Sau thành công của vở Cung phi Điểm Bích và Dấu ấn giao thời, mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt khán giả vở Bến nước Ngũ Bồ và Con côi họ Triệu do hai đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên dàn dựng.
1. Bến nước Ngũ Bồ – bài thơ đẹp về lòng yêu nước
>> Trích đoạn Bến nước ngũ bồ – Võ Minh Lâm, Quế Trân
Bến nước Ngũ Bồ (TG : Hoàng Công Khanh, Chuyển thể CL : NSƯT Ngọc Chi, ĐD : Hoàng Quỳnh Mai, Âm nhạc : NSƯT Hoàng Anh Tú, Trang trí mĩ thuật : NSND Doãn Châu) được đặt trong bối cảnh vào đầu thế kỉ XV, đất nước ta bị dày xéo bởi nạn giặc Minh phương Bắc, Lê Lợi chiêu tập anh hùng hào kiệt ở rừng núi Lam Sơn – Thanh Hóa để chống quân xâm lược.
Nhằm tăng thêm binh lực, Lê Lợi đã phái người em họ Lê Liêm – một tráng sĩ yêu nước – sang Chiêm Thành để lôi kéo những nghĩa sĩ Việt còn ẩn náu bên đó từ khi Hồ Quý Ly thất trận, trở về Tổ quốc, giúp ông đánh giặc cứu nước. Gánh vác trọng trách trên vai, Lê Liêm lên đường ra đi. Để đến được Chiêm quốc, Lê Liêm phải vượt sông Ngũ Bồ – con sông chia đôi biên giới Chiêm – Việt. Ở đây, việc vượt Ngũ Bồ giang, sang Chiêm quốc là nhiệm vụ của Lê Liêm, nhưng lại trở thành hoàn cảnh khách quan tác động vào các nhân vật trong kịch và là căn cứ để các nhân vật trong kịch bộc lộ tâm lí, tình cảm, tính cách, hành động của mình.
Đặng Ích – viên thám binh người Việt làm tay sai cho giặc Minh, lần theo dấu vết, tìm cách vây bắt Lê Liêm, nhằm ngăn chặn kế hoạch “vượt Ngũ Bồ giang” của chàng. Sở dĩ hắn làm vậy bởi hắn theo triều Minh, mà những kẻ nào chống lại triều Minh thì kẻ đó, theo hắn, là tên phản quốc, là trọng phạm của triều đình. Hơn nữa, vốn hám lợi, có bắt được Lê Liêm, hắn sẽ được thưởng “bổng lộc hiển vinh”, “rượu muôn hộc thỏa sức say mèm, bạc đầy hòm mặc sức tiêu pha”.
Trần Bạch, con trai ông lái đò bên bến Ngũ Bồ, vốn trước kia cũng giống như bao trang tuấn kiệt, mang khát vọng độc lập non sông, sang Chiêm quốc theo lời dặn của cha, tìm và kết giao với các hào kiệt, cùng họ làm việc lớn, trả hận cho đất nước. Nhưng khi ở Chiêm quốc, ngày ngày sênh ca, cờ bạc, đắm mình trong rượu thơm và gái đẹp, Bạch đã quên cả chí lớn phải gánh chuyện non sông, để rồi trở thành kẻ tham sống sợ chết, tiếp tay cho Đặng Ích đi tìm bắt Lê Liêm.
Thị Trinh, con gái ông lái đò, một trang quốc sắc thiên hương. Là phận gái, nhưng biết đau nỗi đau của sơn hà xã tắc. Hàng ngày bán rượu bên bến Ngũ Bồ, nhìn tờ cáo thị vẽ hình Lê Liêm, trong lòng nàng đã nhen lên tình cảm đối với người tráng sĩ. Để rồi khi gặp Lê Liêm, sự cảm phục, tình yêu và lòng yêu nước đã khiến nàng không ngại nguy hiểm, tìm cách giúp Lê Liêm sang Chiêm quốc, hoàn thành trọng trách trên vai.
Ông lái đò, với ý chí quật cường, bền lòng vững chí, mang lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu nước nồng nàn. Giống như người vợ đã khuất của mình, ông đã không tiếc thân mình, chấp nhận hi sinh, để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng vây của kẻ thù, sang được Chiêm quốc.
