Thuở bé, NSND Bảy Nam có đủ tinh quái để thỏa mộng ca hát dù bị cha và anh trai quản lý chặt, không cho tiếp cận sân khấu. Chỉ vì lén bước lên sân khấu, bà bị anh trai nhấn đầu xuống mương để trị “tội” mê nghiệp “xướng ca vô loài”.
Nhận trách nhiệm lớn “ru em” để được hát ca
Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam sinh ra trong một gia đình có đến 11 anh chị em. Trong đó bà là con thứ 7. Có một điều đặc biệt trong gia đình bà đó là các anh em trai của bà đều học hành đỗ đạt, có vị trí trong xã hội thời bấy giờ. Còn tất cả chị em gái lại theo nghề hát. Chị gái của bà, nghệ sĩ Năm Phỉ lừng danh chính là người tiên phong cho việc chống lại dị nghị để đi hát là. Cha và anh trai của bà quản thúc các con sát sao hơn từ lúc chị gái bà bỏ nhà theo đoàn hát. Thế nhưng, niềm đam mê ca hát trong bà vẫn luôn có chỗ chen vào những ràng buộc khắt khe của gia đình.
Nghệ sĩ Bảy Nam đã biết ca từ khi mới 8 tuổi. Bà mong mỏi một ngày nào đó được đứng trên sân khấu với y trang lộng lẫy giống những cô đào hát mà bà từng xem qua. Đó cũng là lý do chị Năm Phỉ của bà bỏ nhà theo đoàn cải lương. Biết chuyện con gái bỏ đi hát, cha bà nổi trận lôi đình, cấm tiệt người trong nhà nhắc đến tên chị và không được ca hát ở bất cứ đâu. Con cái trong nhà tuyệt nhiên không ai dám trái lệnh của cha. Dù nghệ sĩ Bảy Nam một mực nghe lời cha dạy nhưng ông vẫn theo sát bà từng li từng tý. Với linh cảm của một người cha, dường như ông đoán được đứa con gái bé nhỏ có hơi hướng “chạy” theo chị gái vào đoàn hát.
Thế nhưng, dù bị cha kìm kẹp và giám sát, đam mê cải lương vẫn khiến bà bày đủ mọi trò để tiếp cận nghề hát. Trường làng cũng là nơi cô bé Bảy Nam tập tành hát ca. Hễ có gánh hát về biểu diễn, bà lại ba chân bốn cẳng chạy đến đình làng xí chỗ hàng đầu để tiện bề xem Lưu Kim Đính, Điều Tam Xuân xuất chiêu trên sân khấu.
Hồi đi học, bà bỏ cơm nước, bỏ cả học hành, tụ hợp bè bạn tập tuồng. Chính vì vậy đào chánh, kép chánh “cô bé Bảy Nam” của mỗi vở tuồng ngày ấy luôn luôn đội sổ. Có hôm thầy giáo kiểm tra vở, bắt gặp bà chép bản hát, thầy tức giận quát: “Con này sau đi hát mà ăn, chứ học hành kiểu này thì làm sao nên người cho được”. Rồi, thầy xé nát mấy bài hát trong vở.
Nghệ sĩ Bảy Nam 14 tuổi, cha bà ngã bệnh và qua đời. Thực hiện di nguyện của cha, anh hai bà bảo ban các em gắt gao hơn trước. Ngày nào anh bà cũng lục soát cặp vở, những bài ca in sẵn, những quyển tuồng cải lương mà bà phải nhịn ăn sáng để mua đều bị tịch thu.
Tức tối anh trai, bà luôn tìm cách trả đũa. May thay, cậu em út thường thích nghe chị Bảy hát ca rỉ rả mới chịu ngủ. Biết tính em, nữ nghệ sĩ tinh quái chọc cho em út khóc ré lên. Cậu nhỏ này khóc thì không ai dỗ nổi, ngoại trừ chị Bảy Nam ru. Nghe tiếng con trai út khóc, mẹ nghệ sĩ Bảy Nam thường bảo con gái hát cho em ngủ. Được mẹ “chỉ đạo”, Bảy Nam thừa thắng xông lên, không e dè việc anh trai rầy la mà cất cao giọng ca một cách công khai. Nghe bà hát, người anh giận nhưng đành nín nhịn.
Sự trừng phạt của anh trai vì dám bước lên sân khấu
Cô bé Bảy Nam ngày ấy luôn léo đẽo theo sau mẹ. Dù phải nhận trách nhiệm giữ và dỗ em ngủ nhưng Bảy Nam vui sướng hơn tất thảy. Một lần, mẹ có việc đến đoàn hát thăm chị Năm Phỉ nên kêu bà đi theo. Bà mừng ra mặt. Người anh hai bắt gặp liền mắng té tát, pha lẫn trách hờn cô em gái không vâng lời.
