Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014

Khai mạc vào tối 20/6/2014, sau 7 đêm thi, với 49 diễn viên tham gia trong 47 tiết mục thuộc 15 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước đăng ký dự thi Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014, tối 26/6/2014, tại Nhà hát Tây Đô, thành phố Cần Thơ, Cuộc thi đã khép lại với 7 Huy chương Vàng và 11 Huy chương Bạc đã được Ban Tổ chức trao cho các diễn viên có phần dự thi xuất sắc nhất. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng kèm theo Bằng khen cho 15 đơn vị và 8 cá nhân tham dự Cuộc thi.

Mặc dù là cuộc thi dành cho diễn viên của cả 2 bộ môn: cải lương và dân ca kịch nhưng khi nhìn vào danh sách tham dự có thể thấy ngay sự vượt trội về số lượng diễn viên cải lương tham dự giải – 43 diễn viên so với 6 diễn viên ca kịch bài chòi dự thi. Điểm danh qua những tên tuổi “đình đám” của cải lương ở cả hai đầu đất nước đều đã góp mặt như: Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát Trần Hữu Trang, Đoàn Văn công Đồng Tháp, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, Đoàn Văn công Quân khu 9, Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang, Đoàn cải lương Tây Đô…

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu trong cuộc thi. (Ảnh: internet)
Trong lời phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã nhấn mạnh: “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014 là một hoạt động nhiều ý nghĩa, nhằm phát hiện các tài năng trẻ diễn viên trong lĩnh vực Cải lương và Dân ca kịch; là dịp để các diễn viên trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm…; là hoạt động ghi nhận, tôn vinh các diễn viên trẻ có những đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống trong những năm qua; là cơ sở để các nhà quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng lực lượng diễn viên trẻ, từ đó có những kế hoạch đào tạo trong thời gian trước mắt và lâu dài”.

Tại cuộc thi năm nay, khán giả nhận ra rất nhiều gương mặt trẻ quen thuộc: Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh, Lê Thị Ngọc Quyền, Đặng Thị Mỹ Vân, Nguyễn Thị Diễm Kiều, Phạm Anh Chàng, Nguyễn Thanh Nhường, Nông Thị Gấm, Võ Hồng Thủy, Lâm Ngọc Hoa, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Văn Sơn (Vĩnh Sơn), Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Minh Hải… đều là những diễn viên bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình như Chuông Vàng vọng cổ hay Giải thưởng Trần Hữu Trang… Cũng chính bởi sự xuất hiện khá dày của những diễn viên trên tại các cuộc thi nên điều không tránh khỏi là các thí sinh hầu hết chọn lại những trích đoạn đã từng dự thi tại các giải này. Đây có thể là “con dao hai lưỡi” cho các thí sinh khi với sự rút kinh nghiệm để điều chỉnh tăng hoặc tiết chế cảm xúc làm cho hay hơn, nhuần nhuyễn hơn trong các tiết mục dự thi nhưng mặt khác, vẫn là những tiết mục đã diễn đi diễn lại sẽ gây sự nhàm chán, làm mất đi tính hấp dẫn đối với khán giả, như: Võ Thị Huỳnh Mơ (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang) với “Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy”; Nguyễn Ngọc Đợi (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) với “Hồn thơ ngọc” , Đặng Thị Mỹ Vân (Đoàn Văn công Đồng Tháp) với “Người cáo”, Võ Minh Lâm (Nhà hát Trần Hữu Trang) với “Kiếp tằm”, Lê Thị Ngọc Quyền và Nguyễn Thanh Nhường (Đoàn Văn công Quân khu 9) với “Sáng mãi niềm tin”, Lâm Ngọc Hoa (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) với “Người con gái đất đỏ”…

Và một điều nữa được đúc rút từ các cuộc thi, hội diễn trước đây cũng tồn tại ở cuộc thi lần này. Đó là, các thí sinh phía Nam có lợi thế về thổ ngữ, thường “phiêu” theo cảm xúc và không quá chú trọng đến đầu tư dàn dựng tiết mục. Còn các thí sinh miền Bắc, để bù đắp cho sự thiếu mượt mà, truyền cảm của giọng nói nên thường chỉn chu hơn trong diễn xuất, bản lĩnh vững vàng, cách luyến láy, nhả chữ đầy “học thuật” (tròn vành rõ chữ) và đặc biệt rất chắc nhịp như: Nguyễn Minh Hải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) với “Ngày tàn bạo chúa”, Nông Thị Gấm (Nhà hát Cải lương Việt Nam) với “Sám hối”, Ninh Thị Như Quỳnh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) với “Mê-đê”, Nguyễn Thị Lý (Nhà hát Cải lương Việt Nam) với “Khát vọng Đát Kỷ”, Lê Thị Hồng Nhung (Nhà hát Cải lương Hà Nội) với “Mệnh đế vương”…
“Một mình một sân” là Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định – đơn vị ca kịch duy nhất tham dự cuộc thi đã đem đến sự khác biệt của những câu hô thai chòi hiệu trầm bổng, nhịp nhàng, du dương giữa những “hò, xự, xang, xê, cống”đã tạo cơ hội cho khán giả phương Nam và cả những người làm nghề được thưởng thức một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt của mảnh đất Nam Trung bộ. Không như sự lo ngại của nhiều người về cách phát âm nặng vùng miền và còn khá xa lạ đối với khán giả miền Nam, cả sáu tiết mục dự thi của đoàn, dù thuộc đề tài lịch sử hay xã hội đều rất gần gũi với người xem, dễ nghe, dễ cảm. Không chỉ có giọng ca đẹp, diễn xuất tốt, các diễn viên: Dương Nữ Thùy Dung trong “Đêm Phú Xuân”; Phạm Thanh Hải trong trích đoạn “Vạn Lịch ăn xin”, Nguyễn Mai Bạch Lan trong “Đứa con tôi”, Lê Thị Ngọc Điệp với “Hương thầm”, Nguyễn Phương Phú và Phạm Văn Rô đều cùng dự thi với tác phẩm “Độc dược” còn để lại ấn tượng đẹp cho khán giả theo dõi cuộc thi bằng thái độ làm nghề nghiêm túc, sự chăm chút cho từng vai diễn của cả những diễn viên chỉ đóng vai trò phụ diễn. Đặc biệt, Dương Nữ Thùy Dung với ngoại hình sáng sân khấu, chất giọng đẹp, khỏe, diễn xuất đa dạng và tinh tế trong xử lý, tiết chế cảm xúc đã “ghi điểm” trong lòng khán giả.

