Dòng nhạc “Ngũ cung” của Việt Nam là một loại hình âm nhạc dân tộc chính thống, bên cạnh các dòng nhạc khác như : nhạc Khmer, nhạc Hoa, nhạc Tây Nguyên, nhạc Chăm… Mỗi loại hình âm nhạc dân tộc mang tính sinh hoạt, giá trị tinh thần trong phạm vi của tộc đó, ít mang tính phổ biến rộng rãi trong cộng đồng quốc gia. Đây cũng là nét khu biệt giữa các loại hình.
Riêng dòng nhạc “Ngũ cung” với ba trường phái : Nhạc Lễ – tài tử – cải lương lại mang tính phố biến rộng rãi cả nước và như thể đại diện khi được nhắc đến trên thế giới.
Từ nhã nhạc cung đình
Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802), vua Gia Long bắt đầu sắp xếp lại các nghi lễ và ông đã ý thức về các trình thức, phải dùng âm nhạc trong 4 đại lễ : Quan – Hôn – Tang – Tế và giao cho một quan nhạc trong Bộ Lại phụ trách. Ban nhạc gồm những nghệ nhân tài ba được tuyển chọn từ dân gian, vào cung đình tổ chức lại theo quy củ và loại hình âm nhạc này được gọi là “Nhã nhạc cung đình”, nền tảng của nó là Ngũ cung, hay còn được gọi là Ngũ âm.
Cũng nói thêm, nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Huế suốt hơn một thế kỉ (1802 – 1945) với 13 triều đại, nên còn gọi là “Nhã nhạc cung đình Huế”, ngày nay gọi là nhạc Lễ. Nhưng lúc này chỉ có khí nhạc, chứ chưa có thanh nhạc, tức nhạc không có lời.
Dàn nhạc được cơ cấu theo hai hình thức cơ bản : Tứ tuyệt gồm bốn nhạc khí : KÌm – Cò – Tranh – Tùy ; Ngũ tuyệt gồm 5 nhạc khí : Kìm – Cò – Tranh – Tùy – Tam (chưa có guitar phím lõm). Còn có hai bộ nhạc khí nữa là bộ gõ gồm : Trống chầu (trống đại), trống trung, trống tiểu, bạc đẩu, chập chõa, mõ… Bộ hơi gồm : ba loại kèn (đại trung tiểu), tiêu, sáo trúc…
Đến đời vua Thanh Thái (1889 –1907), vị hoàng đế này lại hạ chiếu đưa đờn bầu vào dàn nhạc cung đình, gọi là Độc huyền cầm.
Dòng âm nhạc lãng mạn phương Nam
Hàng năm, các dịp Đại lễ chỉ mấy lần hoặc hiếm khi đón tiếp vua quan, nên thời gian Ban nhạc rất rảnh rỗi. Lúc này, vùng đất phương Nam mênh mông và hoang hóa, nhưng trước đó đã có nhiều nền văn hóa khác nhau, như : Chăm, Khmer, Hoa, … và đã xuất hiện Hò, Hát ru, Lý trong dân gian, nhưng chưa có một hệ thống nào nhất định. Các nghệ nhân tài ba mới ý thức dùng Nhã nhạc kết hợp Hò, Lý, Hát ru dân gian sáng chế lời ca cho các giai điệu khí nhạc, đồng thời phát triển thêm nhiều giai điệu mới, tức là dòng âm nhạc mới ra đời trên cơ sở nhạc Lễ, gọi là “Nhạc tài tử Nam Bộ”
Bên cạnh đó, các sĩ phu từ miền Trung theo phong trào Cần Vương vào Nam chống Pháp, một số nho sĩ ra kinh thành ứng thí rồi trở về Nam cũng mang theo chút vốn liếng ca nhạc Huế, rồi kết hợp với các nghệ nhân trong Nam sáng tác thêm nhiều giai điệu mới, gọi là bài bản tài tử, sáng tác lời ca cho tất cả bài bản… Lúc này, dòng âm nhạc chính thống ra đời có cả khí nhạc và thanh nhạc, tức là nhạc có lời ca. Từ sự tranh đua, thi thố tài năng của các nghệ nhân, loại hình nghệ thuật này định hình và chia thành trường phái, ban, nhóm như: trường phái miền Đông, miền Tây.