Nhưng bao lời nói khó nghe của anh trai không mảy may làm bà khó chịu mà từ bỏ ước mơ. Không khí tưng bừng của gánh hát khiến giấc mộng trở thành đào chánh của bà trỗi dậy mãnh liệt. Đang hào hứng, Bảy Nam thấy đoàn hát chộn rộn. Chị Năm kể cho bà biết, đêm đó, gánh hát diễn tuồng Xử án Bàng quý phi nhưng cô đào đóng vai thứ phi vừa bỏ trốn. Cả gánh hát lo lắng. Tuy vai đó không quan trọng nhưng đoàn lại chẳng còn ai để thay thế người vào phút chót.
Khi loay hoay, ông bầu của gánh hát liền nhìn cô bé Bảy Nam đang ẵm em. Ông này nảy ra sáng kiến là đưa Bảy Nam lên sân khấu thế vai cô đào vừa bỏ trốn. Nghe ông bầu nói, bà Năm Phỉ giật bắn người, phân bua rằng, em gái còn nhỏ chưa biết gì, sợ không dám lên sân khấu. Như vớ được phao cứu sinh, cả đoàn hát hợp lại động viên cô bé Bảy Nam lên sân khấu. Trong cái cảm giác lâng lâng, lần đầu chạm tay vào cơ hội bước lên sân khấu, Bảy Nam bạo dạn đồng ý.
Việc đầu tiên cô bé Bảy Nam làm là moi hết tiền dành dụm, chạy ra chợ mua nải chuối cúng Tổ như những liền anh liền chị chính hiệu. Bà bắt chị gái tô son trét phấn cho mình. cô bé mê tuồng sung sướng khi được đội mão, cài trâm như sở nguyện bấy lâu. Xiêm y chỉnh tề, bà hồi hộp đi lại phía sau sân khấu. Dù vui sướng nhưng tim bắt đầu đập liên hồi và mắt bắt đầu hoa lên… toàn thân bà đẫm mồ hôi ướt hết y trang.
Đúng lúc đó, bà Năm Phỉ đến bên và kêu Bảy Nam bước ra sân khấu. Vừa bước lên, bà liếc nhìn khán giả bên dưới, tay chân lạnh toát. Bà run thực sự chứ không phải diễn nhưng bên dưới ai cũng nghĩ bà đóng thật đạt nỗi sợ hãi của thứ phi trước công đường. Đến khi chị gái xoa đầu và ông bầu thưởng cho 2 đồng bạc, Bảy Nam mới biết mình đã “bị xử án” xong. Sau đó, bà theo mẹ trở về nhà và đoán chắc anh trai sẽ giận lắm khi biết chuyện “con Bảy lên sân khấu”
Quả thật vậy, ngay ngày làm lễ xả tang cho cha, anh Hai gọi bà ra vườn chuối sau hè. Biết anh trai sẽ nổi trận lôi đình nhưng bà vẫn thấy chẳng hề hấn gì so với đứng trước hàng nghìn khán giả. Anh trai bà với đôi mắt đỏ ngầu tức giận, hét lớn “hỏi tội” bà. Chưa kịp định thần, bà cảm giác đầu của mình bị chổng ngược. Thì ra, anh trai tóm chân bà, đứng trên cầu thòng đầu bà xuống mương nước. Bà chẳng nhớ gì giây phút đáng sợ ấy, cũng không nhớ bản thân đã uống bao nhiêu ngụm nước mương.
Trong lúc cố nín thở vùng vẫy, bà nghe tiếng anh trai dọa nạt, cấm bà đi hát. Bà chẳng biết bản thân đã van xin tha thiết thế nào mà anh trai nguôi ngoai, xiêu lòng cho qua. Có lẽ, người tính không qua ông trời, nghiệp cầm ca đã vận vào đời bà. Thế nên, mọi thứ cứ xuôi theo ý cô gái mới lớn mê ca hát. Anh trai bà nhận lệnh sang tỉnh khác dạy học, bà xin mẹ theo đoàn hát. Ban đầu, mẹ không đồng ý nhưng chứng kiến cảnh Bảy Nam cứng đầu đòi tự tử, bà ngậm ngùi chiều ý con.
Mẹ bà thất thểu soạn đồ rồi dẫn con gái xuống đoàn hát, dặn dò Năm Phỉ dạy dỗ em cẩn thận. Nghiệp hát của nghệ sĩ Bảy Nam bắt đầu bằng cách học điệu bộ, diễn xuất của chị Năm. Nhưng, dù cho có một người chị tài ba xuất chúng thì Bảy Nam cũng phải trầy trật lắm mới có chỗ đứng trong lòng khán giả mộ điệu. Từng bị nhận xét là Năm Phỉ giả, Bảy Nam buồn bã, đau đáu học tập để thay đổi và phát triển nghề nghiệp.