Nghệ sĩ Minh Cảnh (Ca cổ, cải lương)
|
Mục lục
Những năm 60 của thế kỷ trước, Minh Cảnh là cái tên nổi đình nổi đám, khắp miền Nam không ai không biết tên. Ông là bậc thầy sáng tạo ra trường phái cải lương mới khi có thể vào câu vọng dài hơi, nét đặc trưng không phải nghệ sĩ nào cũng có thể đạt được.
Được mệnh danh là “Hoàng đế vọng cổ” nhưng lại xuất thân từ cậu bé lượm ve chai, hành trình trở thành danh ca cải lương của ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều lớp nghệ sĩ sau này.
1. Tiểu sử
Minh Cảnh sinh ra trong một gia đình tại Chợ Lớn. Ông có tuổi thơ vất vả vì bố mẹ đều là dân lao động, nhà lại đông anh em nên từ nhỏ đã phải bươn trải làm thuê để phụ giúp bố mẹ.
Năm 11 tuổi, bố mẹ gửi ông về sống cùng bà ngoại và dì ở quận 3. Cuộc sống của ông rất khó khăn: Ban ngày đi lượm ve chai, giấy vụn. Buổi tối thì đi lấy chuối chiên, bánh cam, bán rong khắp nơi để có tiền.
Ngay từ nhỏ, Cậu bé Minh Cảnh đã có niềm đam mê cháy bỏng với cải lương. Chuỗi ngày rong ruổi mưu sinh, cậu luôn bị níu chân mỗi khi nghe tiếng hát Út Trà Ôn hay sầu nữ Út Bạch Lan phát ra từ nhà nào đó. Thậm chí, khi nghe còn ngân nga hát theo và thuộc rất nhiều bài.
Năm 1959, cha Minh Cảnh đón cậu về sống bên đường Phạm Thế Hiển tại quận 8 Tp. HCM. Sau khi về ở cùng cha, cậu được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ. Sau đó còn được nghệ sĩ Văn Được hướng dẫn ca tài tử ở Đài Phát Thanh.
Dịp giỗ tổ sân khấu cải lương năm 1960, Minh Cảnh được nghệ sĩ Văn Được và nhạc sĩ đàn cò Ngọc Sáu giới thiệu với bầu gánh đoàn Kim Chung. Sau khi ca 6 câu vọng cổ bài Lá thư người chiến sĩ, ai nấy đều vỗ tay rần rần, khen giọng ca đầy tiềm năng. Sự nghiệp ca hát của cậu ở đoàn Kim Chung bắt đầu từ đó.
Năm 1961, Minh Cảnh nổi danh với bài vọng cổ “Tu là cội phúc” của soạn giả Viễn Châu và bắt đầu được mời thu đĩa ở hãng Asia. Sau đó là sự thành công liên tiếp với nhiều bài vọng cổ khác: Lòng dạ đàn bà, Mưa trên phố Huế, Cô gái bán trái sầu riêng, Võ Đông Sơ, Chuyến xe lam chiều, Lương Sơn Bá, Lưu Bình Dương Lễ, Em bé đánh giày, Sầu vương ý nhạc…
Năm 1963, Minh Cảnh thành lập đoàn Kim Chung 2 và tên tuổi của ông tiếp tục nổi như cồn qua các vở: Manh áo quê nghèo, Bên cầu vọng thê, Trinh nữ lầu xanh, Lưỡi kiếm thần, Lời thơ trên tuyết, Bích Vân Cung kỳ án, Bức hoạ da người, Hận đầu xanh, Bẻ kiếm bên trời… Đặc biệt, trong bài “Quán gấm đầu làng” (chuyện Lưu Bình – Dương Lễ), Minh Cảnh đã thể hiện cho khán giả thấy vì sao ông được mệnh danh là “Ông hoàng vọng cổ” khi bứt phá với câu vọng cổ hơi dài ca một mạch 53 chữ, đặt dấu ấn đầu tiên cho ca vọng cổ hơi dài cho đến tận ngày hôm nay.
Sự nghiệp của Minh Cảnh bị “gãy gánh” giữa đường từ lúc ông biểu diễn màn bay lượn trong vở “Kiếm sĩ dơi” tại Bình Dương. Trong cái rủi có cái may, ông trời không lấy đi tính mạng của ông. Từ tai nạn đó, ông bầu kiêm kép chánh Minh Cảnh lâm vào cảnh túng quẫn, không còn tiền đong gạo, trả lương nên đoàn Kim Chung 2 nhanh chóng giải tán.
Rời sân khấu, ông quay về Long Xuyên, Sóc Trăng, Cà Mau mở quán nhậu hát cho nhau nghe, hát show đám cưới, đám ma suốt một thời gian dài, lận đận mưu sinh. Sau đó, nam danh ca về chung một nhà với nghệ sĩ Kiều My và cả 2 cùng sang Mỹ định cư.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Bao Công xử án Quách Què
– Triệu Tử Đoạt Ấu Chúa
– Đêm lạnh chùa hoang
– Máu nhuộm sân chùa
– Mùa thu trên Bạch Mã Sơn
– Người đẹp Bạch Hoa thôn
– Bão Cát
– …..
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Chuyến xe lam chiều – Tàu đêm năm cũ – Tu là cội phúc – Võ Đông Sơ – Lương Sơn Bá – Cô lái đò – Quán nửa khuya – Tình anh bán chiếu – Qua bến đò xưa | – Đứa con đất nước – Lưu Bình Dương Lễ – Trăng sáng vườn chè – Sầu vương ý nhạc – Em bé đánh giày – Gõ cửa – Đám cưới trên đường quê – Đêm tàn bến Ngự – Trống loạn Thăng Long thành |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
*chưa cập nhật