Quả thực Lê Chức có một giọng nói trời cho, một giọng nói đích thực của con nhà nòi có cái sâu thẳm của một màu âm trầm đục, có cái da diết của một lời đay nghiến và có cả cái diễu cợt đến chua cay của một lời phán xét có pha lẫn chút phẩm bình. Anh yêu người thì giọng của anh đưa đẩy dường như thấu được đến cả cái ba chìm, bảy nổi của tâm sự người đời. Và khi anh đay nghiến ai thì giọng anh lại dồn nén đến mức ghê người, nghe như ở đâu đó có một mũi khoan đang bất thần nhấn xuống da thịt vậy.
Giới sân khấu ai mà chả biết Lê Chức là một đạo diễn và một nhà biên kịch. Anh vào nghề từ chân dung mộc mạc của một kịch sĩ trong nôi nghệ thuật của gia đình. Cha anh, cụ Lê Đại Thanh, nhà thơ, kịch sĩ cùng thời với Thế Lữ trong Ban kịch Anh Vũ trước cách mạng. Mẹ anh, cụ bà Đinh Ngọc Anh, diễn viên sáng giá một thời trong đoàn kịch “Gió Biển” của Hải Phòng. Chị ruột anh, nghệ sĩ kịch nói Lê Mai và một người anh, họa sĩ Lê đại Chúc. Các cháu Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy… đều là nghệ sĩ… Một nhà với những gương mặt nghệ sĩ được nhiều người biết đến chắc chắn đã ảnh hưởng không ít đến Lê Chức. Chính vì vậy, anh đã bước vào nghề như bước vào ngưỡng cửa của định mệnh vậy.
Một lần, Lê Chức vào vai Hoàng Trọng Vinh trong vở của Lưu Quang Hà mang tựa đề Đêm trắng. Qua lần diễn thử đầu tiên, tôi bật ra một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Lê Chức trong vai Hoàng Trọng Vinh, cùng diễn với các nghệ sĩ Tiến Hợi trong vai Bác Hồ, Tiêu Lang trong vai người xử án và nữ nghệ sĩ Đạm Thủy trong vai người vợ. Lớp diễn ở giây phút cao trào. Đó là lúc Hoàng Trọng Vinh hối hận nhưng đã quá muộn màng. Nỗi đau đớn vò xé trong nội tâm nhân vật đã được Lê Chức diễn tả bằng một động tác ngoại hình khá đạt. Từ gương mặt của một người đang sám hối, anh từ từ cúi xuống và khuỵu một chân bên phải. Thân hình anh đổ nghiêng… Giây phút ấy anh đã bật ra một tiếng nấc. Tiếng nấc ấy là đỉnh cao của một nỗi xót xa, đau đớn và dường như anh đã đưa được người xem cùng chia xẻ với mình.
Đấy là một trong số những lần tôi đã gặp Lê Chức khi anh hóa thân vào vai kịch. Còn ở lĩnh vực đạo diễn, Lê Chức lại có một diện mạo khác. Tốt nghiệp khóa học sáu năm tại một học viện sân khấu ở nước ngoài năm 1987, về nước, thực trang tình hình sân khấu ở nước nhà lúc ấy đã đưa anh đến với dòng sân khấu truyền thống. Điều đó cũng thật là bất chợt và rồi cũng thành ra công việc chính. Lê Chức đã dàn dựng hàng chục vở diễn, trong đó có những vở đã ghi những dấu ấn khó quên, đoạt giải vàng trong các liên hoan sân khấu toàn quốc như Những khoảnh khắc đời người của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát: Bắc cầu ô thước của Nguyễn Thị Minh Ngọc… và gần đây nhất, anh vừa là đồng tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn (cùng với NSND Dương Ngọc Đức) vở diễn mang tựa đề Cây đàn huyền thoại, chuyển thể từ tiểu thuyết Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân. Ở vở diễn này, tôi đặc biệt chú ý đến một lớp diễn mà Lê Chức đã dàn dựng khá công phu. Đó là lớp bà chủ đốt gò.
Về mặt biên kịch, lớp diễn này là sáng tạo của Lê Chức. Bởi vì đọc tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân rồi lại xem vở diễn Cây đàn huyền thoại do anh chuyển thể mới thấy được dấu ấn của một bàn tay trong nghề trong phần phát triển ý văn học, chất lãng mạn và cả chất thơ nữa của nguyên tác. Ở đây, phần sáng tạo của anh là chủ yếu, còn phần mô phỏng chỉ là thứ yếu. Trong kịch, người ta thấy bóng dáng của nhân vật bà chủ đầy đặn hơn được đặt trong một không gian có tầm khái quát hơn. Có lẽ đấy cũng là dụng công của anh khi anh thực hiện công việc chuyển thể này.
Xem lớp diễn, người ta được nghe tiếng hát của một tâm hồn, đôi khi bị nhòe đi, có lúc hơi biến đạng phụ họa với một vài động tác vũ đạo rời rạc, chới với… Ngần ấy thứ cứ hiện dần lên sân khấu và đẩy nhân vật kịch lên đến điểm tột cùng của một cung bậc tình cảm. Đó là nỗi đau quằn quại vò xé tâm trạng con người.
Lớp diễn được dàn dựng theo một phong cách vừa tượng trưng lại vừa khái quát, cái tĩnh xen lẫn với cái động mà mãi về sau người ta mới thấy. Nó vừa chân thực, vừa giản dị và cũng lãng mạn quá. Đấy là những gì mà tôi tìm thấy ở Lê Chức.
Nguyễn Thế Vinh (Theo Nhân dân