Vở kịch về tình mẫu tử hết sức cao đẹp “Bông hồng cài áo” được tái dựng dưới bàn tay của đạo diễn Ái Như lần nữa làm thổn thức trái tim người xem. Đây là một món quà hết sức ý nghĩa sân khấu Hoàng Thái Thanh gửi đến khán giả nhân mùa Vu lan.
Có những ngã ba cuộc đời đầy không phải ai cũng rẽ đúng
Lời của nghệ sĩ Thành Hội mở đầu buổi biểu diễn khi nói về cơn đau mà tất cả người đàn bà trong cuộc đời không thể chia sẻ cùng ai đó là nỗi đau chuyển dạ, sinh ra đứa con như một mạch ý dẫn vào vở kịch và đọng lại trong tâm trí người xem: chúng ta sẽ làm gì để mẹ đừng đau thêm một lần nữa trong đời…
Câu chuyện được xây dựng trên bối cảnh trở về trước mấy chục năm. Bà Tư bán tàu hủ bị gia đình người yêu khinh rẻ vì nghèo. Dù đã có với nhau hai mặt con nhưng họ vẫn bị ép chia lìa khiến chồng xa vợ, cha xa con.
Bà Tư một nách hai con đứa 1 tuổi, đứa mới lên 4, đơn độc, sấp ngửa giữa chợ đời. Hai mươi năm sau, người cha bội bạc chết trên xứ người, bà nội mới quay về Việt Nam tìm lại hai giọt máu bà hắt hủi năm nào.
Vì cái nghèo mà bị người đời rẻ rúng, hai đứa con của bà Tư như “chết đuối vớ được cọc”. Họ sẽ lựa chọn tình thương mẫu tử hay tiền tài giàu sang để tin rằng đó mới chính là hạnh phúc?
Một cảnh đời xưa cũ, nhưng vẫn chạm đến sâu thẳm xúc cảm của người xem hôm nay. Bởi tình mẫu tử từ trước đến nay vẫn thiêng liêng như thế.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, bi kịch cuộc đời chẳng ai giống nhau nhưng xem những câu chuyện mẹ con, dường như ai cũng thấy tìm thấy chính mình trong đó. Hiếu và Thảo, hai đứa con mang cái tên chất chứa ước nguyện cả đời của bà Tư. Nhưng đến cuối cùng, cái nghèo khó đã khiến họ rời xa mẹ mình, quên đi những ấp yêu, nâng niu, gánh nặng tần tảo trên đôi vai gầy mẹ đã nuôi mình khôn lớn.
Họ chạy nhanh đến với đồng tiền, với giàu sang và nghĩ rằng có thể bù đắp cho mẹ. Nhưng cha mẹ chỉ có thể kiên nhẫn chịu cực chịu khổ để nuôi con khôn lớn, làm sao mà kiên nhẫn chờ đợi để con cái báo hiếu bằng những đồng tiền xin xỏ của người khác.
Lời cảnh tỉnh cho những đứa con
Bà bầu Kim Cương luôn luôn kỹ tính với những tác phẩm đã trở thành thương hiệu của đoàn kịch. Bà đã phải lựa chọn rất kỹ những gương mặt để “gửi vàng” bởi nỗi lo người đi sau sẽ làm “biến dạng” đứa con tinh thần của mình.
Bà chỉ tin tưởng để đạo diễn Vũ Minh dựng lại vở kịch này trên sân khấu Idecaf vào năm 2013. Khi đạo diễn Ái Như đến xin phép, bà đã đồng ý và có những trao đổi, góp ý để Hoàng Thái Thanh đưa vào kế hoạch dàn dựng vở năm nay một tác phẩm chất lượng và tiếp tục nối dài sự rung cảm về tình mẫu tử hết sức thiêng liêng.
Đạo diễn Ái Như hứa với khán giả: “Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, dù tác giả có yêu cầu hay không, khi dựng lại một vở diễn đã thành công, chúng tôi luôn cố gắng giữ đúng cốt lõi, tinh thần của vở diễn”.
Tuân thủ giá trị tinh thần ngàn năm ấy nhưng Ái Như đã chọn một cách kể mới. Trong lần tái bản này, bà phát triển câu chuyện trên bối cảnh của những năm 1970. Nữ đạo diện thổi vào đó một không khí hippie từ trang phục, tóc tai, phong cách cho tới âm nhạc và cảnh trí…
Không chỉ là một nội dung lấy đi nước mắt người xem, Bông hồng cài áo phiên bản mới còn khiến khán giả trầm trồ nhìn ngắm một Sài Gòn xưa qua những chiếc quần ống loe, tóc phồng, áo dài xưa, bức tường loang lổ hay chiếc gạc-măng-rê cũ kỹ, rèm cửa vải bông, chai nước thủy tinh đậy nắp giấy ở nhà cô Nga.
Đặc biệt, nghệ sĩ Ái Như làm người xem khóc hết nước mắt vì khả năng hóa thân vào 2 nhân vật người mẹ quá tinh tế. Cô giáo Nga trong vở diễn đã đau đáu: “Một người mẹ bị mất con và một người mẹ bị con ruồng bỏ, ai sẽ đau đớn hơn?”. Thật khó trả lời.
Người mẹ nào của Ái Như cũng làm trái tim người xem như bị bóp nghẹt nhờ cách khai thác và khắc học nhân vật đầy chiều sâu. Và dù trong nghịch cảnh nào đi chăng nữa, sự bứt lìa núm ruột đều khiến người mẹ đau đớn, tan nát.
Xem kịch mà nghèn nghẹn, rưng rưng bởi chúng ta thấy mình đâu đó trong câu chuyện, tự thấy mình dường như còn vô tình với cha mẹ.