Nghệ sĩ Thanh Sang (cải lương)
|
Mục lục
Nghệ sĩ Thanh Sang có giọng hát “trời sầu đất thảm” rất trầm buồn mùi mẫn. Ông và nghệ sĩ Thanh Nga là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu cải lương.
1. Tiểu sử
Cha của nghệ sĩ Thanh Sang mất khi ông 6 tuổi. Mẹ phải làm lụng vô cùng cực nhọc để nuôi 4 đứa con nhỏ, trong đó chỉ có nam nghệ sĩ là con trai. Vì vậy, từ năm 8 tuổi, ông bắt đầu sống bằng nghề đi biển đánh cá, vừa nuôi gia đình vừa kiếm tiền học chữ trong làng.
Do gia đình sống gần rạp Cải lương Hải Lạc, Thanh Sang bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Ông thường nhại lại các giọng của Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán thưởng.
Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đán đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở Chiều đông gió lạnh về, ông thường được đưa vào thay thế khi các kép bị ốm. Bầu Hoàng Kinh thấy vậy mới đặt cho nghệ danh là Thanh Sang
Năm 1962, ông được bầu Hoàng Kinh cho thế Hùng Cường, vai Đông Nhật trong vở Tuyết phủ chiều đông. Anh chàng chài lưới diễn rất thành công và từ đó thành một kép chánh trong đoàn Cải lương Ngọc Kiều.
Năm 1964, Nghệ sĩ Thanh Sang chuyển về hát cho đoàn “Hoa Mùa Xuân”, sau đổi thành “Dạ Lý Hương”. Cũng trong năm này ông nhận huy chương vàng giải cải lương Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long. Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, rất khó diễn song nam nghệ sĩ lại diễn rất hay. Đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng 4 chữ Kim Mao Sư Vương – danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn đã đưa anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành ngôi sao trong làng sân khấu.
Từ đó đến năm 1975, Thanh Sang còn thành công với nhiều vai khác như vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa, vai Thi Sách trong vở Tiếng trống Mê Linh, vai Lê Hoàn trong vở Thái hậu Dương Vân Nga…
Năm 1985, ông thôi hát ở các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa và hát phục vụ khi có yêu cầu. Ba năm sau, ông mới cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Paris biểu diễn.
Năm 2015, NSƯT Thanh Sang nhận lời tham gia vai diễn nhỏ trong vở Nửa đời hương phấn tại nhà hát Bến Thành. Lúc ấy sức khỏe đã yếu, thường xuyên nhập viện vì suy tim nhưng “Kim Mao Sư Vương” một thời vẫn hào hứng khi nghệ sĩ Gia Bảo mời. Trước khi ra sân khấu, tay ông run run, không mặc nổi áo phải nhờ đến sự trợ giúp của hai nghệ sĩ Minh Vương, và Phượng Liên.
Khi vai diễn kết thúc, vừa vào trong cánh gà ông đã không còn đứng vững. Ông được đưa đi cấp cứu, hôn mê suốt 18 ngày. Dù không thể tiếp tục đứng trên sân khấu, người nghệ sĩ tài danh vẫn không bỏ qua một chương trình cải lương nào. Khi xem tivi, ông luôn nói một mình với vẻ tiếc nuối như cái tay sao để thế kia, tại sao diễn thế này…
Hơn 50 năm làm nghề, nghệ sĩ Thanh Sang luôn biết cách nắm bắt nhân vật và dẫn dắt bạn diễn. Lỗi diễn chân phương của ông đã chạm đến trái tim biết bao khán giả. Những vai nào ông đã đóng rồi, gần như mặc định là “của riêng Thanh Sang”, không ai thay thế được.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Trăng về vườn thúy – Bà chúa đồi trà – Bên dòng sông Trẹm – Mỵ Châu Trọng Thủy – Chí Phèo – Phạm Công Cúc Hoa – Người phu khiêng kiệu cưới – Hắc Sa thôn huyết hận – Đường gươm Nguyên Bá – Hoa Mộc Lan tùng chinh | – Bạch Viên Tôn Các – Bây giờ em ở đâu – Mưa rừng – Bến nước tình yêu – Kim Vân Kiều – Hành khất đại hiệp – Tây Lương nữ quốc – Kiếm sĩ dơi – Sương mù trên non cao – Hỏa Sơn thần nữ |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Chiếc áo mùa thu – Chiều – Em đi trên cỏ non – Lối về xóm nhỏ – Đơn Hùng Tín – Giữa chúng mình là mùa xuân – Lối về xóm nhỏ – Ngày em về thăm quê tôi – Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận – Ông lão chèo đò | – Chiêu Quân cống hồ – Chuyến tàu hoàng hôn – Giữa chúng mình là mùa xuân – Gánh lúa đêm trăng – Hoa trôi dòng thác lũ – Lộng ngọc – Mồ em Phượng – Nhớ mẹ – Ngày hạnh phúc – Qua đồng tro |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
- Năm 1964: Đạt giải Thanh Tâm vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long
- Năm 1993: Nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú