Nghệ sĩ Chí Tâm (cải lương)
|
Mục lục
Anh mang trong mình hai dòng máu Việt và Trung Hoa, sinh sống bằng nghề buôn bán với một cửa tiệm tạp hoá lớn tên Vĩnh Hưng gần Trà Ôn. Vì nhà ở rất gần với rạp hát Long Tấn nên Chí Tâm thường xuyên được nghe vọng qua những bài vọng cổ, không kể thường được bà ngoại dắt đi xem những vở tuồng cải lương được diễn tại đây. Chính vì vậy, Chí Tâm đã chịu ảnh hưởng nặng nề của nghệ thuật cải lương ngay từ những ngày thơ ấu và cảm thấy thích thú để xin gia đình cho đi theo ngành này từ khi mới lên 6. Khởi đầu, anh học ca với thầy Minh. Sau đó, lần lượt nhận được chỉ chỉ dẫn của các nhạc sĩ khác như Bùi Kiên, Mười Ngoạn và Năm Thê.
1. Tiểu sử
Năm 13 tuổi, Chí Tâm được bố gửi lên theo học thầy Vĩnh Châu ở Sài Gòn, nhưng không được thu nhận vì người cải lương nổi danh này có quá đông học trò. Nhưng sau đó anh may mắn được soạn giả Yên Sơn (tức nhạc sĩ Út Châu) nhận lời hướng dẫn. Đây cũng là người đã tạo được một ảnh hưởng lớn trong bước đầu nghệ thuật của Chí Tâm trong suốt thời gian theo học toàn phần và ở nội trú tại lớp nhạc này…
Sau hai năm theo học soạn giả Yên Sơn, Chí Tâm được giới thiệu đi hát ở miền Trung với đoàn Tinh Hoa. Những người có thẩm quyền trong đoàn hát này đã để ý đến khả năng của anh qua những nhạc phẩm tân cổ giao duyên do Yên Sơn viết.
Do nhận biết được năng khiếu của cậu thiếu niên 15, 16 tuổi này, những đàn anh, đàn chị trong nghề như Hữu Lộc, Ngọc Thanh, Tuyết Mai, vv… cũng đã sốt sắng chỉ bảo cho Chí Tâm về kinh nghiệm ca diễn. Cùng một thời gian khi được gia đình nhắn về Trà Ôn vì mẹ bị bệnh nặng, Chí Tâm bắt đầu bị bể tiếng, nên giọng hát cao của anh trước đó trở thành giọng trầm nên không tiếp tục đi theo đoàn hát Tinh Hoa được. Anh phải ở lại nhà để học thêm tiếng Tầu với mục đích theo nghề buôn bán do ý muốn của bố. Dĩ nhiên với bản tính nghệ sĩ, Chí Tâm không hề thấy thích hợp với nghề buôn bán nên chỉ được khoảng một năm đã thấy nhớ đến ánh đèn sân khấu, những câu hát tiếng đàn. Bố anh khuyên anh không nên đi theo con đường này và muốn anh đi học về ngành chụp hình ở Cần Thơ.
Bắt buộc phải nghe lời Bố, Chí Tâm lên thủ đô của miền Tây để theo học ở tiệm chụp hình Á Châu. Lợi dụng tình trạng xa nhà, anh đã theo học đàn bầu với nhạc sĩ Tứ Quốc, thường được gọi dưới tên Cò Quốc do tài nghệ sử dụng đàn cò điêu luyện của ông. Sau vài tháng theo học với nhạc sĩ Cò Quốc, Chí Tâm được mời cộng tác với ban cổ nhạc Tây Đô Cần Thơ của ông Năm Đờn trong vai trò một nghệ sĩ đàn sến. Ngoài ra anh còn cộng tác với ban cổ nhạc của Năm Hí và Y Sơn trong những chương trình phát thanh trên đài quân đội ở Cần Thơ, cùng là nơi anh sử dụng đàn bầu cho chương trình Thi Văn Tao Đàn. Thêm vào đó thỉnh thoảng anh còn xin được phép của ông chủ tiệm hình để cùng ban Cổ Kim Hòa Điệu theo chân tiểu đoàn 40 Chiến Tranh Chính Trị lưu diễn đó đây.
Vào khoảng năm 71, giọng Chí Tâm trở lại bình thường, khởi đầu với “ton” Fa là “ton” trầm nhất trong cổ nhạc, sau đó lên Sol rồi mới tới La. Anh hát trở lại lần đầu tiên với đoàn Dạ Quang Châu của ông bà Tám Vân (tức soạn giả Nhị Kiều). Khoảng một năm sau, với tình trạng giới nghiêm sớm nên không có dịp hát nhiều nên đoàn hát chỉ về diễn tại những tỉnh lẻ, làng mạc xa xôi như Mỹ Hiệp, Cái Tầu Thượng, Cái Tầu Hạ, vv… Sau khi đoàn Dạ Quang Châu rã, quản lý đoàn Kim Chung mời Chí Tâm về hát cho đoàn Kim Chung 5 ở rạp Olympic để thay thế Minh Vương bị gọi động viên. Tuy nhiên trong thời kỳ này, đoàn cũng chỉ thường về diễn ở các tỉnh miền Tây như Long Xuyên, Châu Đốc và các làng mạc nhỏ.
Vào thời gian kép Pương Bình của đoàn Kim Chung 2 nhẩy ra lập đoàn riêng, Chí Tâm về thay thế để trở thành kép chánh cho đoàn này bên cạnh Mỹ Châu. Vào những ngày gần biến cố tháng Tư năm 75, Hữu Phước và Hương Lan được về cộng tác với Kim Chung và cùng xuất hiện với Chí Tâm trong “Hán Đế Biệt Chiêu Quân” với Hương Lan trong vai Chiêu Quân và Chí Tâm thủ diễn vai Hán Đế. Hai người sau đó đã rất được khán giả mến mộ khi cùng nhau đóng hai vai chính trong vở “Nắng Thu Về Ngõ Trúc”, được diễn liên tục trong suốt một tháng tại rạp Olympic, kể từ tháng 3 năm 75, mặc dù trong những xuất ban ngày vì thời kỳ này lệnh giới nghiêm được áp dụng kể từ 10 giờ đêm. Cũng thời gian này “Hán Đế” Chí Tâm và “Chiêu Tâm” Hương Lan bắt đầu đến với nhau bằng những tình cảm đậm đà để đi đến hôn nhân một thời gian sau.
Trước đó khá lâu, thật sự tên tuổi Chí Tâm đã được biết đến nhiều, không phải nhờ sân khấu mà nhờ ở những đĩa nhựa tân cổ giao duyên do hãng đĩa Việt Nam thực hiện, sau khi anh được soạn giả Loan Thảo giới thiệu. Anh gây được nhiều chú ý nhất với vở Lan và Điệp, đóng chung với Thanh Kim Huệ. Một điều ghi nhận là anh không thu vở nào trên đĩa nhựa với Hương Lan vì trong thời gian từ 72 đến 74, Hương Lan còn hát tân nhạc cho đến khi được mời cộng tác với đoàn Kim Chung, cô mới bắt đầu chuyển qua cải lương.
Chí Tâm lập gia đình với Hương Lan vào tháng 12 năm 75 bằng một tiệc cưới được tổ chức tại nhà hàng Ngọc Linh trên đường Cô Giang. Họ có với nhau 2 con, một trai sanh ở Việt Nam năm 77 tên Henri Bảo Nhi và một trai chào đời tại Pháp năm 78 tên Patrick Bảo Trang. Hiện cả hai sống ở Anaheim, nam Cali, sau khi từ Pháp sang Mỹ cùng với mẹ, với lý do cho con đi nghỉ hè. Nhưng sau đó Hương Lan đã giữ hai con ở lại Mỹ luôn sau khi cuộc hôn nhân với Chí Tâm tan vỡ.
Chí Tâm và Hương Lan từ Việt Nam qua Paris cùng một lúc vào tháng 2 năm 1978 dưới diện Pháp Kiều hồi hương nhờ thân phụ Hương Lan là nghệ sĩ Hữu Phước xin hồi tịch Pháp, do đó Hương Lan được công nhận như một Pháp Kiều. Họ cư ngụ tại St Tolomon, ngoại ô thủ đô Pháp Quốc trước khi dọn về quận 13 ở Paris. Sau hơn 4 năm chung sống tại Paris, cuộc hôn nhân giữa hai người đi đến tình trạng đổ vỡ, với lý do theo Chí Tâm là “thật ra thì không có gì trầm trọng lắm, nhưng tại lúc đó đứa nào cũng nóng tánh hết”. Một phần khác đến từ sự hiểu lầm tình cảm của Chí Tâm đối với một người em gái của Hương Lan mà đối với anh là “tại xa gia đình nên thương mấy người em gái của Hương Lan như em ruột vậy thôi”, như lời anh tâm sự.