Đến đời vua Hàm Nghi (1884-1885), thì dòng nhạc đờn ca tài tử đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp Nam kì lục tỉnh (Nam Bộ: ba tỉnh miền Đông, ba tỉnh miền Tây), tiêu biểu cho trường phái miền Đông là nhóm của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), tiêu biểu cho nhóm miền Tây là nhóm của nghệ nhân Nguyễn Quang Quờn (kí lịch Quờn). Cũng xin nói thêm, ban nhạc tài tử lúc này không sử dụng đến bộ gõ, còn bộ hơi chỉ sử dụng nhạc Tiêu hoặc Sáo trúc mà thôi. Dàn nhạc được cơ cấu cũng theo Tứ tuyệt hoặc Ngũ tuyệt như đã nói ở trên, nghệ nhân đờn Kìm được suy tôn là thầy đờn (nhạc trưởng giữ song loan).
Biến thể tự sự – trữ tình
Nói vắn tắt, dòng nhạc đờn ca tài tử qua quá trình phát triển mấy chục năm thì nó lại phát sinh một hình thức mới, tạm gọi là thời kì quá độ. Đó là hình thức “ca ra bộ” cũng là buổi giao thời giữa đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương. Bởi hình thức nguyên thủy của đờn ca tài tử là thính phòng, tức ca để nghe chứ không phải để xem, còn hình thức ca ra bộ là vừa nghe, vừa xem. Vì người ca lúc này, lức đứng, lúc ngồi và vừa ca, vừa ra điệu bộ để minh họa theo nội dung lời ca.
Thời kì đầu của Cải lương, dàn nhạc cổ vẫn giữ biên chế như Tứ tuyệt hay Ngũ tuyệt và người đờn Kìm vẫn giữ vai trò nhạc trưởng nắm song loan suốt đến năm 1975. Mặc dù, từ thập niên 40, guitar phím lõm và violon đã xuất hiện trong dàn nhạc cổ cải lương.
Giai đoạn 15 năm thời hoàng kim nhất của Cải lương (1975-1990), cơ cấu dàn nhạc cải lương vẫn định hình như thế, nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật lúc này, có nơi do nhạc công guitar phím lõm giữ vai trò nhạc trưởng nắm song loan.
Từ năm 1990 đến nay, dàn nhạc cổ của Cải lương mất ổn định và trật tự cơ cấu bị phá vỡ với nhiều lí do : thiếu nhạc công, ban lãnh đạo đoàn thiếu quan tâm hoặc không có nghề xem nhẹ yếu tố âm nhạc, chế độ lương tiền không phù hợp với nhạc công… Cơ cấu Tứ tuyệt và Ngũ tuyệt trên Cải lương hoàn toàn manh mún, đoàn Cải lương nào dàn nhạc cổ còn được ba nhạc nhạc đã là khá rồi, thường là hai, thậm chí có nơi chỉ có một nhạc công rất là “ảm đạm”!…
Thiết nghĩ, thời trước, trong điều kiện thiếu thốn phương tiện, công nghệ khoa học chưa phát triển, đất nước lâm vào hoàn cảnh chiến tranh liên miên, điều kiện kinh tế, giao lưu đi lại rất khó khăn, ấy vậy mà người xưa đã tạo dựng nên một nền sân khấu ca kịch dân tộc vô cùng rực rỡ, hệ thống âm nhạc tương đối hoàn chỉnh với các dàn nhạc cơ cấu quy mô. Còn thời đại văn minh công nghệ tin học mà chúng ta đang thừa hưởng thì rất đáng buồn cho loại hình nghệ thuật Cải lương nói chung, hệ thống cơ cấu dàn nhạc nói riêng là vấn đề thật bức xúc và cần có giải pháp mới khả thi.
Đây cũng là vấn đề bảo tồn giá trị truyền thống, những di sản văn hóa quý giá của dân tộc nói chung và loại hình âm nhạc nói riêng, mà hình thức cơ cấu trong hệ thống là những yếu tố trong một chỉnh thể. Việc thiết lập lại dàn nhạc như người xưa đã từng làm không khó và cũng không phải là việc làm vất vả, nặng nề. Có lẽ, ngành chức năng nên chú ý hơn đến dàn nhạc không ai khác hơn là Ban lãnh đạo đoàn hát.
Đỗ Dũng (Theo Sân khấu TPHCM)