Những tuồng cải lương hay có thể kể đến các vở: Tuyệt tình ca, Tiếng hạc trong trăng, Yêu người điên, Yêu người say, Bà chúa ăn mày, Lá của rừng xanh, Mắt em là bể oan cừu… do các soạn giả (còn gọi là thầy tuồng) Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, Hoàng Khâm, Yên Ba, Quy Sắc, Viễn Châu… viết nên. Khán thính giả xem, nghe xong có thể thuộc lòng lời ca của từng nhân vật, để lúc cao hứng có thể hát ngọt ngào một câu, hai câu, thậm chí cả… vô vai luôn. Nói thế đủ thấy cải lương đã đi sâu vào lòng người dân miền sông nước Tây Nam bộ đến cỡ nào!
Ngày xưa các soạn giả, thầy tuồng cũng đâu có học trường lớp chính qui nào, chỉ vì “máu nghề” cộng với sự nỗ lực học hỏi của bản thân mà từng lời ca, câu chữ, bài bản được sắp đặt, bố trí hợp tình hợp lý. Đặc biệt, các câu vọng cổ được đưa vào rất đúng chỗ, đúng tình tiết, lớp lang, màn cảnh… nên khi nghệ sĩ hát một câu vọng cổ nào, câu vọng cổ đó làm người nghệ sĩ sáng bừng lên và sống hoài trong lòng khán giả từ đó.
Ngoài ra, phần cảnh trí được các họa sĩ tài năng vẽ rất đẹp. Chúng tôi mê cải lương vì mê nghệ sĩ, cũng có một phần mê cảnh trí, cách bố trí ánh sáng… Còn bây giờ kịch bản cải lương đã đi xuống mà vở còn được dựng với cảnh trí “cách điệu”(!). Vài ba tấm màn buông rủ, năm ba sợi dây lòng thòng, một miếng gỗ xoay đi xoay lại làm người xem có khi… không hiểu cảnh đó muốn thể hiện bối cảnh gì !
Thêm nữa, vở được viết theo kiểu “đo ni đóng giày”, một “ngôi sao” hay “sém sao” nào có mặt trong vở diễn là đều được viết cho một câu… vọng cổ! Đến nỗi, nghệ sĩ này vừa hát xong một câu vọng cổ dư ba còn lắng đọng, thì nghệ sĩ khác lại “quất” tiếp một câu vọng cổ nữa theo kiểu “sắp hàng mà ca vọng cổ”.
Tôi may mắn được theo dự một lớp đào tạo tác giả viết kịch bản sân khấu gần một năm trời. Chúng tôi được các thầy Bích Lâm, Phạm Ngọc Truyền, Thanh Hạp, Trương Bỉnh Tòng… dặn đi dặn lại: “Vọng cổ là bà chúa của cải lương!” nên khi viết một vở cải lương phải hết sức chú ý lúc nào mới có thể viết một… câu vọng cổ! Và sau khi nghệ sĩ hát câu vọng cổ đó xong, tiếp theo phải là bài bản gì để nuôi dưỡng câu vọng cổ đó cho dư ba của nó lắng sâu trong lòng khán giả.
Rất khó để bố trí một câu vọng cổ cho một vở cải lương, vậy mà các vở cải lương mới viết sau này tôi thấy hình như các tác giả, soạn giả viết và bố trí bài ca, bản vắn, nhất là sáu câu vọng cổ một cách… vô tội vạ! Cứ thấy nghệ sĩ hát suốt tuồng, hết vọng cổ thì tới dân ca, hết dân ca thì hát tới bản vắn, hình như để khoe làn hơi và chất giọng chứ không phải để dàn trải, tâm sự và khắc họa tính cách nhân vật! Cải lương đâu phải là hát suốt mới gọi là cải lương! Nó cũng phải có giao đãi, có khoảng lặng của sân khấu cho nhân vật diễn nội tâm nữa chứ!
Cải lương rồi sẽ đi về đâu? Những nghệ sĩ có tâm biết sống thế nào khi mà thời kỳ hoàng kim của cải lương không còn nữa? Xin nhường câu trả lời này cho các bộ, ban, ngành chủ quản nếu còn nặng lòng với sự nghiệp cải lương. Riêng tôi vẫn đau đáu chờ mong một ngày sân khấu cải lương sẽ lại rực sáng, người nghệ sĩ lại được hát, được diễn, được sống hết lòng với nghiệp tổ cho “kiếp tằm trả hết nợ dâu xanh!”
Hoàng Đức – Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang (Theo Tuổi trẻ)