Hành động của các nhân vật trong Bến nước Ngũ Bồ được phân hóa theo hai hướng đối lập : hướng hành động tìm mọi cách để bắt bằng được Lê Liêm (đại diện là Đặng Ích) và hướng hành động tìm mọi cách để giúp Lê Liêm thoát khỏi vòng truy đuổi, sang được Chiêm quốc (đại diện là ông lái đò). Chính sự đối lập giữa hai hướng hành động này đã tạo nên xung đột của vở diễn gắn với quá trình chạy – đuổi của hai tuyến nhân vật. Ở đây, việc Lê Liêm có sang được Chiêm quốc hay không phụ thuộc vào kết quả của cuộc chạy – đuổi này. Nếu ông lái đò thắng thì Lê Liêm sang được Chiêm quốc, còn ngược lại, nếu Đặng Ích thắng thì Lê Liêm sẽ không thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình.
Trên cơ sở đó, với mục đích ca ngợi, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chọn kết quả chiến thắng thuộc về ông lái đò. Để làm được điều này, ông lái đò phải hi sinh trong cuộc chiến không cân sức. Sự hi sinh của ông là sự hi sinh cao cả không phải của một nhân vật anh hùng vĩ đại, mà của một con người bình thường. Ông chính là hiện thân của người dân Việt yêu nước, giản dị, chân chất, mộc mạc, nhưng gan góc, quật cường, sẵn sàng xả thân vì sự tồn vong của đất nước.
Vở Bến nước Ngũ Bồ không có nhiều sự kiện kịch tính tạo cảm giác hồi hộp, hấp dẫn, mà như một bài thơ trữ tình, nhẹ nhàng. Bởi vậy, để khỏa lấp nhược điểm này của kịch bản, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã cố gắng tìm tòi các thủ pháp dàn cảnh nhằm tạo nên “màu sắc” cho vở diễn : nhiều bài ca cải lương được sử dụng tạo “đất” cho các nghệ sĩ khoe giọng, xử lí âm thanh với tiếng nước chảy róc rách, tiếng gió thổi vi vu, tiếng võ ngựa dồn dập ; trang trí sân khấu bằng những cây lau trắng muốt không chỉ tả cảnh bến nước Ngũ Bồ, mà còn bộc lộ tình cảm, hành động của nhân vật : khi thì thể hiện sự thổn thức của tình yêu đôi lứa, khi thì thể hiện sự can trường, anh dũng của ông lái đò một mình chiến đấu với quân thù, khi thì thể hiện nỗi đau xót của ông lái đò chứng kiến người con trai duy nhất của mình chết bởi lưỡi gươm quân thù…; trò diễn múa Chăm với các cô gái xuất hiện từ những chum rượu miêu tả Trần Bạch đắm chìm trong niềm vui thú hoan lạc khó cưỡng của con người ; trò diễn đánh nhau với quân giặc của ông lái đò bằng mái chèo, bằng tờ hịch chiêu quân của Lê Lợi, bằng bơi dưới nước tay không giết giặc ; trò diễn múa gươm đề thơ vừa lãng mạn, vừa hào sảng…
Mặc dù vở diễn còn thiếu kịch tính, trang phục còn chưa phù hợp với nhân vật (Thị Trinh)… nhưng vở diễn vẫn tạo được hiệu quả nghệ thuật nhất định và gây ấn tượng trong lòng người xem.
2. Con côi họ Triệu – từ Tạp kịch Nguyên đến sân khấu Cải lương
Trung thành với đề tài lịch sử, sau Dấu ấn giao thời, Triệu Trung Kiên tiếp tục tìm cảm hứng sáng tạo bằng vở diễn của Trung Quốc – Con côi họ Triệu.
Con côi họ Triệu – tác phẩm của nhà soạn kịch Kỷ Quân Tường ra đời cách đây gần 700 năm – được coi là một trong những vở bi kịch lịch sử tiêu biểu của Tạp kịch Nguyên. Sau ngày Trung Quốc giải phóng, với phương châm “trăm hoa đua nở”, “từ cái cũ ra cái mới”, Con côi họ Triệu đã được “lột xác” dưới ngòi bút chỉnh lí tài hoa của nhà soạn kịch Mã Kiện Linh và trở thành một trong những kiệt tác của nền sân khấu thế giới.
