Nghệ sĩ Minh Phụng (cải lương)
|
Mục lục
Minh Phụng là nghệ sĩ cải lương gạo cội của sân khấu miền Nam Việt Nam. Gần 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, ông đã đi vào lòng khán giả mộ điệu với hình ảnh một kép đẹp, có giọng hát đặc trưng với thanh âm cao, ngọt ngào và sâu lắng.
1. Tiểu sử
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ cải lương khác, Minh Phụng có xuất thân nghèo khó. Song trong cái khổ cực ấy, tài năng của ông lại được bộc lộ từ rất sớm.
Từ nhỏ, Minh Phụng đã thể hiện sự đam mê đàn ca tài tử. Mỗi ngày đi bán bánh, cứ thấy có tụ họp ca hát là ông đứng lại nghe. Những vở tuồng, vọng cổ trên đài phát thanh ông đều say sưa hát theo rồi học thuộc.
Học xong lớp 11, Minh Phụng vẫn đi bán hàng để mưu sinh. Nhiều bận bán ế, người ta biết ông hát hay nên thường gạ gẫm: “Mày hát đi, hát rồi tụi tao mua cho”. Thế là nhờ mê hát mà ông bán thêm nhiều hàng. Từ những lần góp mặt hát hò, Minh Phụng được soạn giả Hương Huyền giới thiệu vào đoàn Tân Đô – lúc bấy giờ đang tập tuồng tại sân khấu đình Điều Hòa.
Năm 1962, vai diễn đầu tiên của ông là vai một ông sư trong tuồng Bến tang thương, hát tại rạp Viễn Trường, Mỹ Tho.
Lúc mới vào nghề, ông lấy nghệ danh Tân Tiến và khi vào đoàn hát Thanh Phương, ông đổi nghệ danh Minh Phụng cho đến nay.
Từ những thập niên 1960 – 1970, Minh Phụng tham gia nhiều đoàn hát khác nhau như Hoa Thảo – Hậu Tấn, Thanh Phương… Đến gánh hát Kim Chung, hợp cùng hai nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Vương, bộ 3 này đã khiến giới mộ điệu cải lương say đắm. Ngoài ra, Minh Phụng cũng đóng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi khác như Mỹ Châu (Bích Vân Cung lệ sử, Kiếm sĩ dơi), Út Bạch Lan (Trinh tiết một loài hoa), Lệ Thủy (Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau…)
Sau năm 1975, Minh Phụng trở thành trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương (tỉnh Bến Tre). Sau đó đoàn này được giao cho sở Văn hóa Thông tin tỉnh quản lý.
Năm 1976, Minh Phụng gia nhập gánh hát Hương Mùa Thu. Ông làm kép chánh, nổi tiếng với các vở tuồng Lửa phi trường, Gánh cỏ sông Hàn, Con cò trắng.
Năm 1994, ông lập lại đoàn hát Hương Mùa Thu với thành phần gồm những diễn viên như Linh Cảnh, Kiều Tiên, Bảo Ngọc, Ngọc Cẩm Thúy, Vương Bình, Thanh Phú, Điền Tử Lang, Thanh Thủy, Ngọc Ánh, Diệu Thanh, hề Giang Tâm. Đoàn hát của Minh Phụng diễn ở Cà Mau và các tỉnh lân cận. Sau đó, nghệ sĩ Minh Phụng đổi tên Hương Mùa Thu thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng.
Sau năm 1996, gánh hát thua lỗ, đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng cầm cự đến hết năm 2000 rồi tan rã.
Cuối năm 2003, sức khỏe của Minh Phụng tụt dốc không phanh. Ông bị hôn mê sâu gần hai tháng, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị mổ tim dù xác suất thành công chỉ 50%. Cuối cùng, ca mổ thành công. Nhưng những biến chứng của bệnh hiểm nghèo vẫn hành hạ ông nhiều năm sau cho đến khi mất.
Nghệ sĩ Minh Phụng qua đời ngày 29/ 11/ 2008 do biến chứng của nhiều bệnh như suy tim, suy thận, tiểu đường… và được an táng tại chùa Nghệ sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Bóng hồng sa mạc – Bão biển – Giọt máu quân vương – Dốc sương mù – Chiếc áo mùa đông – Chiều đông gió lạnh về – Kiếp nào có yêu nhau – Thằng điên vùng bến Hạ | – Khi rừng mới sang thu – Băng Tuyền nữ chúa – Lá trầu xanh – Tâm sự loài chim biển – Đợi anh mùa lá rụng – Kiếm sĩ dơi – Xin một lần yêu nhau – Manh áo quê nghèo |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Khung trời kỷ niệm – Đừng nói xa nhau – Đêm trao kỷ niệm – Ngày buồn – Nỗi buồn hoa phượng – Tình phụ tử – Tháng đợi năm chờ – Khi đã yêu – Tình phụ tử – Ai hỏi tên anh – Người giãi bày tâm sự – Trả lại thời gian – Người bạn tình xưa – Vòng tay nào cho em | – Mưa trên phố Huế – Bông cỏ may – Sao anh nỡ đành quên – Mai lỡ hai mình xa nhau – Có bao giờ – Thương về miền Trung – Đêm tiền đồn – Nhớ nhau hoài – Gặp em trong quán nhỏ – Trường hận – Trường cũ tình xưa – Tương phùng nơi đất khách – Nhớ cây cầu dừa |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
- Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007