Nhiều khán giả mộ điệu cải lương đã có những ý kiến trái chiều, một số cho rằng sự xuất hiện của các ca sĩ trong vở tuồng cổ kinh điển làm phá vỡ mạch cảm xúc của vở diễn…
Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng: những nhân vật, tình tiết bất ngờ là cách làm mới những vở tuồng cổ để khán giả không bị nhàm chán. Cách này thật ra cũng đã kéo một lượng khán giả trẻ đến với sân khấu cải lương.
Vở cải lương kinh điển Chuyện tình Lan và Điệp (bản thu âm năm 1975) đã ăn sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người yêu cải lương, và nó gắn liền với tên tuổi của NSUT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm. Bởi vậy, 2 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành diễn ra vào đêm 17 và 18 tháng 8 tới đây, người hâm mộ sẽ được chứng kiến 2 nghệ sĩ tái hợp sau 45 và cùng thể hiện lại 2 nhân vật nổi tiếng dưới ánh đèn sân khấu, điều này đã sức thu hút một lượng khán giả yêu tuồng cổ cải lương đến với sân khấu.
Thật bất ngờ, sau bao nhiêu năm giọng ca của Thanh Kim Huệ và Chí Tâm vẫn như xưa, không khiến người hâm mộ thất vọng. Thời gian có thể làm tuổi tác tăng thêm, sức khỏe đi xuống nhưng khi Lan hay Điệp cất tiếng ca những câu vọng cổ quen thuộc, khán giả vẫn dâng tràn cảm xúc nguyên vẹn như ngày nào, từ cách luyến láy đến cách nhấn nhá, cách lấy hơi rất riêng, rất đặc trưng…
Tâm sự của Lan trong những giây phút cuối cùng trước khi lìa xa dương thế được đánh giá là trích đoạn hay nhất, gây xúc động mạnh cho khán giả. Đã có khán giả rưng rức, xúc động vì thương cảm cho một câu chuyện tình đầy éo le, ngang trái. Những tràng pháo tay dành tặng cho Thanh Kim Huệ và Chí Tâm đã chứng tỏ sự thành công của vở diễn.
Bên cạnh sự thành công rực rỡ của 2 nhân vật Lan và Điệp, những nhân vật phụ khác trong vở diễn cũng để lại nhiều ấn tượng. Trong vai bà Phủ Trần, nghệ sĩ Thanh Hằng đã “tung hứng” cùng NSƯT Thanh Điền trong vai ông Phủ Trần đã để lại nhiều xúc cảm đáng nhớ cho người xem. Ngoài ra, vai bà Cử do nghệ sĩ Hồng Nga đảm nhận đã lột tả được tính cách đôn hậu, cam chịu cũng như nỗi khổ đau, thương con của người mẹ quê một đời nghèo khó. Một lần nữa bà lại có thêm vai diễn đi vào lòng khán giả.
Điều đặc biệt thu hút khán giả trẻ là sự xuất hiện nhiều ca sĩ nổi tiếng như Quốc Đại, Phương Thanh trong chương trình. Ca sĩ Phương Thanh hóa thân thành nhân vật Lan và ca những bài ca vọng cổ, những bài hát nổi tiếng về của chuyện tình Lan và Điệp. Ngoài ra, một ca khúc gây sốt trong thời gian gần đây là Độ ta không độ nàng cũng bất ngờ được Phương Thanh thể hiện trong vở tuồng cổ nổi tiếng.
Có thể nhiều người cho rằng sự xuất hiện của ca sĩ Phương Thanh không ăn nhập, phá vỡ mạch cảm xúc của vở diễn. Thế nhưng, nghĩ một cách tích cực thì đây cũng là yếu tố mới, nhân vật bất ngờ, là cách làm mới có chủ đích của những người làm chương trình, tạo cho vở tuồng cổ cải lương thêm màu sắc. Cũng là cách để khán giả trẻ không nhàm chán. Thực tế vở diễn cũng đã kéo một lượng khán giả trẻ đến với ánh đèn sân khấu tuồng cổ cải lương.
Cũng cần nói thêm rằng, trước đó đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ hay cố nghệ sĩ, ca sĩ Minh Thuận cũng đã từng làm mới các vở cải lương kinh điển cũ bằng việc mời những ca sĩ nhạc trẻ nổi tiếng tham gia, điển hình là trong các vở: Chiếc áo thiên nga, Kim Vân kiều truyện… và hiệu ứng sân khấu nhận được đã quá rõ. Khán giả nhiệt liệt ủng hộ cách làm mới cải lương, nhiều vở diễn được công diễn nhiều đêm liền và thu hút hàng ngàn khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ.
Vậy nên, ngoài việc cần giữ nguyên bản những vở tuồng cổ cải lương kinh điển để đáp ứng những sự mong mỏi của khán giả khó tính, chính thống thì cải lương cũng nên và cần có những yếu tố bất ngờ để làm mới sân khấu, để cải lương có thêm nhiều màu sắc mới tránh gây nhàm chán, đáp ứng thị hiếu của thế hệ khán giả trẻ. Đây cũng là cách mang Cải lương đến gần với khán giả trẻ hơn.
– Theo: plo.vn –