Từ Tết Nguyên đán 2008 đến nay, sân khấu cải lương luôn rộn ràng với khoảng 20 show diễn lớn. Vậy nhưng tình hình đáng ra nên mừng này lại khiến số đông nghệ sĩ và khán giả lo âu, thấp thỏm về tương lai không mấy khả quan của loại hình nghệ thuật đặc sản Nam bộ.
Hát nhiều, khán giả không đông
Mật độ các show diễn ra khá dồn dập, vừa dứt Hội ngộ xuân là đến Đêm Sài Gòn, rồi Hoa đăng hội tụ, Nửa đời hương phấn, Sông dài, Hồn chinh phu, Kiều Nguyệt Nga, Chuyên đề Thanh Sang – Phượng Liên… Gần như tất cả nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, ăn khách nhất hiện nay đều qui tụ trong những đêm diễn này. Chưa kể sự tăng cường của danh hài Hoài Linh; nghệ sĩ kịch tên tuổi Thanh Thủy, Hữu Châu, Minh Nhí; các ca sĩ Hương Lan, Mạnh Đình… trong một số đêm diễn.
Song, dù đêm diễn nào cũng đông nghẹt ngôi sao, nhìn lại chỉ thấy có khoảng sáu đêm là thật sự đông khách. Những đêm khác lượng khán giả luôn phập phồng ở mức trên dưới nửa rạp. Nhiều đêm diễn này giữ cân bằng tài chính nhờ vào giá vé bán quá cao, nhờ tiền tài trợ, không được vậy thì chịu lỗ. Điều này khác hẳn tình trạng cháy vé trong live show của các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, Hồng Nga, Mộng Tuyền trước đó, tạo một hi vọng lớn cho đời sống sân khấu cải lương. Vì sao sự khả quan đó không được giữ vững, đưa đến tình trạng khán giả cải lương vắng dần?
Tự vắt kiệt mình
Cải lương đang có một nguồn tài nguyên rất lớn là thế hệ nghệ sĩ vàng với những vai diễn để đời, những tuồng tích kinh điển. Sự khai thác đúng mức nguồn tài nguyên này trong những live show của các nghệ sĩ tên tuổi hội đủ yếu tố: đầu tư cảnh trí đến nơi, tập dượt – dàn dựng kỹ càng, tuồng tích được tôn trọng, ca diễn nghiêm túc – nhập tâm đã được thực tế chứng minh là luôn cháy vé.
Điều đáng buồn là gần đây có liên tiếp nhiều chương trình cải lương mang danh nghĩa live show hay những chương trình có chủ đề lớn, tập hợp nhiều ngôi sao và bán vé giá cao, nhưng thực chất lại không được đầu tư công sức kỹ lưỡng, lắp ghép vụng về cái sẵn có khiến nhiều khán giả phản ứng, quay lưng.
Đến xem Đêm Sài Gòn 1, người ta thấy các nghệ sĩ Kim Tử Long, Hương Lan, Mạnh Đình… ca tân nhạc. Trong Hoa đăng hội tụ, Lệ Thủy, Minh Vương… chỉ góp mặt ca tân cổ. Trong Chuyên đề Thanh Sang – Phượng Liên, người xem thấy nghệ sĩ Vũ Linh ca tân nhạc, Kim Ngọc tấu hài và nhiều ca sĩ sắp hàng lên ca tân nhạc. Sự đổi qua đổi lại các trích đoạn quen thuộc với những nghệ sĩ quen thuộc trong các chương trình liên tiếp nhau cũng tạo nên sự ngán ngẩm cho khán giả cải lương đang bó hẹp với một lượng khá cố định. Cứ nghệ sĩ thế hệ vàng diễn là gần như khán giả thường xem Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Bên cầu dệt lụa…
Ngay đến nghệ sĩ Phượng Liên về nước chưa bao lâu mà vai diễn Kiều Nguyệt Nga cũng được chị diễn liên tiếp trong ba bốn show lớn cách nhau chỉ trên dưới một tháng. Những ngôi sao trẻ hơn thì quanh quẩn với Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Bao Công xử án Quách Hòe, An Lộc Sơn… Mà khổ nỗi, lần đầu các trích đoạn này xuất hiện, nghệ sĩ, bầu show còn chăm chút kỹ lưỡng; đến lần thứ hai, thứ ba… sự chăm chút thường biến mất, coi như đã ra “thành phẩm”, cứ thế đến lượt thì ra diễn cho xong nên cái hồn của trích đoạn, cái thần của nghệ sĩ cũng biến mất khiến khán giả cũ thất vọng, khán giả mới cũng khó thể lôi kéo thêm.
Bỏ lơ hướng đi đúng
Trong tình hình lượng khán giả của các chương trình cải lương sụt giảm nhanh chóng, khán giả lại đến đông nghẹt rạp trong hai đêm diễn đầu tiên của vở Nửa đời hương phấn (29-2 và 1-3-2008) và hai đêm diễn vở Sông dài (4 và 5-4-2008). Điểm lại công thức thành công của các đêm diễn không ngoài yếu tố: nội dung tuồng tích hay, cảnh trí sân khấu được chú trọng, nghệ sĩ tập dượt kỹ càng để không có tình trạng nhắc tuồng lộ liễu, ca ngọt ngào, diễn nghiêm túc – nhập tâm tạo được cái hồn của câu chuyện, nhân vật.
Còn nhớ trước đây ba năm, đoàn hát của diễn viên trẻ Vũ Luân luôn nghẹt cứng khán giả với những vở diễn nguyên tuồng được dàn dựng, ca diễn nghiêm túc. Hay chỉ một năm trước thôi, sau một thời gian dài bán vé khó khăn, lượng khách của nhóm cải lương trẻ Thắp Sáng Niềm Tin thuộc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang bỗng tăng vọt với xu hướng chọn dựng những kịch bản hay; đầu tư cảnh trí tốt; tập dượt, ca diễn hăng say. Tiếc là những hướng đi đúng để xây dựng tương lai cho một đời sống sàn diễn cải lương khỏe mạnh, ổn định lại bị bỏ lơ.
Nửa đời hương phấn tái diễn (8 và 9-5-2008), tính kỷ luật, sự chăm chút trong vở diễn không còn nghiêm ngặt. Từ lâu, đoàn cải lương của Vũ Luân cùng nhóm Thắp Sáng Niềm Tin cũng đã “nhường” rạp Hưng Đạo cho những show diễn thời vụ khai thác chất “vàng” trước mắt. Những show diễn “vàng” này giá vé cao nhất lên đến 200.000 đồng (nhưng chất lượng ít khi đạt chuẩn vàng) đang dần trở thành thường xuyên trong đời sống cải lương, cũng là một nguyên nhân lớn đẩy rất đông khán giả thật sự của cải lương có thu nhập không cao phải ngồi nhà.
Cải lương từng “chết” một thời gian dài với tình trạng không thể sáng đèn do giới quản lý và nghệ sĩ tự giết mình qua nạn dựng diễn tuồng tích thiếu chuyên nghiệp, sân khấu thiếu kỷ luật, lẫn nạn diễn trích đoạn thời vụ. Sau bao nhiêu gian khó, bao cuộc hội thảo, nhiều chủ trương nâng cấp… loại hình nghệ thuật gần gũi, máu thịt với đời sống của người Nam bộ này mới vừa có lại một sức sống non nớt. Nhưng với tình trạng “tận thu”, tự vắt kiệt mình như hiện nay, sức sống mới của cải lương một lần nữa lại đứng trước nguy cơ “tự giết”…
Hòa Bình (Theo Tuổi trẻ)