Yêu khắc cốt ghi tâm nhưng hai lần đều bị phụ bạc
Ông Nguyễn Phước Cương vốn học ngành Y tại Pháp nhưng lại chọn theo đuổi nghiệp sân khấu. Trở về nước, ông quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như: Ngọc Sương, Kim Thoa, Năm Cần Thơ, Tám Danh, Ba Du…lập đoàn cải lương Đại Phước Cương,
Phía sau sân khấu chuyện tình cảm của ông Tư Cương rất lắm điều kỳ lạ. Trước khi thành duyên vợ chồng với nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, ông có những chuyện tình hệt như tuồng hát, phim ảnh.
Ông có mối tình đầu với một nữ sinh trẻ đẹp, con nhà danh gia vọng tộc ở Sóc Trăng. Nhưng cô gái bị ép gả cho ông Chủ Chợ, một người Pháp có thế lực và tiền bạc. Hay tin người yêu đi lấy chồng, ông Tư Cương bỏ học ở Sài Gòn tìm về Sóc Trăng vào đúng ngày đám cưới diễn ra. Đêm ấy, ông lén trèo lên cửa sổ phòng cô dâu, rủ nàng bỏ trốn. Ông Chủ Chợ tức giận. Má của ông Cương phải nhờ Toàn quyền Decoux can thiệp, điều đình suốt mấy năm trời ông Chủ Chợ mới bỏ qua.
Sau chuyện tình không thành với cô nữ sinh, ông Cương rơi vào vòng xoáy tình cảm với những nữ bầu gánh – đào hát. Vì khá mát tay trong việc nâng đỡ các đào hát nổi tiếng nên trong lúc qua lại, chuyện phát sinh tình cảm là điều không thể tránh khỏi.
Đầu tiên là cô đào hát Năm Nhỏ, ngôi sao lớn của sân khấu hát bội thời bấy giờ. Trớ trêu thay, tình yêu khắc cốt ghi tâm của họ cũng không có hồi kết vì anh trai của ông cũng đem lòng yêu thương cô đào Năm Nhỏ. Người anh bàn với má cho ông Cương đi du học ở Pháp để chia rẽ tình cảm của em trai. Khi ông Cương đi, 6 tháng sau, ông được báo tin anh trai của mình cưới người ông yêu làm vợ. Lúc ông về nước cũng là lúc gia đình anh trai sắp đón đứa con đầu lòng.
Rủi thay, anh trai ông bị tai nạn qua đời nên gửi gắm vợ con cho ông chăm sóc. Để anh trai thanh thản ra đi, ông gật đầu đồng ý. Nhưng ngờ đâu bản thân sẽ phải đón nhận búa rìu gay gắt của dư luận.
Tình chị duyên em mà nên nghĩa vợ chồng
Sau khi chăm lo cho má con đào hát Năm Nhỏ yên ổn, ông Cương lại rơi vào nhiều mối tình sôi nổi với các cô đào hát do chính tay mình đào tạo. Trong số các đào hát yêu đương với ông bầu Phước Cương có cô đào Năm Phỉ, chị gái của nghệ sĩ Bảy Nam. Năm 1935, nghệ sĩ Năm Phỉ, đệ nhất đào thương của sân khấu miền Nam kết hôn cùng bầu gánh Đại Phước Cương. Cùng năm đó, ông đưa vợ sang đấu xảo ở Paris và giành giải nhất.
Bà Năm Phỉ tài hoa, tình tính vốn cũng cởi mở trong chuyện tình cảm. Vừa trở về nước, sẵn vinh quang vừa đạt được, lại ngao ngán cuộc đời nay đây mai đó, bà liền nghĩ cách dứt áo ra đi. Bà cố công se duyên cho chồng với em gái Bảy Nam để tiện bề tìm vui duyên mới mà không làm chồng buồn khổ.
Đào hát Bảy Nam bấy giờ tuy không thật xuất sắc như người chị nhưng mặn mà, đằm thắm, lại chịu thương chịu khó. Vốn ngưỡng mộ ông bầu Cương từ lâu nên dẫu biết, chị mình tìm người thay thế nhưng Bảy Nam cũng ưng lòng. Phước Cương cũng là người khoáng đạt, không nặng lòng với tình cũ đã quyết ra đi. Ông nhẹ nhàng đón nhận tình yêu mới với nghệ sĩ Bảy Nam.
Bến đỗ cuối cùng của người nghệ sĩ đào hoa
Đối diện với Bảy Nam, Phước Cương mới hiểu được đó là bến đỗ cuối cùng.
Cả hai đã trao nhau những ngày tháng ấm áp, đong đầy kỷ niệm vui buồn. Cô đào hát Bảy Nam nhỏ bé không còn phải tự mình đương đầu với sóng gió, với chìm nổi của gánh hát nữa. Bà đã có chồng cùng chung vai gánh vác. Ông bầu đào hoa một thời yêu thương vợ mà đứng ra giành lại công bằng cho bà hay gợi ý cho soạn giả vai diễn phù hợp với vợ.
