Ba thời hoàng kim của sân khấu Cải lương

Thời hoàng kim của bất cứ chủng loại nghệ thuật biểu diễn nào cũng hình thành từ một tổng thể gồm có ba tác nhân : người biểu diễn, tác phẩm văn học, khán giả. Cải lương cũng thế, không ngoại lệ.

1. Từ buổi hồng hoang, nghệ thuật Cải lương đã có những tố chất lạ lẫm, có kịch, có ca, có nhạc cổ – sau đó thêm nhạc Quảng, nhạc tân – có múa, có vũ ; do vậy đã thẩm thấu cực nhanh và sâu đậm vào tâm thức công chúng khán giả, gây nên sức hút khó cưỡng. Nhiều chàng trai, cô gái đủ mọi tầng lớp từ trí thức đến bình dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, gạt qua rào cản gia đình, bỏ ngoài tai định kiến “xướng ca vô loại”, tự nguyện với danh nghĩa tín đồ thuần thành của nghệ thuật non trẻ này.

Vừa hành nghề, vừa khổ luyện, sáng tạo, vừa cần cù, học hỏi, thu thập tinh hoa (có chọn lọc) các ngành nghệ thuật khác… sự tinh luyện được thể hiện hàng đêm trước công chúng càng ngày càng gây tiếng vang. Người ta xếp hàng rồng rắn cố mua vé xem.Cải lương được khoác chiếc áo hoàng kim nhờ vào hai yếu tố chính : nghệ sĩ tài năng, công chúng hâm mộ ; tuồng tích chỉ là yếu tố thứ ba. Sau những soạn giả ban sơ Nguyễn Trọng Quyền, Trương Duy Toản là những Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở (Năm Nở), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Duy Lân v.v…đầy tâm huyết và có căn bản Tây học, Hán học. Tuồng tích bắt đầu trở thành yếu tố quan trọng bậc nhì, sau các diễn viên ăn khách. Thật đáng ngạc nhiên lẫn khâm phục, chỉ non hai thập niên hình thành – phát triển, thời hoàng kim của Cải lương vào độ với lực lượng nghệ sĩ tiền phong đông đảo, tài năng trác tuyệt lần lượt xuất hiện như : Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Sáu Ngọc Sương, Ba Hui, Năm Kim Thoa, Tư Thanh Tùng, Tư Hélène, Ba Thanh Loan, Sáu Nết, Năm Châu, Tám Danh, Bảy Nhiêu, Ba Du, Tư Út, Ba Vân, Từ Anh, Minh Tạo, Ngọc Thạch, Triệu An, Hoàng Giang, bộ ba Bửu – Lực – Diệp, Tám Vân… Đây là thời vàng son bền vững nhất lịch sử Cải lương kéo dài từ cuối thập kỉ 20 đến thế chiến thứ II (1939 – 1945) ; tuy bị ảnh hưởng ít nhiều bởi thế cuộc, nhưng vẫn sung sức với sự chiếm lĩnh sân khấu của trường phái CA (sau thế chiến) gồm Út Trà Ôn, Thanh Tao, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Paul Thuận… lại cộng hưởng lực lượng danh ca dĩa nhựa : Tám Thưa, Năm Phồi, Hồng Châu, Ba Giáo, Tư Sạng, Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Tư Bé…

Đầu thập niên 50, cuối thời hoàng kim thứ nhất, có dấu ấn của những ngôi sao tầm cỡ : Ngọc Nuôi, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thu Ba, Nguyệt Yến, Kim Luông, Ái Hữu, Ngọc Lượng, Việt Hùng, Minh Chí, Việt Kiều, anh em kép độc Trọng Lang, Sáu Nhỏ… Lĩnh vực dĩa nhựa và đài phát thanh còn có Thành Công, Bạch Huệ, Năm Bửu, Ngọc Ánh, Chín Sớm v.v…

2. Thời hoàng kim thứ hai được nhận diện từ giữa thập kỉ 50 đến cuối những năm 1960 (hơn 15 năm) với sự nhập cuộc 3 danh ca kiệt xuất – trong vọng cổ ngũ bá là Hữu Phước, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Họ “hô phong hoán vũ” chốn kịch trường, dĩa nhựa, đài phát thanh, đến báo chí tốn hao bao nhiêu giấy mực, công chúng bàn tán xôn xao. Ban đầu, họ liệt vào trường phái CA ; chẳng bao lâu vượt tuyến sang phái CA. Diễn toàn năng. Tiếp theo là những Thanh Nga, Bích Sơn, Lan Chi, Ngọc Hương, Thanh Thủy, Ánh Hồng, Trương Ánh Loan, Như Ngọc, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Diệu Hiền, Thanh Nguyệt, Kim Tuyến, Hồng Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Thanh Kim Huệ, Hùng Minh, Diệp Lang, Phương Quang, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương, Phương Bình, Thanh Hải, Hà Bửu Tân, Đức Lợi, Thanh Điền, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Hoài Thanh…

Giữa thời kì này, sự hòa nhập CA – diễn được thăng hoa rực rỡ nhất lịch sử Cải lương. Một thế hệ vàng sở hữu những làn giọng rất riêng, truyền cảm mãnh liệt, kĩ thuật đặc sắc. Đầu thập niên 70, phim ảnh Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ xâm lấn làng giải trí, chiến sự ngày càng ác liệt, thời vàng son thứ hai chấm dứt, Cải lương hóa thành nỗi khắc khoải tiếc nuối trong hoài niệm của giới mộ điệu. Cái kết thúc này do sự quay lưng của công chúng khi họ không chống nổi sức hút của phim ảnh ngoại, trong hoàn cảnh tiềm lực kịch bản còn lớn, lực lượng diễn viên còn sung mãn.

