Ngày 25-12, tại Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM đã diễn ra cuộc tọa đàm về vở diễn của các đạo diễn trẻ tham gia cuộc thi “Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007”. Từ cuộc tọa đàm này, có gợi mở được điều gì cho sân khấu Việt Nam?
Đạo diễn nói gì?
Khi đến với cuộc tọa đàm dành cho các đạo diễn trẻ, không chỉ cánh báo chí trông chờ những ý kiến mới mẻ của đạo diễn trẻ, mà ngay cả các nghệ sĩ thế hệ đi trước cũng đợi mong.
Cả ngày diễn ra tọa đàm, chỉ có buổi chiều là có mặt gần đủ 19 đạo diễn trẻ tham dự, nhưng đã có những ý kiến bộc lộ các nỗi niềm rất đáng để các ngành, các cấp phải nhìn lại và quan tâm hơn nữa đến lớp đạo diễn trẻ hôm nay.
Đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên – Nhà hát Cải lương Trung ương tâm sự: “Khi có vở diễn tham gia cuộc thi, được nhiều người khen, tôi rất mừng, nhưng nói thật, hiện nay chúng tôi không hề có được một rạp hát cố định để biểu diễn. Ngay cả chúng tôi là nghệ sĩ mà còn không biết các suất hát kế tiếp mình biểu diễn ở đâu thì làm sao khán giả có thể biết được nhà hát diễn ở đâu mà đón xem. Hiện nay, khi nào ký được hợp đồng biểu diễn với đơn vị nào đó thì mới biết được sẽ diễn ở đâu. Giá như chúng tôi có được một rạp hát cố định…”.
Nhiều đạo diễn mang đến buổi tọa đàm những câu chuyện rất cảm động về niềm say mê nghệ thuật của mình. Chẳng hạn như đạo diễn trẻ Hữu Luận – Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, một người rất có nghị lực trong cuộc sống. Cách đây một năm, Hữu Luận bị tai nạn giao thông, bị chấn thương khá nặng, cứ tưởng anh sẽ mãi mãi không thể hoàn thành khóa học đạo diễn.
Nhưng rồi với nghị lực, niềm say mê sân khấu, Hữu Luận đã trở lại giảng đường, tiếp tục đeo đuổi ước mơ đạo diễn của mình. Hay Nguyên Đạt – một thầy giáo giảng dạy bộ môn nghệ thuật cải lương ở Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM với mong muốn biết được năng lực của mình đến đâu đã không ngần ngại bắt tay vào chuyển thể kịch bản Người cáo của tác giả Lê Duy Hạnh và đầu tư cả trăm triệu đồng để dàn dựng, dự thi… Tại cuộc tọa đàm, các đạo diễn trẻ cũng ước mong, cuộc thi này sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm/lần để các đạo diễn trẻ có thể biết trước và chủ động chuẩn bị vở diễn tham dự “chỉn chu” hơn!
GS-TS-NSND Đình Quang, một đạo diễn gạo cội phát biểu: “Cuộc thi lần này mới chỉ thấy các đạo diễn trẻ thi với nhau, chưa thấy các tác giả trẻ tranh tài. Tôi nghĩ một vở diễn hay, trước hết phải có một kịch bản văn học hay, đạo diễn chỉ là người sáng tạo thứ hai. Chính vì thế, tôi hy vọng, cuộc thi lần sau, sẽ có những thay đổi…”.
Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương, người có “thâm niên” trên 40 năm gắn bó với sân khấu Việt Nam lưu ý: “Trong số 18 vở diễn của các đạo diễn trẻ, rất ít vở có viết nhạc, còn lại phần lớn là “cóp nhặt” từ nhiều nguồn. Điều này, cần sớm hạn chế và khắc phục, nếu không chúng ta đã vi phạm vấn đề bản quyền, bởi Việt Nam đã gia nhập WTO, tham gia Công ước Bern về vấn đề bản quyền… Chính vì thế, khi dàn dựng, các đạo diễn trẻ cần quan tâm hơn đến phần âm nhạc của vở diễn!”.
Phải “vươn mình” ra thế giới!
Theo NSND Lê Tiến Thọ – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch: “Hiện nay cả nước có hơn 100 đơn vị nghệ thuật, trong đó có trên 60 đơn vị nghệ thuật hoạt động về sân khấu và 2 trường đào tạo chuyên ngành sân khấu, thế nhưng cuộc thi chỉ có 19 đạo diễn trẻ dự thi 18 vở diễn, hãy còn quá ít. Chúng ta có nhiều đạo diễn trẻ, nhưng lâu nay do cơ chế nên khi đi thi hay hội diễn, các đơn vị không dám “chọn mặt gởi vàng” cho các đạo diễn trẻ để chắc chắn lấy huy chương. Chính vì thế mà lâu nay, các đạo diễn trẻ không có sân chơi. Trong thời gian tới, chúng ta phải làm sao để sân khấu của mình “vươn mình” ra thế giới, đi một ngày đàng học một sàng khôn! Bên cạnh đó, chúng ta phải tham gia các cuộc thi, festival sân khấu quốc tế để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè các nước…”.
Có một thực tế mà không ít nhà quản lý lo lắng, đó là trình độ ngoại ngữ của nhiều nghệ sĩ còn rất hạn chế. Về điều này, NSND Lê Ngọc Cường – Cục trưởng Cục nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ với các đạo diễn trẻ: “Tôi nghĩ nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ đi du học. Nhưng vốn ngoại ngữ của các nghệ sĩ hiện nay chưa cao. Chẳng lẽ, trước khi cử một nghệ sĩ nào đó đi du học, nhà nước phải đầu tư lo cho việc học ngoại ngữ… ba năm?”. Những đạo diễn trẻ hôm nay – những người chủ của sân khấu tương lai sẽ suy nghĩ thế nào về điều này?
Vân An (Theo sggp.org.vn)
Lý Khắc Lynh và Hoàng Quỳnh Mai đoạt giải A
Sau 11 ngày diễn ra, cuộc thi “Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007” do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức đã bế mạc vào tối 25-12 tại rạp hát Hưng Đạo, TPHCM.
Kết quả, 11 giải thưởng được trao cho các đạo diễn trẻ. Trong đó, hai giải A (trị giá 15 triệu đồng/giải) được trao cho hai đạo diễn trẻ: Lý Khắc Lynh (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần) với vở 270 gram, Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát cải lương Trung ương) – Cung phi Điểm Bích; ba giải B (12 triệu đồng/giải): Trần Hoàng Mai (Đoàn chèo Hải Phòng) – Trầu cau, Triệu Trung Kiên (Nhà hát cải lương Trung ương) – Dấu ấn giao thời, Hoàng Thúy (Nhà hát Thế giới trẻ – Trường Cao đẳng sân khấu – Điện ảnh TPHCM) – Cái lò gạch cũ.
Ngoài ra, còn 4 giải C (10 triệu đồng/giải) và 2 giải: vở diễn đạt hiệu quả cao với công chúng, vở diễn có hiệu quả tốt về đề tài thiếu nhi (8 triệu đồng/giải) dành cho các đạo diễn khác.
Đ.Ha