Mấy ngày cuối năm, rạp Hưng Đạo bỗng trở nên… quá tải với lịch tập vở của nhà hát Trần Hữu Trang và nhiều nhóm hát xã hội hóa đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối để chuẩn bị “bung” ra phục vụ khán giả mùa tết 2009.
Điều đáng mừng là năm nay các chương trình tổng hợp chỉ diễn trích đoạn dường như giảm hẳn, các suất hát trọn vở chiếm thế thượng phong! Có vẻ khán giả đã bắt đầu ngán các trích đoạn và thật sự hào hứng với các suất hát nguyên tuồng. Năm nay, “đóng đô” tại rạp Hưng Đạo chỉ chừng 3 nhóm hát: nhóm Thắp sáng niềm tin, nhóm XHH của nghệ sĩ NSƯT Thanh Thanh Tâm, nhóm XHH của nghệ sĩ Vũ Luân nhưng có tới hơn chục vở nên suất diễn cứ thế mà ken đặc trong mấy ngày tết.
Nhìn vào lịch diễn ở rạp, điều dễ nhận thấy là không hẹn mà gặp năm nay các nhóm tỏ ra rất mặn mà với cải lương tuồng cổ. Nhóm hát XXH của nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm thực hiện 2 vở cải lương tuồng cổ: Mạnh Lệ Quân (diễn tối mồng 2 và 14 âm lịch) và Tình sử Dương Quý Phi (11 âm lịch) với “cây đinh” là đôi bạn diễn rất được khán giả yêu mến Vũ Linh – Thanh Thanh Tâm. Ngoài ra còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ: Kim Tử Long, Cẩm Thu, Chí Linh, Vân Hà, Ngân Tuấn, Bình Tinh, Tuấn Sang, Hiếu Cảnh…
Nhóm hát của nghệ sĩ Vũ Luân năm ngoái còn chia lịch ở sân khấu Bình Thới, rạp Hưng Đạo, năm nay “kéo quân” hẳn về rạp Hưng Đạo phối hợp với đoàn 1 nhà hát Trần Hữu Trang thực hiện một lịch diễn tết khá “hoành tráng” và cũng diễn hầu hết là những vở cải lương tuồng cổ. Trong đó có vở Thái tử Đan (diễn mồng 6 và mồng 9 âm lịch), Xử án Bàng Quý Phi (mồng 7 âm lịch), Tứ tử đậu đăng khoa (mồng 8 âm lịch), Thất Tinh Mai (12 âm lịch), Xử án Phi Giao (13 âm lịch). Nghệ sĩ tham gia các vở này gồm: Vũ Luân, Trinh Trinh, Tú Sương, Kim Tử Long, Thoại Miêu, Thanh Thế, Trường Sơn, Xuân Yến, Chiêu Hùng…
Nhóm Thắp sáng niềm tin năm nay sẽ diễn thêm một suất vở Phước Lộc Thọ (suất 14g mồng 3 âm lịch) – vở diễn khá hút khán giả hồi năm ngoái, dựng lại vở cải lương tuồng cổ Hoàng đế du xuân (diễn mồng 3, 4, 16 âm lịch) và vở diễn lịch sử Dấu ấn giao thời. Thành phần gồm các nghệ sĩ trẻ: Lê Tứ, Trọng Nghĩa, Tú Sương, Mỹ Hằng, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Thy Phương…
Nghệ sĩ Thy Phương và Lê Hồng Thắm trong một cảnh của vở diễn lịch sử Dấu ấn giao thời trong buổi phúc khảo ngày 15-1 – Ảnh: Linh Đoan
Lý giải chuyện các vở cải lương tuồng cổ “áp đảo” sân khấu cải lương tết, nghệ sĩ Vũ Luân cho biết do cải lương tuồng cổ có màu sắc, không khí rộn ràng nên rất phù hợp diễn tết, vả lại trong năm qua nhiều suất diễn các vở cải lương tuồng cổ thu hút rất đông khán giả, người xem lại liên tục yêu cầu nên năm nay các ông bầu đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này!
