Nghệ sĩ Ngọc Huyền (Cải lương)
|
Mục lục
Ngọc Huyền là một nghệ sĩ nổi tiếng của làng cải lương Việt Nam. Khán giả luôn nhớ đến cô với 2 má núm đồng tiền duyên dáng, nụ cười tỏa nắng và mái tóc đen dài đặc trưng của người con gái Việt. Giọng hát ngọt ngào của cô đã làm say đắm biết bao thế hệ khán giả.
Ngọc Huyền từng đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và được giới chuyên môn đánh giá là người đã “đưa cải lương bứt phá khỏi các khuôn mẫu cũ để tiếp cận nhịp sống của thời đại”.
1. Tiểu sử
Ngọc Huyền tên thật là Vũ Hà Ngọc Huyền, sinh năm 1970 tại Sài Gòn. Tuy nhiên, quê gốc của cô không phải ở đây, gia đình cô di cư vào Nam năm 1954, cha cô là kiến trúc sư gốc Hà Nội, còn mẹ ở Hà Tây.
Không sinh ra trong 1 gia đình truyền thống nghệ thuật nhưng Ngọc Huyền thừa hưởng tình yêu cải lương từ người mẹ của mình. Mẹ của cô rất mê xem hát cải lương tuồng cổ nên mỗi khi bà đến xem các đoàn hát Minh Tơ, Huỳnh Long, Ngọc Huyền đều được đi theo.
Năm cô 11 tuổi, nữ nghệ sĩ Bạch Mai giới thiệu cô vào học hát với thầy Út Trong. Kỹ năng của cô tiến bộ rất nhanh, nổi bật trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường và trong quận. Sau đó được đoàn hát Thanh Nga mời về cộng tác
Năm 1985, Ngọc Huyền bắt đầu đứng hát trên sân khấu Thanh Nga, vở tuồng đầu tiên là Những đêm trăn trở.
Từ 1985 đến năm 1989, Ngọc Huyền được học cách hát tuồng Tàu từ Danh ca Phùng Há. Sau đó, cô gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long thì lại được các nghệ sĩ Thanh Bạch, Bạch Lê, Thanh Thế dạy hát Hồ Quảng. Rồi khi hát trên sân khấu Minh Tơ, Ngọc Huyền thụ huấn nghệ sĩ Thanh Tòng. Nhiều người cho rằng cô quá may mắn khi được nhiều “tiền bối” chỉ dạy. Cũng nhờ đó, sau này Ngọc Huyền có khả năng diễn xuất sắc nhiều loại tuồng, từ tuồng cổ, Hồ Quảng đến các vở ca kịch xã hội hiện đại.
Năm 1992, từ cải lương Ngọc Huyền lấn sân sang lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh. Cô là diễn viên xuất hiện nhiều nhất trong các chương trình băng đĩa trong nước và được khán giả ái mộ gọi là “Nữ hoàng chi bảo video”
Tháng 12 năm 2002, Liveshow “Mãi mãi ước mơ” của Ngọc Huyền được tổ chức tại Nhà hát Hoà Bình ở Tp. Hồ Chí Minh trong 3 đêm liền, thu hút hơn 5.000 khán giả tham dự. Cùng năm, Ngọc Huyền về chung một nhà với Don Nguyễn – con trai danh ca Thanh Tuyền, anh là một sĩ quan trong Không quân Hoa Kỳ rồi cùng chồng sang Mỹ định cư.
Thời gian sau đó, cô chuyển sang lĩnh vực ca tân nhạc, tân cổ giao duyên và phát hành DVD những trích đoạn Hồ Quảng Tứ đại Mỹ Nhân, dù xa quê nhưng cô vẫn nhận được sự yêu mến của khán thính giả hải ngoại.
Cuối năm 2016, Ngọc Huyền trở về Việt Nam sau 14 năm và được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp giấy phép làm giám khảo cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ, do công ty TNHH Truyền thông và Giải trí Điền Quân sản xuất và được phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt.
2. Vở cải lương kinh điển:
– San Hậu – Theo Dấu Chân Anh – Phận Làm Dâu – Bông Hồng Cài Áo – Bao Công Xử Án Anh Em Song Sinh – Vợ Là Tất Cả – Mẹ Chồng Nàng Dâu – Lấy Chồng Nghèo – Làm Dâu Nhà Giàu | – Trái Tim Mùa Đông – Đường Tình Oan Nghiệt – Thân Phận Bọt Bèo – Biển Dâu – Tình Yêu Mật Đắng – Cội Nguồn Yêu Thương – Đèn Đêm Nhỏ Lệ – Tấm Lòng Của Biển – Đường Tình Oan Nghiệt |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Mẹ chồng của tôi – Tạ Từ Trong Đêm – Áo Đẹp Nàng Dâu – Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè – Xử án phi giao – Xin Trả Lại Thời Gian – Qua Ngõ Nhà Em – Lá Trầu Xanh – Thuyền Xa Bến Đỗ – Tình Tuổi Ô Mai | – Lan và Điệp – Biết Đến Bao Giờ – Chiều Thương Đô thị – Lý Chim Quyên – Mãi Mãi Bên Nhau – Vu Lan Nhớ Mẹ – Thôi Em Hãy Về – Mưa Qua Phố Vắng – Sự Tích Trầu Cau – Xa Cách Muôn Trùng |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
– 2 năm liên tiếp 1990 – 2000, Ngọc Huyền giành huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
– Năm 1991, cô tiếp tục giành huy chương vàng giải Trần Hữu Trang
– Năm 1991, 1992 và 1993, danh hiệu nữ diễn viên được ưa thích nhất cũng thuộc về Ngọc Huyền
– Trong các năm 1995, 1996, 1997 và 2002, cô vinh dự nhận giải Giải Mai Vàng cho hạng mục diễn viên hay nhất năm.
– Năm 2001, Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.