Vở diễn mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình yêu, sự thủy chung của những người con trai, con gái của núi rừng. Biểu tượng của tình yêu được khắc họa đầy thơ mộng. Cảnh núi rừng với ngàn hoa, mây che phủ trên đỉnh núi Khâu Vai…
Hình ảnh đẹp của vở diễn cải lương “Chuyện tình Khâu Vai”
Vở diễn “Chuyện tình Khâu Vai” do tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Tác phẩm được nhạc sỹ Trọng Đài chuyển thể cải lương, âm nhạc và do Đỗ Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật.
Đáng chú ý, vở cải lương “Chuyện tình Khâu Vai” vừa kết thúc chuyến “hành hương về vùng đất thánh” của cải lương bằng đêm diễn tại Sóc Trăng (23/7), sau khi có 5 đêm diễn tại TP HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, và đã để lại ấn tượng đậm nét của hương vị “cải lương Bắc” đối với khán giả Nam Bộ.
Trước đó, “Chuyện tình Khâu Vai” không chỉ diễn ở Hà Nội mà còn về với khán giả ở các tỉnh Nghệ An, Hà Giang. Tháng 4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mời vở về biểu diễn khai mạc Tuần văn hóa Lễ hội Chợ tình Khâu Vai tại huyện Mèo Vạc.
Có thể nói, lâu lắm rồi, cải lương Hà Nội mới có một chuyến Nam tiến phục vụ khán giả như vậy.
Câu chuyện tình đầy bi kịch nhưng không bi lụy lại được kể nhẹ nhàng, chứa đựng đầy chất thơ lãng mạn, lay động lòng người.
Vở diễn đã mang lại một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc về tình yêu, sự thủy chung của những người con trai, con gái của núi rừng. Biểu tượng của tình yêu được khắc họa đầy thơ mộng. Cảnh núi rừng với ngàn hoa, mây che phủ trên đỉnh núi Khâu Vai… đã thêm điểm cộng cho những cảnh trí đẹp trên sân khấu.
“Chuyện tình Khâu Vai” kể về sự tích hình thành nên một nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên Đá Đồng Văn, Hà Giang – đó là “Chợ tình Khâu Vai”. Chợ tình này diễn ra mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 Âm lịch. Đây là nơi mà những người yêu nhau vì lý do nào đó không lấy được nhau, có thể gặp nhau để trút bầu tâm sự về những vui buồn trong cuộc sống.
Nhân vật chính trong vở diễn là Chàng Ba – một chàng trai người Nùng nghèo khó và Nàng Út – con gái của Tộc trưởng người Giáy sang giầu. Áp lực trước hủ tục không cùng sắc tộc và đẳng cấp thì không thể lấy nhau, đôi trai gái cùng nhau bỏ trốn lên đỉnh Khâu Vai để được bên nhau.
Khi hai tộc người nẩy sinh mâu thuẫn dẫn tới xô xát đẫm máu, Chàng Ba và Nàng Út nén lòng trở về làng báo hiếu mẹ cha, giải tỏa xung đột giữa hai sắc tộc. Họ hẹn nhau ngày này năm sau sẽ tìm lên đỉnh Khâu Vai thân thuộc và chỉ có cái chết mới chia cách được hai người
Một năm sau, Nàng Út tìm đến Khâu Vai thì biết được sự thật: chồng nàng đã bầy mưu hãm hại Tộc trưởng cha nàng để được nối ngôi cao, còn Chàng Ba đang ấm êm hạnh phúc với vợ hiền và con trẻ sắp chào đời. Nàng đã quyết định quyên sinh. Chàng Ba đến Khâu Vai chậm hơn.
Khi thấy người yêu từ giã cõi đời, chàng toan quyên sinh như lời thề năm trước. Nhưng vì bổn phận với gia đình chàng vẫn phải sống. Hàng năm vào đúng ngày hẹn, Chàng Ba lại tìm lên đỉnh Khâu Vai nhớ về lời thề ước năm xưa.
Vở diễn do các nghệ sĩ Nhà hát cải lương VN thể hiện, quy tụ của dàn diễn viên tên tuổi như: Quang Khải – Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (vai Chàng Ba), Ninh Thị Như Quỳnh (vai Nàng Út), Xuân Thông (Tộc trưởng), Mai Lý – Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (vợ Tộc trưởng), Minh Hải – Giải 3 Chuông vàng Vọng cổ 2013 (Cố Sầu – chồng Nàng Út), Dạ Ngọc Hương – Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (Bà Liểng), Thu Hiền (Lả Nhinh), Quỳnh Hương (Dẻn), Đức Hảo (Ông già mù), Lệ Hằng, Bích Nhật và Thiên Kiều (Bà Mo).
“Trước khi bắt tay dựng vở, tôi đã đi thực tế ở Mèo Vạc mới cảm nhận hết sự khắc nghiệt của vùng đất này. Con người nơi đây đúng nghĩa là sống trên đá và chết nằm trong đá. Phải chăng chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng sự bao dung và lòng vị tha mới giúp con người sống và vươn lên trên vùng núi đá khắc nghiệt ấy?” – đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Nguồn : Dân trí