Chuyển thể và dựng bi kịch Con côi họ Triệu, một kiệt tác sân khấu thế giới vào cải lương là bước đi táo bạo của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ngạc nhiên hơn là người tâm đắc lựa chọn kịch bản và nhận trọng trách với Nhà hát dàn dựng lại là một đạo diễn trẻ, mới vào nghề, đó là nghệ sĩ Triệu Trung Kiên.
Khi được Ban giám đốc NH Cải lương VN giao cho trọng trách tự tìm kịch bản dựng vở, Triệu Trung Kiên đã khiến nhiều người bất ngờ khi anh chọn Con côi họ Triệu của nhà soạn kịch Kỷ Quân Tường đã viết cách đây tới 700 năm. Đây là vở bi kịch lịch sử đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Trung Quốc, mở màn cho truyền thống hý khúc dân tộc sau này. Câu chuyện xảy ra vào thời Xuân Thu thuộc triều đại vua Ấn Linh Công, ông vua ăn chơi sa đọa, nghe theo gian thần Đồ Ngạn Giả giết hại trung thần Triệu Thuẫn, làm bá tánh lầm than, muôn dân đau khổ. Sau năm 1949, kịch bản lại được “lột xác” dưới ngòi bút của nhà soạn kịch Mã Kiện Linh và trở thành một kiệt tác của sân khấu thế giới. Điểm rõ ràng nhất trong những tác phẩm cổ điển là tuyến nhân vật đại diện cho thiện và ác rất rõ ràng. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm vẫn còn rất mới mẻ, xã hội loài người sẽ không thể trường tồn nếu thiếu vắng những con người dám xả thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng của chính nghĩa.
Nếu diễn đúng như kịch bản gốc thì vở sẽ kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, nhà giáo Triệu Quang Vinh, Trưởng khoa kịch hát dân tộc đã bỏ nhiều công sức để chuyển thể từ kịch bản văn học sang cải lương với thời lượng 1 tiếng 50 phút. Con côi họ Triệu là vở bi kịch, vì vậy sẽ khó tránh được việc mô tả cái chết trên sân khấu. Có tới 6 cái chết của các nhân vật được đưa lên sân khấu, có điều là những cái chết đó không hề gây phản cảm, không bị trùng lặp trong xử lý mà được mô tả rất cao đẹp và xúc động, tạo sức thuyết phục cao. Một trong những tìm tòi sáng tạo đáng ghi nhận ở vở, chính là sự phá cách trong trang trí và phục trang nhân vật. Ngay khi nhân vật bước ra sân khấu, người xem có thể nhận ra ngay bản chất của nhân vật qua những mặt nạ biểu hiện trên trang phục. Phần vũ đạo đã được đạo diễn tiết chế vừa đủ chứ không kéo dài như nguyên bản hý kịch. Trong việc xử lý không gian cũng có nhiều đổi mới. Điển hình là việc đưa ra một chiếc mặt nạ treo trên nóc sân khấu hiển hiện điểm nhấn về cái ác đang bao trùm khắp bầu trời. Đa số ánh sáng thường tập trung trên nóc sân khấu vì vậy mà đạo diễn đã phải tìm những góc chiếu khác đảm bảo cho sân khấu đủ độ sáng. Từ nhược điểm bất lợi của ánh sáng lại tạo ra sự hiệu quả ánh sáng chạng vạng vào chiều tà, biểu đạt cho một ánh sáng nhỏ nhoi của một xã hội mà cái ác đang bức bách con người.
Đã lâu Nhà hát Cải lương VN không dựng những vở bi kịch cổ điển. Đây chính là một trong những lý do khiến Triệu Trung Kiên đào xới trong kho tàng của sân khấu thế giới tìm ra Con côi họ Triệu để tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa vốn cổ và quan điểm hiện đại trong sân khấu cải lương. Anh chủ trương mời các diễn viên trẻ tham gia vào các vai chính trong vở để tạo cho họ cơ hội va đập, rèn luyện mình trong tác phẩm lớn.
Con côi họ Triệu đã mang tới cho khán giả yêu cải lương có cảm giác như được ăn một món ăn ngon, lạ miệng với những thời khắc thú vị và cảm động.
Thuý Hiền (Nguồn Báo Văn hóa)