Phi |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Mưa rừng – Khi đã yêu – Người mẹ đào hầm – Hoa mua trắng – Bông sen – Hoa mộc lan | – Tình ca người trồng lúa – Dưới bóng từ bi – Tình là dây oan – Hai lối mộng – Người mẹ miền nam – Tân cổ sông dài |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
- Năm 1958: Huy chương vàng Giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới) – năm đó Thanh Nga mới chỉ 16 tuổi
- Năm 1966: Giải Thanh Tâm xuất sắc (vai Giáng Hương, vở Sân khấu về khuya)
- Năm 1984: Nhận Danh hiệu NSƯT
- Năm 2007: Một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp diễn xuất của Bà đã được cựu diễn viên – nhà báo Lê Quang Thanh Tâm thực hiện với tên gọi 40 Năm Tưởng Nhớ Đến Nghệ Sĩ Thanh Nga – Phóng Sự Độc Quyền” do Đạo diễn Võ Văn Thanh Trí và Hãng phim MDC Entertainment dàn dựng.