Sau khi chia tay với Hương Lan vào năm 1982, Chí Tâm cùng với nghệ sĩ Michel Mỹ – đã qua đời. Thành lập một đoàn hát tên Năm Châu, để tưởng niệm cố nghệ sĩ tài danh tên Năm Châu. Với đoàn này, Chí Tâm đã được những đồng bào ở Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Đức, Na Uy, Đan Mạch, vv… biết nhiều đến tên tuổi qua các vở tuồng như Số Đỏ (tức Tình Cô Gái Huế, là vở tuồng đầu tiên của đoàn Năm Châu) của Qui Sắc, Máu Nhuộm Sân Chùa, Đường Gươm Nguyên Bá, Tâm Sự Loài Chim Biển. Tuy nhiên dù “ai cũng mê, cũng thích nhưng mà đi coi thì hơi khó vì phần lớn khán giả là người có tuổi, con cháu không chịu đưa đi thì cũng thua luôn”. Đó là lý do đưa đến tình trạng tan rã của đoàn Năm Châu.
Năm 1985, Hương Lan và hai con sang sống tại California, trong khi Chí Tâm vẫn ở lại Pháp, cư ngụ tại quận 19 Paris. Đến khi gặp một người bạn gái khác, là một người thường tham gia trong những hoạt động văn nghệ của chùa Khánh Anh, Chí Tâm dọn về quận 11 trước khi cùng với người yêu mới mua một căn nhà gần Versailles. Nhưng đến năm 89, một lần nữa sự chia tay lại đến với anh và người nữ nghệ sĩ sử dụng đàn tranh. Cũng trong thời gian này, Chí Tâm xin nghỉ việc với công ty Alcatel Thompson, là nơi anh làm từ năm 79. Tin tưởng khả năng của mình có nhiều cơ hội phát triển hơn tại Hoa Kỳ, nên Chí Tâm quyết định dời sang Houston cư ngụ vào tháng 10 năm 1989, một tháng sau khi xin nghỉ việc. Hơn nữa vì có quen với một người bạn gái ở California, đã hứa sẽ bảo lãnh anh ở lại Hoa Kỵ” Nhưng sau khi thu xếp xong xuôi thì được cô ấy báo là đã có người yêu khác. Nhưng đã lỡ, cũng qua Mỹ “phóng lao phải theo lao” và nhất là đã từ giã bạn bè ở Pháp rồi, nên nếu ở lại thì kỳ lắm!”.
Qua năm 90, anh được Hoàng Ngọc Ẩn mời cộng tác trong lãnh vực báo chí, phụ trách mục Điện Ảnh Hồng Kông cho những tờ báo Vietnam Post, Thương Mại Việt Nam tại Houston. Ngoài ra, anh cũng được mời làm chuyên viên thu thanh cho trung tâm Hạ Quyên và coi sóc tiệm sách mang cùng tên của Hoàng Ngọc Ẩn và đã thực hiện được 2 CD cho thi sĩ này.
Sau khoảng 7 năm cư ngụ tại Houston, Chí Tâm nhận thấy việc tạo dựng tên tuổi tại đây không được khả quan cho lắm vì tình hình sinh hoạt văn nghệ vào thời kỳ này chưa được bộc phát mạnh mẽ. Chí Tâm quyết định chọn California để thử thời vận vào năm 96, sau khi được trung tâm Làng Văn mời về phụ trách phòng thu thanh ở Orange County. Anh cũng đã vài lần viếng thăm thủ đô văn nghệ tỵ nạn trước đó trong những dịp về hát với Hương Lan hoặc trình diễn tại quán cà phê Tao Nhân, nên đã phần nào nắm vững được tình hình sinh hoạt ở đây. Sau hơn một năm cộng tác với trung tâm Làng Văn, Chí Tâm tự sắm một phòng thu thanh riêng để đứng ra điều hành cho đến nay. Với Làng Văn, Chí Tâm đã xuất hiện trên một số chương trình video, trong số đó có đoản kịch “Đưa Nàng Về Dinh” do anh sáng tác và diễn chung với Delena. Ngoài ra anh còn nhận làm hòa âm cho trung tâm Hải Âu cùng những bạn bè trong giới nghệ sĩ.
Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi thêm nên ngoài lãnh vực cổ nhạc, Chí Tâm còn chứng tỏ có khả năng trong lãnh vực tân nhạc. Phòng thu Chí Tâm đã thực hiện nhiều “projects” tân cổ giao duyên như tiếng hát Đầu Nôi, Những Chuyện Tình Huyền Sử, Gặp Lại Cố Nhân, vv… và gần đây nhất là 18 Năm You And Me. Ngoài ra anh cũng đã thực hiện một số “projects” tân nhạc như Mây Vẫn Còn Bay, Khúc Nguyệt Cầm, vv… Thêm vào đó, nhờ có giọng hát mang âm hưởng Trung Hoa, Chí Tâm đã được mời hát tân nhạc cho nhiều phim bộ.
Ngoài vài lần xuất hiện trên những chương trình video của Làng Văn, vào năm 96 Chí Tâm thu hình cho trung tâm Thúy Nga bài Duyên Nợ Chợ Trời do anh sáng tác, trình diễn cùng với Hương Lan. Những năm 1997 và 1998, những tác phẩm của Chí Tâm là Nấu Bánh Đêm Xuân và Chiếc Bánh Bông Lan cũng đã được đưa vào những chương trình “Paris By Night”. Không kể những lần được mời diễn trong các chương trình văn nghệ, từ năm 2001 Chí Tâm còn thành lập nhóm lấy tên là “Sân Khấu Văn Lang”. Chương trình mới nhất của nhóm này diễn ra vào ngày 24 tháng 8 với soạn phẩm cải lương “Bông Hồng Cài Áo” của soạn giả Hoàng Khâm.
Từ năm 99, Chí Tâm được mời cộng tác với đài Little Saigon Radio, phụ trách phần xướng ngôn cùng với Chu Ly từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều với những tiết mục như: đọc tin, talk show, thông báo cộng đồng, vv… Đặc biệt, riêng mỗi thứ hai, anh phụ trách chương trình “Tìm Hiểu Cổ Nhạc” từ 3 giờ 15 đến 3 giờ 45. Thứ ba, anh cùng với Chu Ly phụ trách chương trình đọc truyện, thứ Tư: chương trình “Tiếng Hát Quê Hương”. Và thứ Năm chương trình “Ca Dao Tục Ngữ”. Tuy bận rộn như vậy, Chí Tâm còn nhận hướng dẫn về ca và đàn cổ nhạc.
Riêng về đời sống tình cảm của mình, Chí Tâm tự nhận thấy là “vui và không có gì lận đận lắm”. Anh nói thêm “Mình chỉ sợ viên đạn đầu tiên thôi. Bị bắn một cái đùng! Còn những viên đạn sau thì không sao hết”.
Hiện Chí Tâm chung sống từ năm 99 với người bạn đời tên Minh Tuyền, quê ở Châu Đốc, là người phụ giúp anh rất nhiều trong việc điều hành phòng thu Chí Tâm cũng như trong những hoạt động nghệ thuật của anh. Với tâm hồn tận tụy với nghề nghiệp và một trí nhớ thật tốt, rất cần thiết cho vấn đề tổ chức công việc, môi trường hiện nay hoàn toàn thích hợp với khả năng của Chí Tâm để anh có thể tiến xa hơn nữa trong việc phục vụ nghệ thuật, nhất là khi có một guồng máy đã chạy đều.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Bao Công Tra Án Quách Hòe – Lan Huệ Sầu Ai – Lan Và Điệp – Đường Gươm Nguyên Bá | – Phàn Lê Huê – Tây Thi – Nụ Cười Trong Mắt Em – Hỏa Sơn Thần Nữ – Lương Sơn Bá |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Hàn Mặc Tử
– Bao Giờ Em Quên
– Duyên Số
– Tôi Nhớ Tên Anh
– Đưa Em Về Quê Hương
– Người Tình Và Quê Hương
– Tình Đêm Liên Hoan
4. Danh hiệu, giải thưởng:
– *Đang Cập Nhật*