3. Từ 1975 đến 1990, thời hoàng kim thứ ba bùng phát sáng chói hơn bao giờ với một lực lượng kịch bản đồ sộ, đa dạng và đặc sắc. Lực lượng diễn viên sáng giá – bản lề giữa thời kì thứ hai và thứ ba – với đa số còn đang thời xuân sắc.

Đoàn Cải lương Nam Bộ, tiền thân Nhà hát Trần Hữu Trang từ Bắc vào thường trú, mang theo nét lạ lẫm kịch bản, âm nhạc và phong cách dàn dựng, diễn xuất của Cải lương phương Bắc. Đầu thập niên 80, một thế hệ nghệ sĩ mới ca hay, diễn giỏi đến với công chúng và được đón nhận nồng nhiệt, đặc sắc nhất là Vũ Linh, Thanh Hằng, cùng những gương mặt đầy triển vọng khác như : Bảo Anh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Mỹ Thu, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tô Châu, Thùy Trang, Châu Thanh, Phượng Hằng, Minh Tiến, Vương Cảnh, Bảo Linh, Lương Tuấn, Hoàng Tuấn, Khánh Tuấn, Vương Linh, Chí Linh, Tiểu Linh, Ngân Tuấn, Linh Châu, Vân Hà, Linh Huệ, Phượng Loan, Cẩm Tiên, Ngân Tâm, Minh Minh Tâm, Vương Chí Thanh… Hai sự kiện vừa nêu góp thêm hào quang rực rỡ sắc màu, tạo nhiều cú hích hoành tráng, lẫy lừng về vở diễn, vai diễn kinh điển, bất tử trong lịch sử kịch. Họ đã cùng thế hệ gạch nối Thanh Nga. Ngọc Giàu, Diệp Lang, Thanh Sang, Minh Vương… trát ngọc, tô châu thánh đường nghệ thuật lộng lẫy hơn bao giờ.

Thời hoàng kim thứ ba suy yếu, vào cuối thập niên 80 khi công nghệ thông tin bùng nổ, với điện ảnh, truyền hình màu, video, audio, CD, DVD, karaoke…đa sắc văn hóa, nội có, ngoại có, mới mẻ, diệu kì. Gần như lịch sử lập lại lí do chấm hết hai thời vàng son thứ hai và thứ ba là cùng bị ngoai xâm văn hóa. Có khác chăng, kịch bản thời thứ ba đã dần suy giảm về lượng, sáo mòn về chất, hình thức sân khấu vá víu, kĩ thuật âm thanh, ánh sáng lạc hậu…

4. Giữa thập niên 90 trở đi, một làn sóng diễn viên trẻ đẹp, khá đồng đều về sắc vóc, khả năng ca diễn; là con nhà nòi hay tốt nghiệp từ trường lớp như Tú Sương, Phượng Ngân, Trinh Trinh, Thanh Ngân, Tấn Giao, Mỹ Hằng, Như Hằng, Chinh Nhân, Hữu Quốc, Quế Trân, Lịch Sử, Hoa Phượng, Tâm Tâm, Lam Tuyền, Hoàng Nhất, Ngọc Trắng, Ngọc Nhung, Duy Thanh, Anh Thư, Thy Phương, Lê Tứ, Đào Thị Hồng Thắm, Lê Hồng Thắm, Vũ Huy, Thy Trang, Quỳnh Hương, Nhơn Hậu, Bình Tinh, Chí Cường, Tuấn Sang, Thanh Uyên, Hồng Lan… hầu hết đã đạt giải Triển vọng THT.Đây là một tổng thể yêu nghề, cầu tiến, nghiêm túc, tận tâm với ước vọng đáng yêu :tìm được chỗ đứng.

Đến thời điểm này (2007), bốn gương mặt nam nổi trội về thanh sắc đã hiển thị tầm vóc bốn chàng bạch mã hoàng tử. Đó là Kim Tiểu Long, Vũ Luân, Trọng Phúc, Hoàng Nhất đậm đầy duyên sân khấu với sức hút cao. Lại còn bốn nữ nghệ sĩ tài sắc (độc giả báo Sân khấu bình chọn) : Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Quế Trân, Tú Sương có thể ví như Tứ phụng Cải lương.
Liệu họ – những tên tuổi được đề cập ở đề mực thứ tư này – có thể dựng nên thời hoàng kim thứ tư ?
Hồ Quang (Theo Sân khấu TP HCM, số 837)

 

Thảo luận cho bài: "Ba thời hoàng kim của sân khấu Cải lương"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com