Ngoài các suất hát trọn vở kể trên, lịch diễn tại rạp Hưng Đạo còn có hai chương trình tổng hợp. Tối mồng 1 tết là chương thường niên của nhà hát Nghệ sĩ mừng xuân. Đây là chương trình rất được các fan ruột của sân khấu cải lương nóng lòng chờ đợi vì tập trung cả trăm nghệ sĩ tên tuổi với những lời chúc phúc đầu năm dành cho khán giả. Năm nay chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: Lệ Thủy, Thanh Tòng, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Ngọc, Hiếu Hiền, Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn… với các tiết mục Mộc Quế Anh dâng cây, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Đám cưới đầu xuân… Tối mồng 10 âm lịch là chương trình Vũ Luân du xuân 2009. Trong chương trình này Vũ Luân sẽ “du xuân” cùng 4 bốn cô đào: Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Ngân Huệ qua các trích đoạn: Hoa Mộc Lan, Đường Minh Hoàng – Du Nguyệt Điện, Thích khách Địch Thanh, Chung Vô Diệm, ngoài ra còn có các nghệ sĩ khách mời: Bảo Quốc, Tấn Beo, Tấn Bo, Kim Tử Long…
Không khí tập vở rộn ràng cả ngày lẫn đêm ở rạp Hưng Đạo dễ khiến người ta bị “lây” cảm giác náo nức, nôn náo đón chờ… nhưng ngẫm lại mới thấy trong khi sân khấu kịch vẫn tiếp tục “đẻ” thêm sân khấu mới để bổ sung danh sách gần cả chục sân khấu lớn nhỏ tại thành phố thì cải lương ngó đi ngó lại chỉ có rạp Hưng Đạo là sáng đèn! Chạnh lòng làm sao!
Ngày 15-1, nhóm Thắp sáng niềm tin đã tổ chức phúc khảo vở cải lương lịch sử Dấu ấn giao thời (TG: Triệu Trung Kiên, ĐD: NSƯT Hoa Hạ). Đây là vở diễn từng đem lại giải B cho Triệu Trung Kiên trong cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007.
Trong lần dựng lại này, đạo diễn Hoa Hạ đã có những xử lý rất tinh tế khiến vở diễn có những mảng riêng và màu sắc lạ hơn, tâm lý nhân vật có những chỗ được đào sâu hơn, quá khứ – hiện tại được đan xen nhau liên hồi tạo nên những cao trào quyết liệt… Rất lạ là toàn vở tuyệt không có mảng hài nào để chiều lòng khán giả thích tiếng cười, chỉ là cách kể lại một câu chuyện lịch sử đúng nghĩa.
Dù được chăm chút kỹ lưỡng từ vài tháng trước và là vở “mở hàng” đầu tiên của nhóm Thắp sáng niềm tin trong năm 2009 nhưng do thiếu tiếng cười nên Dấu ấn giao thời tạm “né” mùa cao điểm tết mà sẽ chính thức công diễn tối 15 âm lịch. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết thêm Nhà hát Trần Hữu Trang đang có kế hoạch đưa Dấu ấn giao thời đến với các bạn trẻ, sinh viên các trường đại học.
Linh Đoan (Theo Tuổi trẻ)
Ý kiến khán giả về vở Dấu ấn giao thời
ẤU ẤN GIAO THỜI là một tác phẩm không chỉ có giá trị về nội dung mà còn có sức nặng về nghệ thuật. Vở kịch đề cập đến giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Giai đoạn chuyển giao này đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, trong đó có nỗi đau, mối hận thù sâu sắc của hai nhà Lý- Trần. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện kể về đời vua thứ 8, đời vua cuối cùng – Lý Huệ Tông và vụ án bức tử mà Trần Thủ Độ là người khởi xướng. Để thực hiện âm mưu to lớn là chuyển giao quyền lực của nhà Lý về tay mình, Trần Thủ độ đã tìm mọi cách, không từ thủ đoạn nào kể cả việc đem dâng hiến người yêu dấu nhất của mình là Trần Thị Dung (Thu Ngừ) cho vua Lý Huệ Tông.
