Trong các kì liên hoan, hội diễn, hay trong những buổi hội thảo, toạ đàm về nghệ thuật, tất cả các nhà nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật ai cũng lên tiếng kêu ca rừng bây giờ sân khấu cải lương thiếu kịch bản hay, nên các đạo diễn không thể làm ra những vở diễn hay, đầy tính nghệ thuật được. Bởi theo họ, kịch bản là khâu quan trọng nhất để tạo nên một vở diễn hay. Thậm chí, có người ví von kịch bản chính là nền móng, là cột, là kèo để xây dựng ngôi nhà. Nền móng, cột, kèo có vững chắc thì ngôi nhà mới chắc. Thế nhưng, cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một lớp đào tạo chuyên nghiệp cho tác giả viết về cải lương.
Cải lương ngày càng thưa vắng người viết kịch bản
Vài thập kỉ trước, trong thời hoàng kim, sân khấu cải lương là loại hình “độc tôn” trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng, chỉ có thể đi du nhập sang nơi khác, chứ không thể để loại hình nào cạnh tranh nó. Lúc đó, đội ngũ viết kịch bản vô cùng đông đảo như : Nguyễn Thành Châu, Viên Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An, Nhị Kiều, Ngọc Linh, Quy Sắc, Hoàng Khâm, Thế Châu, Kiên Giang, Thể Hà Văn… Sau giải phóng, họ vẫn là những cây bút chủ lực cùng một số tác giả trẻ trưởng thành trong kháng chiến như : Trần Hữu Trang, Thanh Huyền, Lê Duy Hạnh, Minh Khoa, Trương Quốc Khánh, Huy Trường, Dương Linh, Hùng Tấn, Phi Hùng, Trường Huyền, Trọng Nguyễn… cung cấp nhiều kịch bản hay cho sân khấu cải lương. Thế nhưng, trong những năm gần đây, đội ngũ tác giả này ngày càng viết ít đi. Nhiều người không còn viết nữa… Trong khi đó, đội ngũ tác giả trẻ kế thừa viết kịch bản cải lương không có là bao, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tác giả được gọi là trẻ trong giai đoạn hiện nay như : Đức Hiền, Lam Tuyền, Thanh Kim Huệ, Hoàng Song Việt, Đăng Minh…đều bước qua ngưỡng 40 tuổi. Ngoài ra, trên SKCL tuồng cổ cũng xuất hiện một số tên tuổi nghệ sĩ – tác giả như : Đức Phú, Thanh Tòng, Bửu Truyện, Bạch Mai, Song Châu… Nếu tính đến nhữg cây viết ở tuổi 30, thì gần như không có ai cầm bút viết về cải lương. Đây sẽ là một khó khăn lớn cho sân khấu cải lương trong tương lai.
Theo đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu, nguyên nhân dẫn đến các tình trạng các tác gỉa ngày càng ít viết về cải lương là do tình hình hoạt động cải lương trong những năm gần đây gặp khó khăn. Các đoàn hát không có nhiều, tuồng tích viết ra ít sử dụng và tiền nhuận bút cho tác phẩm hiện nay không cao, cuộc sông của tác giả không đảm bảo nên các tác giả không còn hứng thú để sáng tác. Đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân nào khác ? Ai cũng biết, hầu hết các tác giả viết kịch bản cải lương hiện nay đa phần dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, theo kiểu nghề dạy nghề, hoặc là dạng cha truyền con nối, chứ không ai được đào tạo một cách bài bản và có khoa học. Chính vì thế, các kịch bản của những tác giả trẻ chất lượng nghệ thuật không đồng đều. Có kịch bản viết hay, cũng có kịch bản viết không hay lắm. Một số tác giả không nắm bắt kịp thị hiếu của khán giả nên cho ra đời những tác phẩm không hấp dẫn người xem. Giống như kiểu, người mua cần sản phẩm này mà nhà cung cấp lại đi làm sản phẩm khác. Đây là cái vòng luẩn quẩn mà cải lương đang gặp phải. Điều này đã được minh chứng qua Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005. Tuy số lượng vở diễn tham dự nhiều, nhưng ít kịch bản hay, phản ánh đúng hơi thở của thời đại.
Đào tạo tác giả viết cải lương, đợi đến bao giờ?
Kịch bản – khâu quan trọng để tạo nên một tác phẩm hay. Thế nhưng, trong những năm qua, khâu quan trọng này lại không được quan tâm một cách đúng mức. Hiện nay, cải lương chỉ khai thác cái sẵn có, tức là sử dụng những tác giả đang trong giai đoạn viết được, chứ không chịu đầu tư đào tạo đội ngũ tác giả kế thừa. Cải lương sẽ ra sao, khi mà đội ngũ tác giả thuộc hãng 40 –50 t trưởng thành nhờ kinh nghiệm rồi đây cũng không cầm bút viết nữa ? Tuy nhiên, đặt vấn đề ai ở đâu đào tạo và đào tạo ai cũng là một câu hỏi lớn. Trao đổi với PV Báo Sân khấu, NGƯT Hà Quang Văn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng SK &ĐA cũng bức xúc về vấn đề này. Ông chho biết, hiện nay, Bộ chưa có một giáo trình khoa học nào để đào tạo đội ngũ tác giả trẻ. Đây là một khó khăn cho ngành sân khấu nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng. Theo NGƯT Hà Quang Văn, để giải quyết tình trạng khan hiếm tác giả như hiện nay, trường đã mời một số tác giả bên ngoài vào dạy môn Biên kịch cho các em sinh viên khoa Đạo diễn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, trường sẽ xây dựng giáo trình đào tạo tác giả và sẽ xin Bộ mở lớp đào tạo tác giả chuyên nghiệp.
Rõ ràng, với xu thế phát triển của xã hội và các ngành nghệ thuật như hiện nay, chúng ta không nên ỷ lại vào kiểu tạo nguồn tác giả trong thực tế mà cần phải có một phương thức đào tạo những cây viết chuyên nghiệp mang tính khhoa học và có bài bản. Vừa giúp cho tác giả có những kiến thức căn bản về kĩ thuật và lí lụân biên kịch, vừa giúp cho các tác giả có thể nắm bắt được thị hiếu của khán giả để tạo ra những kịch bản phù hợp với xu thế của xã hội, là một điều mong lắm thay !!!
Võ Tuấn Thiện (Theo Tuần báo SK TP HCM)