“Vua vọng cổ hài” Văn Hường: Hành trình đi lên từ anh bán hạt dưa

Giọng ca mùi mẫn, pha một chút hài hước là những từ có thể diễn tả để nói về ông “Tư Ếch” Văn Hường, danh ca vọng cổ hài số 1 Việt Nam. Giọng hát cũng như tên tuổi của ông trở thành huyền thoại của làng đĩa nhựa giải trí và đủ sức làm say lòng những khán thính giả yêu vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu. 

Chúng tôi, những người làm chương trình có may mắn là được trò chuyện cùng ông qua nhiều giai đoạn. Lúc ông tham gia Vầng trăng cổ nhạc của HTV, rồi sau này là Những dấu ấn không phai, Sân khấu Vàng đến giai đoạn NSND Minh Vương lập nhóm bạn “Cà phê Kim Chung” nữa.

nghe-si-vong-co-hai-van-huong

Nghệ sĩ vọng cổ hài Văn Hường và nghệ sĩ Thanh Tuấn

Lệ Liễu – bệ phóng đưa Văn Hường trở thành danh ca

Lúc nào ông cũng hồ hởi khi nhắc về quá khứ vàng son trước năm 1975. Hai chữ ông luôn ghim nhớ trong đầu mỗi khi được hỏi về xuất phát điểm, đó chính là “Lệ Liễu”. Quán giải trí nằm bên cầu Thị Nghè những năm 1960 – 1970 ở Sài Gòn là bệ phóng đưa ông phiêu lưu vào thế giới nghệ thuật và nổi tiếng với nghệ danh Văn Hường.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc Quận 9, TP. HCM) trong một gia đình thuần nông nghèo. Theo lời tâm sự, thuở nhỏ Văn Hường mê nghe đài phát thanh. Như một thói quen, ông nghe rồi ngân nga theo từng điệu, rồi thuộc nằm lòng nhiều bài bản, câu hò điệu lý của đờn ca tài tử Nam Bộ lúc nào không hay.
nhung-lan-tai-ngo-dong-nghiep-cu-luon-dem-den-cho-nguoi-nghe-si-gia-nhieu-cam-xuc

Những lần hội ngộ đồng nghiệp cũ luôn đem đến cho người nghệ sĩ già nhiều cảm xúc

“Vua vọng cổ hài” khởi nghiệp từ việc đi bán hạt dưa

Lên 15 tuổi, ông từ giã quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Cái “nghề” đầu tiên ông mưu sinh trên mảnh đất phồn hoa đô hội là bán hột dưa trước rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch TP. HCM – số 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1). Thời điểm đó, nơi này được xem là rạp hát đình đám bậc nhất, nơi mà đoàn hát nào khai trương đều thu hút đông nghệ sĩ, báo chí đến xem.
Tuy bán hột dưa thế thôi, nhưng ông vẫn không quên niềm đam mê với ca hát, cứ rảnh tay là ông lại ngồi ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Thế rồi số phận như đã được an bài sẵn, một tối nọ, nghệ sĩ Lệ Liễu – Chủ một quán ca cổ ở cầu Thị Nghè đi xem hát ở rạp, tình cờ bắt gặp anh chàng bán hạt dưa ca ngọt ngào, duyên dáng quá, nên đã rủ ông đến quán của bà để có dịp song ca.

Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi cuộc đời anh bán hạt dưa

Chỉ sau một vài lần đứng sân khấu Lệ Liễu, tiếng lành về giọng ca lạ Văn Hường đồn xa đã kéo nhiều nghệ sĩ tiếng tăm của làng cải lương đến quán Lệ Liễu để nghe ông hát, một trong số đó có soạn giả – NSND Viễn Châu. Sau cuộc gặp định mệnh, soạn giả Viễn Châu trực tiếp hướng dẫn cho Văn Hường cách ca vọng cổ hài và từ đó, Văn Hường đã nhận Viễn Châu làm thầy.
Bức ảnh hiếm hoi 2 thầy trò Viễn Châu Văn Hường chụp cùng nhau

Bức ảnh hiếm hoi 2 thầy trò Viễn Châu Văn Hường chụp cùng nhau

Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu đã nhận xét rằng, Văn Hường trông bề ngoài không được đẹp trai, thiếu chiều cao và miệng lại móm, nên ông nghĩ đến việc sẽ khai thác thế mạnh từ giọng ca này để thay thế một số nghệ sĩ hài đương thời nhưng làm chảnh, thái độ trịch thượng trong đòi hỏi quyền lợi, dẫn đến nhiều đoàn hát phải thay đổi vở tuồng vì thiếu nghệ sĩ hài.