Con côi họ Triệu qua bàn tay sáng tạo của đạo diễn Triệu Trung Kiên, tập trung vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Vua Tấn Linh Công bỏ bê việc triều chính, mải mê tận hưởng thú vui tửu sắc, tàn bạo chẳng kém Trụ vương, dùng mạng lương dân để làm trò xạ tiễn mua vui, sưu cao thuế nặng, bách tính lầm than, nông dân kêu khổ thấu trời.
Trong bối cảnh đó, vở diễn đã phản ánh xung đột gay gắt giữa hai phe thiện – ác, chính – tà :
Lực lượng chính diện, tiêu biểu là Triệu Thuẫn – thượng khanh của nước Tấn. Không ngồi yên nhìn nước nhà suy vong, ông ra sức can gián Tấn vương dù phải hi sinh cả tính mạng.
Lực lượng phản diện, tiêu biểu là Đồ Ngạn Giả. Làm quan đại thần trong triều, được Vua Tấn Linh Công tin yêu, hắn ra sức lộng quyền, làm hại bao trung thần thanh liêm, chính trực. Khi xưa, cha của hắn trông coi ngân khố quốc gia, có “lỡ tiêu pha chút ít”. Triệu Thuẫn phát hiện được đã dâng sớ tâu Vua, khiến cha của Đồ Ngạn Giả bị xử tội chém đầu. Giữ mối căm hờn, Đồ Ngạn Giả đã nuôi ý định trả thù. Sai người hành thích Triệu Thuẫn không được, hắn đã lợi dụng quyền lực của Nhà vua để thực hiện âm mưu vu cho Triệu Thuẫn tội giết Vua, khiến Triệu Thuẫn bị chết oan và 300 người Triệu gia phải chịu án chu di tam tộc. Con dâu của Triệu Thuẫn là công chúa đang mang thai, sinh hạ con trai và được người thân tín của Triệu gia đưa đi trốn thoát. Để Triệu gia tiệt giống tiệt nòi, Đồ Ngạn Giả liền bày ra kế độc : ai mang nộp con côi sẽ được thưởng nghìn vàng, nếu không ai đem nộp, thì hắn sẽ giết hết hài nhi trong cả nước sinh cùng ngày, cùng tháng với con côi.
Trước việc trả thù của Đồ Ngạn Giả, các nhân vật chính nghĩa đã tìm mọi cách bảo vệ con côi- giọt máu duy nhất còn sót lại của Triệu gia. Thị nữ Bốc Phượng dù bị tra khảo dã man, nhưng đến lúc chết vẫn không khai nửa lời. Vì con côi, Trình Anh – môn khách của Triệu gia, vờ cáo giác con côi, rồi để cốt nhục của mình chết thay, nuôi dạy con côi lên người, đợi đến lúc báo được thù, rửa được hận.
Vì con côi, môn khách của Triệu gia – Công Tôn Chử Cữu – đã hi sinh thân mình để Trình Anh thực hiện được mưu kế đánh lừa Đồ Ngạn Giả. Sự hi sinh cao cả của 3 nhân vật đều không chỉ nhằm mục đích bảo vệ con côi đơn thuần, mà sâu xa hơn cả đó chính là “bảo vệ cho lẽ phải ở trên đời”. Tuy nhiên, không theo mô típ hận thù nối tiếp hận thù, Triệu Trung Kiên đã để con côi họ Triệu hóa giải mọi ân oán bằng lòng nhân ái và để Đồ Ngạn Giả cho triều đình xét xử.
Với kết thúc này, vở diễn đã hướng người xem đến thông điệp : hận thù chỉ có thể giải quyết bằng lòng nhân ái, bao dung, chứ không thể giải quyết bằng thù hận ; cái ác nhất định sẽ bị trừng trị, nhưng sự trừng trị cái ác không phải bằng cái ác, mà phải bằng sự nghiêm minh của luật pháp.
