Miệt vườn cây trái tốt tươi, món hậu đãi giữa vùng sông rạch như mê cung, một thoắt ngoắt ngang, ngẩng mặt là tràng giang nước trắng hiện ra . Ai biết thuở đầu mới chỉ có những giồng những bãi chơ vơ giữa cuồn cuộn chín cửa sông, phi thường mà vật lộn chống trả với ngàn cơn lũ để được là giồng là bãi. Người khai khẩn hai năm một vụ rạch mương, vật đất phù sa bồi lên để giồng bãi trở thành liếp cây ăn trái xanh tươi chông chênh giữa bốn bề nước xối, phát hoang những trảng cỏ sình mênh mông gieo hạt thóc; đổ mồ hôi nước mắt và cả máu, cho một đời sống, cá tính và nhân cách riêng.
Theo gươm mở cõi trời Nam
Vở cải lương đầu tiên được công diễn tại đất Sài Gòn Gia Định vào năm 1916. Năm 1922, cải lương Kim Vân Kiều gặt hái thành công sâu đậm trong lòng công chúng, kể như nghệ thuật cải lương đã là cơn gió lành thấu suốt đời sống lục tỉnh. Những cái tên đình đám đến mức huyền thoại trên cửa miệng người dân nghiền vọng cổ, mà dân Nam thời ấy hầu hết là “dân nghiền”, để rồi sau này trở thành nghệ danh của nhiều thế hệ tài tử : Bảy Nam, Bảy Hiền, Minh Phụng, Kim Tử Long, Út Trà Ôn… bắt đầu khởi nghiệp từ đây. Những người làm văn hoá đã dốc lòng cho nghệ thuật cải lương chào đời và sinh sôi như Lương Khắc Ninh, Trần Hữu Trang, Hồ Biểu Chánh, đến nay vẫn được nhắc tới như những quý nhân trong lòng công chúng, có lẽ vì họ, đã góp phần nhờ nghệ thuật tìm cho tâm hồn người dân thêm một lẽ sống tồn.
Quân viễn chinh Pháp chiếm Nam kỳ, coi như đã ở thế đặt được chân tươi chân chân héo trên mảnh đất khai khẩn cũng nửa héo nửa tươi. Thiên nhiên khắc nghiệt lộng hành cuốn trôi bao công sức, đẩy hầu hết người dân miền Nam, chỉ trừ số nhỏ có bạc nén giắt lưng, thành những kẻ tay trắng, đầu đội trời chân đạp đất theo đúng nghĩa đen, đổ mồ hôi đổi lấy sự sống. Tâm hồn họ thô tháp quật khởi nhưng cũng yếu mềm nhạy cảm như đường tơ run với từng hồi gió nhẹ. Theo đức Phật Thầy Tây An, đức Bổn sư … lập làng thờ đạo, đánh Pháp. Nao nức với Thiên địa hội, vị nghĩa tương ái tương thân không sợ đô hộ cường quyền; đây là phong trào ngầm lan sâu rộng thách thức chính quyền thuộc địa, cơn gió của tinh thần và nghĩa khí miền Nam. Tinh thần ấy cùng thấm đậm trong những làn điệu đờn ca tài tử, mà nhờ chữ Mới( quốc ngữ), nhờ cây cầu nối là những “phú ông” nhỏ gần dân, đã từ thú tiêu dao quý tộc trở thành điệu hát của xóm làng. Lớp trí thức Tây học Nam kỳ đầu tiên cũng là lớp người đã sốt sắng đưa đờn ca Vọng cổ lên sân khấu chuyên nghiệp, như một tất yếu. Giản dị, phóng khoáng, đa cảm, Cải lương là phần sâu kín trong tâm hồn Nam bộ hảo hớn, mạnh mẽ, dễ xúc động thương tâm. Đêm thâu mùa nước nổi, nghe một khúc Dạ cổ hoài lang ( tiếng trống thành nhớ chinh phu) hay lớp thán của Thuý Kiều dưới trướng rượu Hồ Tôn Hiến, lại thấy vang vọng về những nẻo xa lắm của nghìn năm trầm tích sông Hồng.
Nghệ thuật của đời thường
Gió theo sóng triều lên lướt ràn rạt trên những vạt rừng tràm mới hồi sinh non mảnh bỡ ngỡ, vẫy vùng trên thăm thẳm bời bời những sải tay cổ thụ tràm đước dan rộng mênh mông làm thành những tiếng thâm u không dứt như tiếng biển. Ông già Mười Đởm gác rừng U Minh Hạ néo chiếc thuyền tôn vào cây cọc nhà sàn, chậm rãi bước lên bờ. Chỉ lát sau, ông đã đầu tóc nguyên nếp ướt, áo quần tề chỉnh, bê theo một mâm rượu nhỏ bày ngay trảng cỏ bờ kinh. Một cái be nhỏ, bộ chén hạt mít, đĩa muối tiêu, đậu phộng, thơm gừng tỉa mỏng. Ông nhắc cây đờn kìm trên vách nhà, trịnh trọng trao nó cho một thanh niên trẻ, tóc ướt mượt trong nhóm đờn ca. ánh hoàng hôn xuống rực trong cặp mắt mở lớn của ông như còn phản chiếu ngọn lửa cháy đỏ hôm nào…
Nghệ thuật cải lương khi đã trở thành trình thức sân khấu vững chắc, vẫn có một con đường ngược lại, nhập vào dòng chảy đời thường, đến tận từng ngõ ngách của cuộc sống. Nó kế thừa được cái duyên của cả Chèo lẫn Tuồng, nhưng lời ca không hẳn gánh trách nhiệm định vị không gian thời gian, cố định diễn tiến, khắc hoạ nhân vật mà thiên về bộc lộ giãi bày cảm xúc nội tâm được phép rất cụ thể, tả thực, phóng khoáng và biến đổi. Lời ca trong cải lương gần nhất với tiếng nói sáu thanh của đời thường so với các sân khấu truyền thống khác, lại thêm một cơ duyên nữa để nghệ thuật này tiến sát hơn những gay cấn, phức tạp cụ thể của đời sống. Kể như đã xứng là bậc tài tử đặng phổ vào đàn ấy những vui buồn rày mai, những điều mắt thấy của sinh cuộc. Nhưng cốt lõi của cải lương hay vọng cổ vẫn không phải những mâu thuẫn bề nổi của xã hội, những vấn đề thế cuộc trực tiếp hay những xen cố tình xoáy vào cái sến hòng lấy nước mắt người xem một cách dễ dãi. Cải lương thực sự, có thể, cần phải là một cách phát hiện nét tâm lý sâu sắc và điển hình của thời cuộc, nét tâm lý phần nào mang tính triết học về cuộc sống mới, hoàn cảnh hiện tại. Chính vì thế, những gì là động tâm, nước mắt, éo le… được giãi bày rất thoải mái thoả sức mới được đồng cảm và trở nên thấm thía.
… Tiếng ca của những nghệ sĩ vùng sình đước, già có trẻ có vẫn bừng lên quanh ngọn lửa lúc rụi lúc cao, cái lạnh khuya bắt đầu lẩn khuất. Tiếng đàn xoáy cuộn da diết, giọng ca bảng lảng như có như không, như nhập vào cái thực nhỏ nhoi trong cái huyễn vô cùng của rừng thiêng, mà nhói vào tâm trí người nghe “Máu đào vẫn chảy trong tim/ cũng là nước mắt u minh cho rừng….. Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ nửa đau thế sự nửa buồn thế nhân…”
Khánh Phương (Theo vanghesongcuulong. org)