“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết: Vinh quang = Thời cơ + Sự cố gắng

Mới 16 tuổi đã là đào chính, chưa đầy 5 năm sau đã gặt hái mọi vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, tiền bạc danh vọng đầy đủ khi mới ở tuổi 20; đồng thời là nghệ sĩ cải lương đầu tiên đạt học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học ở Việt Nam… Không ai khác, nhân vật chính trong câu chuyện ngày hôm nay đó là NSND Bạch Tuyết.
Gắn bó trọn vẹn 60 năm cuộc đời cho cải lương, có được mọi thứ một người nghệ sĩ mong ước, Nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn sống cuộc sống an nhiên, bình dị, bà cám ơn cuộc đời đã luôn ưu ái mình!
Muốn tồn tại phải tự đứng trên đôi chân của mình
Nghệ sĩ Bạch Tuyết nhớ lại, chỉ sau một tuần đi hát, vẫn còn biết bao bỡ ngỡ, non nớt, bà đã được lên báo lần đầu tiên với bài viết nhan đề “Có con chim lạ trong vườn văn nghệ”. Có sự khởi đầu quá thuận lợi khi vừa theo nghề đã trở thành đào chính, rất dễ khiến người ta tự mãn, thế nhưng cô “đào non” 16 tuổi ý thức rất rõ mình vẫn “chưa biết cái gì hết”.
“Thế là ngày ngày sau giờ tập tuồng, tôi lại bám theo các anh chị vũ nữ, quân sĩ, dàn bao để “học nghề”. Từng cái phác tay, phẩy quạt, bước đi uyển chuyển, từng động tác múa, vũ đạo… đều phải học, phải tập luyện hết. Chính nhờ những giờ tự học thêm đó, tôi tiến bộ nhanh và sau nửa năm đã thuần thục những kỹ thuật, trình thức hỗ trợ biểu diễn sân khấu. Bước ra sân khấu có tự tin mới có thể làm tốt và tiến tới sáng tạo cùng nhân vật” – Nữ nghệ sĩ chia sẻ.
bach-tuyet-trong-vo-thai-hau-duong-van-nga

Bạch Tuyết trong vở Thái Hậu Dương Vân Nga

Nhiều khán giả nhận xét, Bạch Tuyết tuy không phải là cô đào đẹp nhất, giọng ca cũng không phải xuất sắc nhất nhưng những vai cô diễn luôn có sức hút kỳ lạ. Người ta cho rằng phong thái tự tin, linh hoạt trong diễn xuất, luôn biết nắm bắt và đáp ứng cảm xúc của khán giả chính là “chìa khóa” để các nhân vật do Bạch Tuyết thủ diễn luôn có vị trí rất riêng trong lòng công chúng. Điều đó được đặt nền tảng từ chính sự ham học hỏi, rèn luyện không ngừng vốn được nữ nghệ sĩ ý thức từ rất sớm.
Cô tâm sự: “Tôi mất mẹ sớm, chỉ mới 8 tuổi, rồi có thời gian ở trường nội trú của các sơ. Trong những lúc cô đơn, tôi chợt nghĩ cuộc sống này không có thứ gì tồn tại mãi mãi và mình cũng không có bất cứ thứ gì để vịn vào mà tồn tại. Vì thế, tốt nhất phải tồn tại trên chính đôi chân và cái đầu của mình!”.
Năm 1965, khi bước sang tuổi 20, với vai Tần trong vở Tần Nương Thất và Lê Thị Trường An trong Tuyệt tình ca, Bạch Tuyết đã đoạt giải Xuất sắc Thanh Tâm – giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương (trong khi trước đó 2 năm, cô đã đoạt giải Triển vọng). Soạn giả Hoa Phượng đã gọi Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo” – mỹ danh gắn liền với Bạch Tuyết từ thuở ấy đến giờ)
tan-nuong-that

Vở cải lương Tần nương Thất

Cô cho rằng mình đã may mắn được là 1 bông hoa trong 1 vườn hoa đẹp: “Khán giả nhớ đến Bạch Tuyết là nhờ những vai diễn hay trong những tác phẩm hay – công trình lao động sáng tạo tập thể của những soạn giả bậc thầy, những nhạc sĩ tài hoa, những đạo diễn giàu kinh nghiệm, những nghệ sĩ tài năng và nhiều bộ phận khác. Và tôi may mắn được làm việc với những người rất giỏi để mình có thể cùng họ tỏa sáng”.
Nhớ về các vai diễn tạo dấu ấn sâu đậm như: Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên),, Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), Thúy Kiều (Trăng thề vườn Thúy), cô Lựu (Đời cô Lựu),  … Bạch Tuyết cho biết mình luôn tự hào về các vai diễn đã thể hiện đúng tinh thần của nghệ thuật cải lương, đó là chống ngoại xâm và bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc.
bach-tuyet-nhan-giai-thanh-tam

Bạch Tuyết nhận giải Thanh Tâm năm 20 tuổi

“Rõ ràng nhất chính là trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” khi chiến tranh bảo vệ biên giới bùng nổ ở hai đầu đất nước năm 1979, sân khấu cải lương đã có những Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga bừng bừng khí thế cổ vũ tinh thần chống ngoại xâm. Ở giai đoạn nào cũng vậy, nghệ thuật cải lương cũng đáp ứng tinh thần thời đại rất dữ dội” – Bạch Tuyết cho hay.
Bạch Tuyết nhớ mãi lần diễn Thái hậu Dương Vân Nga ở Hà Nội, có 100 chiến sĩ vừa thắng trận ở Lạng Sơn trở về Thủ đô đến xem hát. Đến đoạn: “Lê Hoàn, ta đứng đây đã thấy ngã ba sông, chảy trong óc trong tim trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối để gắn liền hãnh diện giữa xưa sau… Lê Hoàn, có phải mới vào đây ông đã chào hỏi Nguyễn Lưu, Trần Đệ trong khi ta cùng bá quan lơ là với họ. Riêng khanh nhìn vào dân dã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công thần” thì toàn bộ các anh chiến sĩ đứng lên vỗ tay. Tôi vô cùng xúc động, càng thấy rõ những tác giả như Hoa Phượng là những con người ngoại hạng, họ vinh danh những con người vô danh nằm xuống cho đất nước này đứng lên. Tôi học được từ cải lương những điều đó, cũng cám ơn nghệ thuật cải lương những điều như thế!”.
>> Đọc tiếp phần 2: Nghệ sĩ Bạch Tuyết – Người giỏi là người thích nghi tốt với thời thế

Thảo luận cho bài: "“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết: Vinh quang = Thời cơ + Sự cố gắng"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com