Con côi họ Triệu là một vở diễn có nội dung không mới. Nhưng với phương châm “tôn trọng truyền thống, phá cách trong sáng tạo, xây dựng một sân khấu Cải lương đương đại”, Triệu Trung Kiên đã có sự tìm tòi trong quá trình dàn dựng vở diễn. Triệu Trung Kiên đã áp dụng nguyên tắc đối lập trong xử lí mizăngsen, thể hiện ở sự sắp xếp đồng nhất hình mặt nạ đen trắng thể hiện cho cái ác, cái xấu, cái phi nghĩa và hình mặt nạ đỏ thể hiện cho cái thiện, cái tốt, cái chính nghĩa thông qua hóa trang, phục trang và những chiếc panô trang trí trên sân khấu. Sự dịch chuyển liên tục những tấm panô hình mặt nạ trong mỗi lần thay cảnh không hề bị che đậy, mà được phô bày ngay trước mắt khán giả và lột tả chủ đề của từng cảnh diễn.
Trong sự đối lập nói trên, hình mặt nạ đen trắng vẫn chiếm ưu thế. Đặc biệt, ở trên trần sân khấu, tấm phông vẽ hình mặt nạ đen trắng rộng lớn, sừng sững trước mắt khán giả, khi được hạ xuống phủ lên những người dân vô tội, khi được kéo lên chiếu sáng rực ở cuối mỗi cảnh diễn, khi chùm lên người Đồ Ngạn Giả… diễn tả cho cái ác hiển hiện mạnh mẽ trong toàn vở diễn.
Cùng với trang trí của NSƯT Hoàng Song Hào là âm nhạc của NSƯT Hoàng Đạt. Vì đây là vở diễn đề tài Trung Quốc, nên NSƯT Hoàng Đạt đã chọn các nhạc khí có tạo ra âm hưởng của nhạc Trung Quốc như : tiêu, tranh, nhị hồ, sáo, trống, gõ, oócgan… Ở đây, âm nhạc đã hòa vào nội dung vở diễn, tạo nên sự “ám ảnh” trong lòng khán giả : lúc nặng nề, u uất, âm u với sự phối hợp tổng thể của các loại nhạc cụ miêu tả tội ác ; lúc bàng hoàng, xót xa với tiếng tiêu và sáo thể hiện tâm trạng của Triệu Thuẫn khi thấy tên thích khách không giết mình,mà tự sát ; lúc da diết, thổn thức, quằn quại với tiếng tiêu đơn độc hay tếng tranh và sáo miêu tả cái chết đẫm máu, thảm thương, oan ức của Triệu Thuẫn và 300 người họ Triệu ; lúc dồn dập, kịch tính, hồi hộp với tiếng gõ, tiếng trống khi Đồ Ngạn Giả buộc Trình Anh phải tra khảo Công Tôn Chử Cữu và hắn giết con côi cùng Công Tôn Chử Cữu ; khi đau đớn, run rẩy với tiếng đàn tranh thể hiện cho trái tim của Trình Anh lúc chứng kiến con mình bị chết thảm…
Phối hợp với âm nhạc là ánh sáng. Ở đây, Triệu Trung Kiên đã tập trung vào ánh sáng đặc tả với màu đỏ rực để vạch trần tội ác gắn với cái chết của Triệu Thuẫn, cái chết của những người họ Triệu, cái chết của Công Tôn Chử Cữu và đứa hài nhi ; với màu vàng để thể hiện cho nỗi đau đớn đến ngây dại của Trình Anh khi con bị giết…góp phần làm nổi rõ chủ đề tư tưởng của vở diễn.
Con côi họ Triệu được dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn biểu diễn I Nhà hát Cải lương Việt Nam : Trung Kiên (vai Triệu Thuẫn), Thu Hà (vai Bốc Phượng), Xuân Thông (vai Đồ Ngạn Giả), Hoàng Tùng (vai Trình Anh), Văn Thuân (vai Công Tôn Chử Cữu), Viết Sơn (vai Tấn Linh Công), Minh Hải (vai Triệu Võ)… Với lối diễn giản dị, chững chạc, các nghệ sĩ đã lột tả được tính cách và đặc biệt là chiều sâu tâm lí nhân vật, phù hợp với thể loại Cải lương và kết cấu tự sự của vở diễn, đồng thời làm khán giả phải hơn một lần rơi nước mắt…
Qua Bến nước Ngũ Bồ và Con côi họ Triệu, Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên một lần nữa khẳng định khả năng của mình trong hành trình đến với sân khấu Cải lương đương đại.
Minh Thu