Cảnh trong tiết mục của Nhà hát Cải lương Việt Nam (internet)

Bế mạc Cuộc thi, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cuộc thi thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu: “Bảy ngày diễn ra Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc – 2014 đang khép lại trong khát khao sáng tạo, trong niềm đam mê, sự thôi thúc được cống hiến, mà ở đó có cả mồ hôi và nước mắt của các nghệ sỹ. Cuộc thi lần này cũng là một bước trải nghiệm cho những nghệ sỹ trẻ chưa thành công. Chính sự chưa thành công sẽ trở thành nền tảng, là động lực thôi thúc cho các bạn vươn tới những sáng tạo mới, để một ngày không xa, khán giả và bạn nghề ghi nhận tài năng từ chính sự khổ luyện và những đóng góp của các bạn cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu…”.

Phó giáo sư Nguyễn Tất Thắng – Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã nhận xét, đánh giá chất lượng của cuộc thi, nêu rõ ưu điểm, yếu điểm của các diễn viên tham gia dự thi và các đạo diễn dàn dựng tiết mục cho diễn viên. Theo đó, về chất lượng nghệ thuật chung của cuộc thi năm nay, điểm nổi bật nhất là đa số diễn viên tham gia đã kế tục được sự nghiệp sân khấu cải lương, ca kịch truyền thống của những thế hệ đi trước. Hơn nữa, lớp trẻ hôm nay còn có nhiều sáng tạo và đam mê, làm cho các nhân vật của vở diễn trở nên thanh xuân và sống động hơn bao giờ hết. PGS Tất Thắng đánh giá: “Sự trưởng thành của các thế hệ diễn viên trẻ đã đạt được sự hoàn hảo và có sự kết hợp hài hòa, thể hiện được trạng thái tâm hồn nhân vật, các diễn viên trẻ đã tiếp thu có sáng tạo nghệ thuật vũ đạo cổ, thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được nhịp điệu và tiết tấu, vừa giữ được nét truyền thống vừa nâng lên tầm hiện đại”…

Bên cạnh đó cũng còn một số diễn viên thể hiện chưa tốt với những lý do như: đạo diễn chọn cách thể hiện quá nhiều nhân vật trong trích đoạn làm lu mờ phần thể hiện của thí sinh; hay có trích đoạn khá đơn điệu, thiếu tình tiết để thí sinh phô diễn tài năng; một số diễn viên quá tập trung vào ca mà thiếu đầu tư cho diễn hoặc ngược lại… Tuy còn có những “hạt sạn”, nhưng nhìn chung cuộc thi đã thành công tốt đẹp, như PGS Tất Thắng đã nêu: “Với cảm hứng thời đại và sức trẻ, các bạn trẻ đã có nhiều đổi mới nghệ thuật cải lương, mang đến cho nghệ thuật cải lương hơi thở của thời đại. Và xuất hiện nhiều tài năng có triển vọng. Tôi rất hy vọng một ngày không xa, những tài năng ấy sẽ trở thành những cột trụ đẩy nghệ thuật cải lương lên một bước tiến mới…”.

NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng NSƯT Lê Chức trao băng khen cho các đơn vị đoạt giải trong cuộc thi. (Ảnh: internet)

Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 7 diễn viên có phần dự thi xuất sắc nhất, đó là: Trần Thị Thu Vân (Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang) vai Nguyễn Thị Minh Khai trong trích đoạn “Sáng mãi niềm tin”; Võ Minh Lâm (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) vai Nam trong tiết mục “Kiếp tằm”; Nguyễn Thị Lý (Nhà hát Cải lương Việt Nam) vai Đát Kỷ trong tiết mục “Khát vọng Đát Kỷ”; Dương Nữ Thùy Dung (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) vai Công chúa Ngọc Hân trong tiết mục “Đêm Phú Xuân”; Bùi Thị Dung (Nhà hát Cải lương Việt Nam) trong tiết mục “Cung phi Điểm Bích”; Lê Thị Hồng Nhung (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vai Lý Chiêu Hoàng trong tiết mục “Mệnh đế vương”; Võ Hồng Thủy (Nhà hát Cải lương Tây Đô) vai má Năm trong tiết mục “Hoa đất”.

Các nghệ sĩ có phần dự thi xuất sắc nhất ( Ảnh: internet)

Cuộc thi đã khép lại, những tấm huy chương đã có chủ. Thêm một lần nữa, nghệ thuật truyền thống dân tộc được phát huy góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ cho vườn hoa nghệ thuật muôn sắc của đất nước.
NTBD

Thảo luận cho bài: "Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com