Gần nửa năm qua, sân khấu cải lương TP.HCM đã bày ra một bối cảnh đông vui, nhộn nhịp với những chương trình liên tục được quảng cáo nhưng không gây ấn tượng bởi chất “cải lương tổng hợp” kiểu chắp vá, hát tân nhạc, hát nhép, bổn cũ soạn lại…
Sau thành công vang dội của live show Tự tình quê hương của NSƯT Bạch Tuyết, năm 2007 được xem là năm mà các live show thế hệ vàng chiếm ưu thế: Thanh Sang dung dị, Lệ Thủy chân phương, Dịu Hiền mạnh mẽ, Thanh Tuấn nhẹ nhàng… Ngay cả những nghệ sĩ thế hệ sau cũng có những live show hoành tráng, được đầu tư công phu: Thoại Mỹ với Tung cánh phượng hồng, Vũ Luân với Vầng trăng mẹ…Những đêm diễn sốt vé gần như đã vực dậy một Làn điệu phương Nam buồn tẻ trước đó, tạo niềm hứng khởi cho những người làm nghề, những khán giả mộ điệu. Nhưng đến năm 2008, nhiều người trong nghề nhận định những live show như thế chưa chắc đã thành công bởi “vàng” có quí, có lấp lánh thì cũng không thể “đào” mãi theo một kiểu được.
Tự “bơi” có ngày đuối
Theo ông Lê Duy Hạnh – chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, đó là những hiện tượng đã và đang xảy ra nhiều hơn dạo gần đây và nhất thiết phải chấn chỉnh. Đạo diễn Hoa Hạ cho rằng đã đến lúc cần phải có một hội đồng thẩm định chất lượng nghệ thuật của từng chương trình, từng vở diễn. Hội đồng ấy không chỉ ngồi duyệt xem vở diễn có được ra mắt khán giả hay không mà còn phải đánh giá vở ấy đạt bao nhiêu “sao” (nôm na như cách đánh giá chất lượng của các phim ở nước ngoài). Nếu vở hay, được đầu tư tốt, đạt nhiều “sao” thì có thể bán vé ở mức cao, ngược lại nếu chất lượng trung bình thì chỉ được bán vé trong một khung giới hạn. Tiền nào của nấy – có như vậy khán giả mới yên tâm và nghệ sĩ cũng có trách nhiệm hơn.
Những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như Lệ Thủy, Minh Vương, Phượng Liên… hơn ai hết luôn khao khát được sống lại không khí cải lương nguyên tuồng đỉnh cao của ngày xưa. Họ cùng nhau góp sức lập nên Sân khấu vàng gây nhiều xúc động. Khát khao, trăn trở của họ được thể hiện trong chất lượng vàng của vở diễn, trong mục đích từ thiện của chương trình. Nhóm Thắp Sáng Niềm Tin, nhóm Vũ Luân cũng từng một thời được ủng hộ bởi những nỗ lực nghiêm túc với nghề, với khán giả. Tuy nhiên, tự “bơi” mãi ắt sẽ có ngày “đuối”! Và một “chuyển động hậu trường” có thể lạc quan – theo ông Lê Duy Hạnh, là việc Nhà hát Trần Hữu Trang đang tìm cách hỗ trợ về tài chính cho nhóm Thắp Sáng Niềm Tin của các nghệ sĩ trẻ để giúp họ có điều kiện tiếp tục dàn dựng những vở diễn có chất lượng. Nếu điều này xảy ra đây có thể xem là một hướng đi đúng của xã hội hóa.
Thiếu kịch bản
Ông Phan Quốc Hùng – giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang – cũng vạch ra một hướng đi: “Nếu như trước đây chúng tôi rải ra dựng 5-6 vở trong một năm (trung bình khoảng 50 triệu đồng/vở) thì sắp tới sẽ tập trung tiền của, con người để dựng 2-3 vở/năm nhưng vở nào phải ra vở ấy! Quan trọng nhất vẫn là vấn đề kịch bản. Những kịch bản cũ nếu hay và được khán giả yêu cầu nhiều vẫn có thể dựng lại, nhưng phải có cái mới thì cải lương mới phát triển”.
Tự tin và muốn tìm nhiều cách để làm phong phú hơn hoạt động của sân khấu cải lương (mới nhất là sự ra mắt của CLB cải lương hài) nhưng với ông giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, nỗi lo vẫn ở phía trước: “Mỗi tuần chúng tôi đọc 1-2 kịch bản nhưng để chọn ra được một kịch bản tốt về tư tưởng và nghệ thuật thì như mò kim đáy biển. Có kịch bản rồi thì vấn đề đau đầu tiếp theo là chuyện tập trung nghệ sĩ. Mùa mưa còn dễ chứ mùa nắng là họ chạy sô khắp nơi. Ngay cả nhóm Thắp Sáng Niềm Tin cũng khiến chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã có một lực lượng trẻ yêu nghề, tâm huyết với nghiệp tổ và được khán giả ủng hộ, nhưng cũng lo vì ít nhiều cũng đã xuất hiện kiểu: “Chú ơi tập nhanh để con đi quay!” dẫn đến chuyện không thuộc tuồng, không nhập vai. Vì vậy sắp tới cần phải siết lại chuyện này và trân trọng hơn nữa tinh thần yêu nghề của những nghệ sĩ lớn tuổi. CLB cải lương hài với vở Đứa con tiền kiếp cũng là một hướng mới của nhà hát trong năm nay nhằm làm phong phú hơn hoạt động của sân khấu cải lương. Cuối cùng vẫn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: một nhà hát khang trang, hiện đại để anh em có thể thăng hoa cùng nghề. Chuyện này đành phải tiếp tục đợi thôi!”.
Thêm một sân khấu cải lương mới
Tối 22-6, một sân khấu cải lương mới tọa lạc tại rạp Đại Đồng (TP.HCM) của ông bầu Phước Sang sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là sân khấu chuyên dựng trọn các vở tuồng cải lương, biểu diễn định kỳ vào các tối chủ nhật, thứ hai, thứ ba hằng tuần. Nghệ sĩ Phước Sang cho biết lâu nay cải lương hay bị chê là tiết tấu rề rà, chậm chạp nên những vở dựng tại sân khấu Đại Đồng sẽ được đẩy nhanh tiết tấu, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được cái hồn của cải lương. NSƯT – đạo diễn Trần Ngọc Giàu được mời làm chỉ đạo nghệ thuật cho sân khấu này. Vở diễn đầu tiên ra mắt là vở Cuộc đời đức Phật (tác giả: Tuệ Quang; đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu) với các nghệ sĩ: Thanh Nguyệt, Trọng Phúc, Hữu Quốc, Ngân Huệ, Ngân Tâm… (Linh Đoan)
Hoàng Anh (Theo Tuổi trẻ)