Vọng cổ là bản nhạc bất hủ có tính đại chúng cao mà khi cất tiếng ca ai cũng nhận ra đó là kết quả của quá trình tái tạo, tô điểm của nhạc sĩ, ca sĩ cũng như tác giả. Để hiểu rõ xác thực sự phát triển của bản Vọng cổ ghi lại những dữ kiện sau đây, nói lên nỗi lòng của người nhạc sĩ thuở thiếu thời lận đận trong tình yêu bởi hủ tục.
Cao Văn Lầu sinh ngày 22.12.1892, tức mùng 4 tháng 11 năm Nhâm Thìn, tại xóm rạch Cai Cui, làng Chỉ Mỹ, nay sáp nhập với làng Thuận Lễ, trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Năm 1901, lên 9 tuổi, Cao Văn Lầu đã cùng gia đình xuống định cư tại thị xã Bạc Liêu.
Trưởng thành, Cao Văn Lầu được cha mẹ cưới vợ. Nhưng theo tục xưa, “Tam niên vô tử bất thành thê”, ba năm vợ không sinh con, chồng được quyền bỏ để gia dình cưới vợ khác có con nối dõi. Xã hội thời bấy giờ cho rằng việc không sinh con là do lỗi của người đàn bà (?!). Quá đau khổ vì cảnh chồng vợ chia li, “trong tâm tư chứa đầy nỗi u buồn”, Cao Văn Lầu dùng âm nhạc để nói lên nỗi nhớ chồng của người vợ thương yêu chịu cảnh sinh ly.
Thế là bản Hoài Lang ra đời.
Gởi tâm sự mình vào từng câu nhạc bản Hoài Lang, đêm đêm Cao Văn Lầu cùng các nhóm Tài tử trong làng hợp nhau đờn ca. Vẳng xa xa ngân vang tiếng chuông, tiếng trống chùa Vạn Phước, nơi mà thuở lên 9 có thời gian Sáu Lầu vào làm chú tiểu quét lá đa, lau bàn Phật do cha mẹ nghèo, đông con nên gửi nương nhờ cửa Phật, ăn cơm chùa.
Rồi, bản Hoài Lang kết hợp với tiếng trống chùa Vạn Phước : thương, cảm tâm trạng người chồng mất vợ, các nhóm đờn ca tài tử Bạc Liêu thêm vào hai chữ Dạ Cổ trở thành Dạ Cổ Hoài Lang, để nói lên ý nghĩa : “đêm nghe tiếng trống nhớ chồng” của người vợ cũng buồn khổ như Sáu Lầu.
Sau đó, thầy Thống được sự đồng ý của Cao Văn Lầu chấn chỉnh câu thứ 1 và thứ 7 từ (Hò) Xang Xê Cống (Xê) của Hoài Lanh thành (Hò) Là Xang Xê (Cống), Dạ Cổ Hoài Lang, và viết bài ca Từ Phu Tướng, đồng thời đổi tên là Vọng Cổ, hàm chứa ý nghĩa : tư tưởng người xưa hay nhớ chuyện đời xưa, tránh sự khóc than trong tình yêu của Dạ Cổ Hoài Lang, đến khi hoà nhập vào âm nhạc Cải lương với nhịp 4 có lúc gọi là Vọng Cổ Hoài Lang, rồi trở lại Vọng Cổ. Dạ Cổ Hoài Lang song song cùng với lời ca “Từ phu tướng – Báu kiếm sắc phán lên đàng”, tạo âm sắc mượt mà, day dứt, để đi vào tình cảm con người và giữ được sự hài hoà trong thang âm.
Hành trình lột xác Hoài Lang để hóa thân thành Vọng cổ trên 3/4 thế kỉ, ví như cánh bướm vươn sắc màu rực rỡ bay lượn, tô điểm thêm vẻ đẹp trong vườn hoa âm nhạc Tài tử cải lương.
NSƯT Vũy Chỗ (Theo Tạp chí SK)