Mưu kế dùng mỹ nhân làm lung lạc lòng quân tử. Đây không phải là mưu kế mới nhưng với tài năng và sự khéo léo của Trần Thị Dung đã làm điên đảo cả một triều đại. Lợi dụng tình yêu và sự ưu ái mà Lý Huệ Tông dành cho Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ từ một cơ trưởng cơ đội của dân chài miền biển đã leo lên làm Điện tiền chỉ huy sứ nắm giữ toàn bộ quân đội trong hoàng thành và từng bước thao túng triều đình, chuyển giao quyền lực từ nhà Lý về tay mình. Nhưng công bằng mà nói, trong buổi giao thời, xã hội rối ren, thù trong, giặc ngoài…phần lớn đều do một tay Trần Thủ Độ chèo chống.
Nhiều khi phải biết hy sinh chuyện riêng tư, lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của tập thể, lợi ích lớn lao của dân tộc…Đó chính là ý nghĩa lớn nhất mà tác phẩm muốn gửi tới mọi người. Cái chết tự nguyện của Lý Huệ Tông ở cuối tác phẩm không chỉ hoá giải được thù hận của hai nhà Lý – Trần mà còn là minh chứng sống động cho điều này. Chấp nhận cái chết, tự nguyện hy sinh để muôn dân được thái bình, tránh cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”. Với sự sáng tạo trong việc xây dựng cốt truyện, ở cuối tác phẩm, Lý Huệ Tông hiện lên không còn là một ông vua chỉ biết hưởng thụ, sống cho riêng mình mà là một người đầy nghĩa tình với người mình yêu (Thu Ngừ) và là một ông vua có trách nhiệm, biết nghĩ cho muôn dân, trăm họ.
Trung thành sử, sách nhưng với cách cảm, cách nghĩ của riêng mình, trong tác phẩm, tác giả và đạo diễn đã tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ với những công và tội rất rõ ràng. Bên cạnh những âm mưu và tội ác tàn bạo mà Trần Thủ Độ gây ra chúng ta cũng phải có cái nhìn công bằng và thẳng thắn về những đóng góp to lớn của ông đối với việc giữ yên bờ cõi, chấn hưng nước nhà giai đoạn cuối Lý, đầu Trần.
Qua bàn tay dàn dựng của phù thủy sân khấu đạo diễn NSƯT Hoa Hạ cùng với dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng của Nhóm Thắp sáng niềm tin – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã làm sống lại một bức tranh lịch sử của giai thoại Lý – Trần. Đạo diễn có cách xử lý thông minh, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, vì thế mạch kịch lúc nào cũng xuyên suốt, dồn dập nên hấp dẫn người xem. Hợp cùng dàn diễn viên: Trọng Nghĩa, Mỹ Hằng, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Thy Phương, Võ Minh Lâm, Quỳnh Khôi…ca diễn nhiệt tình, vì thế tạo cho vở diễn thêm chất men say lôi cuốn người xem.
Thời gian qua, xã hội quan tâm đến vấn đề “dân ta phải biết sử ta”, vì thế việc cho ra đời vở cải lương Dấu ấn giao thời là vấn đề cấp thiết. Bởi thông qua vở diễn này, giới trẻ, công dân Việt Nam sẽ hiểu hơn về những giai thoại hào hùng của dân tộc.
Vở diễn Dấu ấn giao thời khai trương vào lúc 20h ngày 9/2/09 tại rạp Hưng Đạo.
Forum (thực hiện) – Trong bài viết có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp.