Trong Cải lương, để đệm cho bài hát, người nhạc công phải biết nâng và đỡ cho giọng ca của diễn viên và theo sát nhịp hát của người ca trên sân khấu. Cây đàn ghi ta phím lõm bao giờ cũng được coi là cây đàn bao dàn của dàn nhạc, nó có một vị trí quan trọng đặc trưng cho nhạc cải lương. Đây là một loại nhạc cụ có dây nhiều, cung bậc nhiều, chức năng nhiều. Điều đặc biệt ở ghita phím lõm trong âm nhạc cải lương là có nét, vừa hay, vừa lạ… Lạ là ở cách nhấn, cách luyến, đòi hỏi người nghệ sĩ sử dụng phải ấn, rồi kéo dằn dây xuống thì âm thanh sẽ được luyến có thể thay cho mấy nốt. Sử dụng cây đàn ghita phím lõm lấy nhạc ngũ cung : hò, xừ, xang, xê, cống thay đồ, rê, mi… là một sáng tạo độc đáo của Việt Nam.
Tại Hội thi Tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc năm 1992 tổ chức tại Hà Nội, nghệ sĩ Hoàng Đạt (Nhà hát Cải lương Trung ương) đã đạt giải Nhất với cây đàn ghita phím lõm, được tặng danh hiệu: Đệ nhất danh cầm. Khi cây đàn của Hoàng Đạt cất tiếng, cả một khoảng không gian mênh mông chỉ còn đầy ắp tiếng đàn thánh thót, ngườì nghe lặng hẳn đi… Công lao khổ luyện cũng như lòng yêu nghề của Đạt đã được đền bù.
Ngày mới vào học ở trường Nghệ thuật Sân khấu, Hoàng Đạt theo học đàn nguyệt. Anh học các thầy Tư Dậu (Sài Gòn), Ba Du, Tám Danh… Đến năm thứ hai, anh học thêm nhạc cụ nữa là ghita và được thầy Kim Sinh hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp. Hoàng Đạt theo học khoảng 10 buổi, chủ yếu là thu băng đĩa và học gián tiếp là chính. Đạt học say sưa, cần mẫn với một lòng yêu nghề và say mê nghệ thuật. Tiếng đàn của anh đã giúp cho giọng hát của các nghệ sĩ trên sân khấu chuẩn mực, mượt mà. Những đêm diễn có tiếng đàn Hoàng Đạt, người diễn viên đều cảm thấy tự tin hơn khi bước lên sân khấu. Những lúc ấy anh không chỉ đệm cho người diễn viên hát mà như còn cùng diễn với họ. Anh đã đệm đàn cho hầu hết các vở diễn của Nhà hát Cải lương Trung ương, phối phần cổ nhạc cho nhiều vở diễn như: Khi thành phố lên đèn, Tàn héo những ước mơ, Trả giá cuộc đời, Mùa tôm, Cây đàn huyền thoại – vở đạt giải thưởng loại A của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… và gần đây nhất là vở Vằng vặc ánh sao Khuê – giải thưởng sân khấu năm 2001… Hoàng Đạt quan niệm rằng ngườì chơi nhạc cũng phải có trách nhiệm như một người sáng tác. Anh đã tham gia soạn nhạc cho một số vở: Ca khúc sông Đà, Tình yêu trên biểu, Về thăm An Tiêm…Hầu hết các chương trình, ca nhạc cải lương của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và Hà Nội… đều sử dụng tiếng đàn ghita phím lõm của Hoàng Đạt. Các nghệ sĩ cải lương gạo cội ở miền Nam như Bạch Tuyết, Minh Cảnh… có dịp được ca với tiếng đàn Hoàng Đạt đều không dấu được sự khâm phục. Năm 1994, anh cùng nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền tham gia Liên hoan nghệ thuật Thế giới tổ chức tại Thụy Điển. Đoàn biểu diễn bốn buổi tại Xtôckhôm (Thụy Điển), Ôxlô (Na Uy), Hensiki (Phần Lan) và một buổi dành cho cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển… Công chúng khán giả nước bạn cũng ngạc nhiên về tài năng của Hoàng Đạt với chiếc đàn ghita phím lõng. Teiéng đàn Hoàng Đạt đã khiến cho các nghệ sĩ châu Phi cùng tham dự Liên hoan thích thú. Không ít người xem và nghe sửng sốt vì tài năng của người nghệ sĩ tài ba ấy. Cho đến nay không một đoàn nghệ thuật Cải lương nào trong cả nước lại không biết đến Nhạc công Hoàng Đạt – người nghệ sĩ yêu nghề và tài hoa.
Người nghệ sĩ ấy hàng ngày vẫn miệt mài và không bao giờ bằng lòng với chính mình. Nhưng với vai trò người thầy, Hoàng Đạt luôn đòi hỏi học sinh sự tự giác. Anh chỉ bảo cho học trò một cách tận tụy, nhưng cũng rất nghiêm khắc, không bảo học trò theo mình mà đòi hỏi phải có sự sáng tạo.
Nghe nhạc, thấy người – Vâng, có ai đã nói như vậy… Một lần được nghe tiếng nhạc của nhạc công – Đệ nhất danh cầm – Hoàng Đạt, bạn sẽ thấy tiếng đàn cũng có hồn, không phải chỉ đúng theo bài, theo bản… mà ở đó có tình người nghệ sĩ.
Thu Trang (Theo SKDA)