Với NSND Xuân Huyền, sân khấu là cuộc đời. Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đó phải là cuộc sống với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Người xem phải thấy được những trăn trở, những bức xúc của thời đại và của mình trong đó. Không bao giờ gọt chân cho vừa giày – đó là một nguyên tắc trong công việc của ông.
Là một trong bộ ba đạo diễn nổi tiếng của sân khấu (Xuân Huyền – Doãn Hoàng Giang – Lê Hùng), NSND Xuân Huyền không có vẻ ngoài “hầm hố”, ăn nói sắc bén như NSND Lê Hùng hay “nghệ một cây” như NSND Doãn Hoàng Giang.
Ông giống một công chức chỉn chu, nền nếp và đồng nghiệp cũng ví ông là “ông đồ” vì tính “gàn” đến cực đoan trong công việc. Nhưng thời gian đã chứng minh, chính tính “gàn” ấy đã làm nên một Xuân Huyền ngày hôm nay, không lẫn với bất kỳ ai.
NSND Xuân Huyền từng đứng ngoài trào lưu dựng hài kịch, từng từ chối nhiều kịch bản chạy theo thị hiếu nhất thời để phụng sự chính kịch. Ông biết điều ấy đã khiến ông thiệt thòi, có giai đoạn ít được các nhà hát chào mời nhưng ông không thể làm khác vì tính ông nó thế.
Với sân khấu kịch nói, phần lớn những vở ông dựng là chính kịch: “Bến bờ xa lắc”, “Lời thề thứ 9”, “ám ảnh xanh”, “Vòng đời”, “Cát bụi”… Trong những vở diễn đó, ông tuân thủ một cách bất di bất dịch nguyên tắc của sân khấu truyền thống là đề cao tính tư tưởng và tư tưởng đó phải được thể hiện trong một phong cách nghệ thuật nghiêm túc, hấp dẫn.
Gần đây, ông cũng làm một số vở bi hài kịch: “Người yêu tôi là hoa hậu”, “Thầy Khóa làng tôi”, “Vợ giỏi dạy chồng ngu”… nhưng chất hài chỉ được ông sử dụng như một phương tiện để góp phần phản ánh hiện thực.
Với NSND Xuân Huyền, sân khấu là cuộc đời. Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đó phải là cuộc sống với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Người xem phải thấy được những trăn trở, những bức xúc của thời đại và của mình trong đó. Không bao giờ gọt chân cho vừa giày – đó là một nguyên tắc trong công việc của ông.
NSND Xuân Huyền chỉ dàn dựng những kịch bản khiến ông “mê” mà thôi. Với ông, nghệ thuật là phải hay, phải hấp dẫn người xem. Ông quan niệm, đạo diễn giỏi đến mấy mà không có những diễn viên đồng cảm với mình thì vở diễn cũng không thể “bật” lên được. Chính vì thế, NSND Xuân Huyền nổi tiếng là người biết thổi lửa, thổi niềm đam mê tới từng diễn viên.
Không chỉ là người biết đặt diễn viên vào đúng vai của mình, ông còn là “phù thủy” giúp diễn viên khám phá, sáng tạo những năng lực chưa biết tới. Dưới bàn tay dìu dắt của ông, NSƯT Trung Hiếu vốn từng “đóng khung” với những vai chính diện đã diễn rất đạt những vai phản diện; NSƯT Thu Hà tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu chứ không chỉ trên màn bạc…
Ngoài dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật thì với NSND Xuân Huyền, giảng dạy là một niềm say mê lớn. Ở đó, ông mang cả những kiến thức mà mình học được cùng những kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn để truyền đạt cho những thế hệ sinh viên. Vì rất tâm huyết với nghề nên ông không khỏi chạnh lòng khi thấy ngày càng có ít sinh viên yêu và cảm nhận được nghệ thuật một cách thực thụ.
Tính vốn thẳng thắn, ông không ít lần khuyên những sinh viên trẻ coi việc học nghệ thuật như một thứ trang sức rằng em đã chọn nhầm nghề rồi, đừng mất thời gian vô ích nữa. Để kiếm nhiều tiền, em hãy chọn nghề khác.
Nhưng, mỗi khi tìm thấy ở đâu đó một tài năng trẻ, ông hạnh phúc vô cùng, thấy mình như thêm một người bạn tri âm, bớt cô đơn trên con đường làm nghệ thuật.
Sinh năm 1942 tại Nghệ An, 17 tuổi, Xuân Huyền “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội theo học khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Sau một thời gian gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống, NSND Xuân Huyền đã có 6 năm tu nghiệp tại Liên Xô.
Từ đó đến nay, Xuân Huyền đã dàn dựng hơn 300 vở diễn với đủ các loại hình sân khấu cho các đoàn trên cả nước. Nhiều năm gắn bó và buồn vui với cánh màn nhung của sân khấu, giờ đây, ông vào độ tuổi đã có thể bình thản để nhìn lại chặng đường lao động nghệ thuật của mình: có những thử nghiệm, tìm tòi, có thành công và cả những thất bại không tránh khỏi.
Điều mà ông thật sự thấy tiếc nuối là mình được trang bị đầy đủ kiến thức, rất mạnh về nhiều thể loại như kịch nói, ca kịch nhưng ông không có nhà hát cho riêng mình như một số đạo diễn khác để “dụng võ”.
Đã qua rồi giai đoạn đỉnh cao, khi mà mỗi năm ông có thể đạo diễn từ 10 đến 12 vở, từng có hội diễn sân khấu toàn quốc, ông dựng tới 4 vở. Giờ đây, mỗi năm, ông chỉ dựng 2 tới 3 vở nhưng vở diễn nào cũng vẫn tạo ra sức hút với công chúng như “Cát bụi”, “Trạng Quỳnh” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Nhà có 3 chị em”, “Tiếng chuông chùa” (Nhà hát Tuổi Trẻ)…
Ở tuổi 65, ngoài tham gia chủ nhiệm một lớp đào tạo đạo diễn sân khấu, NSND Xuân Huyền vẫn đang bận rộn dàn dựng những vở diễn mới như “Kiều” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Nước mắt của cây” (Đoàn kịch nói Quân đội)…
Buổi nói chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi những nhóm sinh viên vào hỏi ý kiến tham khảo. Với từng học trò, ông luôn chỉ bảo cặn kẽ tới từng chi tiết. Những lúc ấy, khuôn mặt ông thật hạnh phúc, bừng sáng, say mê khác với vẻ bình thản thường thấy…
Thảo Duyên (Theo CAND)