Gặp chị trong một ngày HN đỏng đảnh với những cơn mưa, nắng bất thường. Chị đón tôi ở cửa với nụ cười thật hiền và giọng nói nhỏ nhẹ. Khó mà tin đó là chân dung một đạo diễn, người đang theo công việc được coi là “hét ra lửa trên sân khấu”.
Nghề đạo diễn mang lại cho chị cảm giác vinh quanh, thành công khác với công việc diễn viên mà lúc trước chị từng đảm nhiệm. Nhưng đằng sau những tia hào quang óng ả, ít ai biết còn vô vàn khó khăn, vất vả, mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Nghề đạo diễn bản thân nó đã đầy khắc nghiệt…
Có một câu chuyện kể lại như thế này: “Bước vào một căn phòng, người khách nhìn thấy một người đội mũ phớt, phì phèo hút thuốc, và cầm một ly rượu trên tay. Khách hỏi: Ông đạo diễn đấy à? Người trong phòng bảo: Không, bà đạo diễn của chúng tôi đấy”.
Thế mới biết nghề đạo diễn không phải chỉ dành riêng cho đàn ông. Mặc dù đặc thù của công việc này đỏi hỏi phải có sức khỏe, thời gian, sức chịu đựng, chiều sâu tư duy…Đó là những yếu tố mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Đạo diễn đã là nghề khó, người phụ nữ làm đạo diễn thì càng khó hơn gấp nhiều lần.
Với Hoàng Quỳnh Mai, nghề đạo diễn giống như cái duyên. Chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ đảm nhiệm vai trò này. Học văn từ nhỏ, nữ tính, rất mỏng manh, yếu đuối, một câu nói cũng dễ làm chị bị tổn thương và bật khóc. Ngay cả lúc theo học đạo diễn mọi người vẫn nhận xét chị dịu dàng, ai nói gì cũng chỉ cười. Đến khi ra trường chị làm hết cái này đến cái nọ không khác gì người đàn ông thực thụ, bây giờ còn làm cả đạo diễn thì mọi người ai cũng thấy bất ngờ.
Để có những thành công như “Cung phi Điểm bích”, “Bến nước Ngũ Bồ”…ít ai biết chị đã phải trải qua những vất vả, khó khăn như thế nào.
Chị phải hy sinh cả sở thích mặc váy của mình, nhiều lúc đi chân đất, mặc quần đùi “phi” lên sân khấu thị phạm cho diễn viên. Có lúc lại la hét như một người đàn ông, tóc tai dựng đứng. Chị hay nói đùa với chồng và con trai: “trong nhà mình có ba gã đàn ông”.
Nhiều lúc rời sàn tập trở về mệt đến nỗi chị nằm vật ra không ăn, không uống được. Hậu quả là sút đến 4, 5 kg, mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn. Còn khi đảm nhiệm vở mới chị lại rơi vào cảnh bị ám ảnh, nhiều khi cả đêm không ngủ để viết và tìm ý tưởng mới cho tác phẩm.
Cứ thế, từ lâu Quỳnh Mai đã quen với việc gánh trách nhiệm đều trên cả hai vai: Trách nhiệm của một người làm quản lí, của đạo diễn và trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ, làm dâu con trong gia đình. Nhiều lúc chị cũng cảm thấy áy náy vì không có thời gian chăm sóc phụ mẫu đôi bên.
… Ý chí mạnh mẽ của người xứ Nghệ
Dư luận vốn quen với hình ảnh đàn ông làm đạo diễn, đến giờ việc xuất hiện những nữ đạo diễn vẫn tạo cho mọi người cảm giác chưa quen, nhưng cùng với đó thì sự ngưỡng mộ cũng tăng lên nhiều hơn. Giả thiết, nếu mức ngưỡng mộ mà công chúng dành cho đạo diễn nam là 7 phần thì có lẽ với nữ đạo diễn sẽ là 9, 10.
Đến lúc “đứa con tinh thần” được công diễn, Quỳnh Mai mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng trước mỗi giờ diễn vẫn không quên nhắc nhở diễn viên “giữ lửa” mỗi khi lên sân khấu.
Hoàng Quỳnh Mai tự nhận thấy khuyết điểm cũng đồng thời là ưu điểm của mình: Sức khỏe không bằng đàn ông, nhưng những lúc lao vào việc thì ý chí bên trong của chị rất mạnh mẽ, vượt lên tất cả.
Nhiều khi chị cũng tự hỏi: Phải chăng mảnh đất nào, vùng trời nào thì con người ấy? Con người xứ Nghệ vì quá chật vật để mưu sinh nơi vùng đất cằn, nên luôn tiềm ẩn nội lực mạnh mẽ, và ý chí tuyệt vời đến vậy.
Hiện tại, Hoàng Quỳnh Mai đang gấp rút hoàn thiện vở cải lương “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long. Chọn hình tượng người anh hùng Lí Thường Kiệt – người trai Thăng Long, cả đời hi sinh vì quốc gia, Quỳnh Mai khá tin tưởng vào cách chọn chủ đề đúng đắn và hiệu quả lần này.
Ngọc Yến (Nguồn : mtv.vn)