Thế nhưng khi yêu, người ta không tránh khỏi một chút ích kỷ và lo lắng. Ông bầu Cương sợ vợ mình lại như những cô đào hát trước đây khi nổi tiếng sẽ lại bỏ rơi ông. Từ đó, ông thu hẹp đoàn hát, đưa đoàn về vùng sâu vùng xa, không trụ lại những thành thị hoa lệ – nơi con người ta dễ ước vọng cao sang mà bỏ ngang nhân nghĩa.
Hiểu những gì chồng lo nghĩ, bà Bảy Nam cũng không đòi hỏi hay sửa soạn cho bằng chị bằng em. Bà lặng lẽ cùng chồng chăm lo cho anh chị em nghệ sĩ, cần mẫn đưa đoàn lưu diễn khắp nơi. Người phụ nữ ấy không ngại đánh đổi sự nghiệp để thỏa tâm nguyện cho chồng hằng mong có con cái ẵm bồng, cưng nựng.
Người ta vẫn thấy đôi vợ chồng ấy tâm huyết với sân khấu, vẫn thấy họ gắn bó cùng nhau từ những tháng ngày vinh quang cho đến khi gánh hát rơi rụng dần chỉ còn biết đến với tên gọi Tiểu Phước Cương.
Hạnh phúc chẳng tày gang, Bảy Nam đau đớn mất con rồi lại mất chồng
Bước ngoặt cuộc đời thay đổi khi đôi vợ chồng đón thêm những đứa con chào đời. Gia đình năm người tưởng như hạnh phúc tận cùng nhưng ngay lúc ấy đau thương ập đến khi đôi vợ chồng ôm đứa con trai bị sốt mà tắt thở giữa rừng cao su. Sau ngày con mất, Bảy Nam ngồi bên mộ con thẫn thờ, thấy ai đi ngang cũng gọi lại lẩm bẩm: “Anh chị có con không? Tôi có con, nhưng con tôi mất rồi”.
Ông bầu Cương và anh chị em trong gánh hát bàn nhau đưa đoàn đi nơi khác biểu diễn để giúp vợ nguôi ngoai. Nhiều nỗi lo phần nào che lấp nỗi đau mất con trong lòng cô đào hát. Kể cả lúc chồng lâm bệnh nặng, bà mang thai nhưng vẫn phải lên sân khấu. Mới sinh được 9 ngày, chưa kịp ở cữ, bà đã phải khóc cười với từng vai diễn.
Dù cực khổ, chồng bệnh không chung vai đấu cật nhưng nhờ đó bà vẫn có niềm tin, vẫn có chỗ nương tựa tinh thần. Ấy vậy, giữa lúc đoàn hát chật vật nhất, chồng bà qua đời.
Lúc còn sống, ông bầu Tư Cương từng dốc hết sản nghiệp, tâm huyết để đầu tư và phát triển sân khấu nhưng khi ông rơi vào cảnh cùng cực nhất, chính sân khấu lại xua đuổi ông. Đang lúc ông Cương hấp hối, hai vợ chồng lại bị chủ rạp hắt hủi, yêu cầu bà Bảy Nam đưa chồng đi nơi khác. Bà cay đắng nhắc lại những ngày gánh hát biểu diễn ở rạp mang lại không ít doanh thu cho chủ rạp. Thế nhưng, bao chân tình cũng không lay động nổi những con người vô ơn, chỉ biết lợi ích bản thân. Sự cầu xin của bà chỉ đổi lấy được ánh nhìn lạnh nhạt, vô tình, và những lời ráo hoảnh, mời người gặp nạn mau mau rời khỏi.
May mắn người quen hay tin đến đưa chồng bà về tịnh dưỡng ở chùa. Một đêm sau, ông Cương qua đời. Bà Bảy Nam thẫn thờ, ôm xác chồng mà khóc.
Điểm tựa cuối cùng đã mất, bà như người mất hồn nhờ người chạy đôn chạy đáo tang chay cho chồng, còn bản thân tựa gốc cây mà hồi tưởng về thời gian cực thịnh của đoàn hát Đại Phước Cương, hồi tưởng về tháng ngày hạnh phúc bên gia đình.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, bà đã phải thức tỉnh bởi còn lo cơm áo gạo tiền nuôi nghệ sĩ theo đoàn. Đêm sau ngày mở cửa mả cho chồng, bà tụ hợp mọi người lại, tìm phương cách duy trì gánh hát. Chuyện tính chưa tới đâu, chiến tranh nổ ra dữ dội, gánh hát lẩn vào rừng Sara. Mấy tháng sau, bà nhận được thư của bà Năm Phỉ nên băng rừng tìm về Sài Gòn, gánh hát Tiểu Phước Cương coi như tan rã, mạnh ai nấy tìm đường sống.