Hành trình “Vua vọng cổ hài” lên ngôi

Thời điểm đó, soạn giả Viễn Châu cho ra đời nhiều bài ca vọng cổ hài. Bởi trong thâm tâm ông đau đáu: tại sao Vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không làm khán giả cười? Bởi thế, mỗi sáng người ta đều thấy ông ngồi đọc báo ở quán cà phê đầu ngõ, trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5. Đó là nơi mà mỗi ngày ông được nghe đủ thứ chuyện xã hội, từ chuyện chồng say xỉn hành hung vợ, rồi vợ ghen chồng, đến chuyện mua số đề, chơi đua ngựa mong đổi đời của bà con lao động nghèo trong các con hẻm nhỏ… Tất cả đã khơi nguồn cảm hứng và cho ông những chủ đề tuyệt vời để sáng tác
vien-chau-va-nguoi-ban-doi-cua-minh

Viễn Châu và người bạn đời của mình

Đang được thời làm giám đốc nghệ thuật cho nhiều hãng đĩa Sài Gòn nổi tiếng thời đó, Viễn Châu đã nghĩ phải làm mới bài vọng cổ sau cú hích “Tân cổ giao duyên”, đưa tên tuổi NSND Lệ Thủy trở thành huyền thoại – người ca thể điệu tân cổ giao duyên đầu tiên.
Và từ ngày phát hiện ra điểm sáng tiềm năng mang tên Văn Hường, ông đã nghĩ đến buổi hừng đông của vọng cổ hài, khi có trong tay một giọng ca đặc sệt Nam Bộ, lối xuống xề nhừa nhựa, kéo dài mỗi chữ hò như chất chứa trong từng câu ca tiếng hát nỗi niềm trắc ẩn.
Thế là Viễn Châu mạnh dạn sáng tác vọng cổ hài, nhằm đưa vào đó sự châm biếm những tiêu cực của xã hội, gia đình, mà nhân vật Tư Ếch là điển hình cho dòng ca cổ hài do Viễn Châu sáng chế.

Chính xác là vào năm 1961, bài Tư Ếch đi Sài Gòn ra đời. Đưa tên tuổi Văn Hường trở thành đỉnh điểm khiến các danh hài thời đó nể phục bởi sự nổi tiếng nhanh như vũ bão của một anh chàng bán hạt dưa phút chốc có “đôi hài bảy dặm” bay vào thế giới vọng cổ hài.

>> Mời cả nhà nghe “Tư Ếch Đi Sài Gòn” – Vọng cổ hài xưa Văn Hường



 

Đến năm 1972, Văn Hường bắt tay cùng nghệ sĩ Thanh Hải thành lập đoàn hát “Thanh Hải – Văn Hường”. Giai đoạn làm bầu đó đã tạo cơ hội để ông dấn thân vào nghiệp diễn xuất.

NSND Lệ Thủy kể lại: “Tôi và anh Văn Hường có một kỷ niệm khó quên, đó là tôi đóng vai Ngân Tâm, anh đóng vai Tứ Cửu trong vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài trên sân khấu Kim Chung. Thời đó chúng tôi còn rất trẻ, một bên vừa nổi với bài Chàng là ai theo thể điệu “tân cổ giao duyên”, một bên vừa được khán giả yêu thích với Tư Ếch đi Sài Gòn, chúng tôi đều mang ơn thầy Viễn Châu đã đặt nền tảng để cả hai tỏa sáng. Anh Văn Hường biết hạn chế của mình chỉ có giọng ca hài, với chất giọng ự ự hào sảng Nam Bộ và cái duyên ca vọng cổ làm khán giả phì cười, nên anh chịu khó học nghề diễn, từng bước đúc kết kinh nghiệm để mỗi vai diễn mang lại cho người xem sự phấn khởi”.

ns-van-huong-va-nsnd-le-thuy

NS Văn Hường và NSND Lệ Thủy

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Văn Hường về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung).
Năm 1987 do tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM

Ở tuổi 82, nghệ sĩ Văn Hường vẫn nhớ như in các vai diễn đã cho ông cảm xúc dạt dào dù là vai phụ, cái hay ở vai diễn do ông đảm nhiệm đó là khả năng đem lại tiếng cười thư giãn trong các vở bi, nhưng đó là những bài học quý của đời nghệ sĩ mà ông gìn giữ.

Có lần ông tâm sự: “Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có khán giả yêu mến là hạnh phúc. Tôi nhớ các vở tuồng mình đã đóng như: Nửa bản tình ca, Nửa mảnh kim tiền, Qua cầu vọng thê, Tướng cướp và mảnh lụa đỏ, Mấy nhịp cầu duyên, Đôi mắt liêu trai, Mưa rừng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài… Tất cả đã đi vào ký ức. Còn bài vọng cổ hài thì ôi thôi nhiều lắm. Hàng trăm bài ông thầy Viễn Châu viết cho tôi, giúp tên tuổi tôi bay cao, bay xa, rồi có tiền mua nhà, mua xe, cưới vợ, lo cho con cháu”.

>> Đến thăm nhà nghệ sĩ vua vọng cổ hài Văn Hường

Khán giả nhớ đến Văn Hường với di sản khổng lồ những bài vọng cổ đã gắn liền với tên tuổi của ông như: Đi hát cải lương, Ba ông thầy bói, Đời là gì? Chó mực đầu cáo, Hiệp sĩ say giải nghệ, Kể tuồng sân khấu, Vợ tôi mê tân nhạc, Tai nạn Honda, Tại tôi tuổi Sửu, Vợ tôi đi coi bói, Tiền bạc, bạc tiền, Vợ tôi đẹp ác, Tôi đi hớt tóc, Tư Ếch đi chợ, Văn Hường đại chiến Tư Ếch, Tư ếch đi hội chợ, Tứ đổ tường, Tư Ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội… Đó là những báu vật quý của sân khấu cải lương hơn 100 tuổi, mà công trạng về người đưa thể điệu vọng cổ hài đến gần với công chúng, chính là nghệ sĩ Văn Hường.

Thảo luận cho bài: "“Vua vọng cổ hài” Văn Hường: Hành trình đi lên từ anh bán hạt dưa"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com