Nhắc đến Cải lương Hoa Mai là người ta nhắc đến tên tuổi những nghệ sĩ tài danh : NSND Mạnh Tưởng, NSƯT Tuyết Sơn, Huỳnh Kim, Thanh Lâm, NS Trần Hồ, Lê Vân, Thùy Châu, Phi Yến… Đối với họ, Cải lương Hoa Mai như một gia đình lớn. Nửa thế kỉ đã qua, những ký ức ngọt ngào, những vất vả đắng cay vì nghệ thuật vẫn hiển hiện nguyên vẹn trong tâm tưởng họ…
Tên mới, người cũ
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương cải tạo các đoàn cải lương tư nhân theo hướng hoạt động nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Các văn nghệ sĩ đến từ Đoàn Cải lương Trung ương, Ban hát tư nhân Kim Sơn và một nhóm nghệ sĩ diễn tự do đã cùng hội ngộ để xây dựng lên cơ nghiệp mới. Cái tên “Hoa Mai” đã được GS Vũ Khiêu yêu mến mà đặt tên, với mong muốn các nghệ sĩ sẽ đem hết tâm huyết của mình hiến dâng cho công chúng và nghệ thuật, biểu thị như loài hoa cao quý, tinh khiết này.
Từ khi thành lập (1975), Cải lương Hoa Mai gặp phải không ít khó khăn : các Đoàn có sự khác nhau về cung cách sinh hoạt, tuổi tác, trình độ chuyên môn nghệ thuật. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với các nghệ sĩ diễn viên là phải từ bỏ lối diễn cương, tự do cá nhân, ngôn ngữ sáo mòn chuyển sang diễn có nội tâm nhân vật, tính kịch mang nội dung hiện thực cuộc sống mới… Bù lại ở họ có một điểm chung là nhiệt thành, đam mê nghệ thuật. Ở thời điểm này, phương châm hoạt động của Đoàn là tự cấp, tự túc từ âm thanh, phục trang, phông cảnh… đều do các thành viên đóng góp. Các thành viên vẫn không ngừng trau dồi bản thân, người thì tìm cho mình thế mạnh trong từng vai diễn, người trăn trở suy ngẫm cho lời thoại làm sao phải thật lôgíc, động tác diễn sao cho hấp dẫn khán giả. Định hướng của Đoàn là dựng vở nào cũng phải hướng tìm một phong cách nghệ thuật cách tân sân khấu và nghệ thuật ca diễn nhằm khẳng định Cải lương Hoa Mai.
Năm 1958, Đoàn bắt đầu khởi dựng vở Kiềuhồi 2 (Hoạn Thư ghen) do Kính Dân sáng tác, đạo diễn Ngọc Như, âm nhạc Nhạc Tấn, tham dự Liên hoan nghệ thuật Quân khu III. Cái khó nhất của vở này là người diễn viên phải diễn như thế nào để nàng Kiều trong vở cổ ra được nàng Kiều cải lương XHCN. Cuộc thử nghiệm đã lên sàn, Tuyết Sơn, Kim Oanh vai nàng Kiều, Thanh Lâm vai Thúc ông, Thùy Dương vai Hoạn Thư, Huỳnh Kim vai Thúc Sinh… đã đi sâu thể hiện lối diễn nội tâm nhân vật, diễn theo lối kịch bản văn học mới. Vở diễn được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, các diễn viên đã được công chúng biết đến.
Một thời vàng son
Năm 1965, Đoàn dựng vở Ném xác máy bay,kể về chiến công của quân và dân ta ra quân trận đầu đã bắn rơi máy bay Mĩ. Thật vui khi vở diễn được các chiến sĩ ngoaqì chiến trường, trên trận địa, ruộng đồng, nhà máy xí nghiệp nồng nhiệt đón nhận, vì họ như được thấy chính mình được nghệ thuật phản ánh. Phải nói rằng, gần chục năm trời Cải lương Hoa Mai ở tình trạng nửa tư nhân, nửa Nhà nước, người ta gọi là “dân doanh công trợ”, nhưng nhờ thành công của vở diễn mà Cải lương Hoa Mai từ đây mới thực sự được công nhận là một đoàn nghệ thuật Nhà nước, do Nhà nước đài thọ kinh phí.
Vào những năm 1967-1968, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn không quản ngại khó khăn đã xông pha biểu diễn ngay trên trận địa pháo, trên tuyến lửa dù đạn bom khốc liệt. Cải lương Hoa Mai dựng nhiều vở diễn theo hai hướng đề tài : những vở cổ và những vở về đề tài cách mạng, cuộc sống lao động sản xuất. Nhiều vở diễn như :Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Thanh gươm cô đô đốc, Lam Sơn tụ nghĩa đã được đi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng đại ở Trung ương. Năm 1970, Đoàn tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền Bắc vở Dấu chân người trước, kịch bản Thùy Linh, Hoàng Yến, Thanh Tuyền, đạo diễn Chi Lăng. Sự thành công của vở diễn là kịch bản có cốt truyện hay, văn phong cải lương giàu hình ảnh, khẳng định bước phát triển vượt bậc về ca diễn và là đỉnh cao về đề tài cuộc sống mới. Đoàn mang về 3 HCV cho các nghệ sĩ Mạnh Tưởng, Tuyết Sơn, Kim Oanh và 4 HCB cho Thanh Lâm, Lê Vân, Hồng Quang, Trần Hùng. Sau Dấu chân người trước, vở Ngô Quyền (còn có tên là Tiếng gọi non sông) viết về người anh hùng dân tộc ở xứ Đoài (Sơn Tây) cũng là một thành công vô giá trong thời chiến. Vở được mời biểu diễn nhân dịp khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi mang vở về các địa phương trong tỉnh biểu diễn. Đoàn nhận được nhiều lá thư của thanh niên gửi về báo tin đã tình nguyện nhập ngũ, có chiến sĩ kể chuyện đánh trận ở chiến trường được ngợi khen. Điều đó chứng tỏ vở diễn có tác dụng tuyên truyền động viên nhân dân sâu sắc. Đặc biệt vở Thanh gươm cô đô đốc, kịch bản Thùy Linh, Hoàng Yến, đề cao truyền thống anh hùng dân tộc từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Bùi Thị Xuân và hôm nay có biết bao người nữ anh hùng đã ngã xuống trên mặt trận chống giặc ngoại xâm. Vở diễn được Bộ Văn hóa – Thông tin chọn làm vở cải lương tiêu biểu, đưa cho Đoàn Cải lương Nam Bộ dàn dựng để sang Pari biểu diễn. Thanh thế của Hoa Mai càng được khẳng định khi nghệ sĩ Mạnh Tưởng – nay là NSND được mời tham diễn…
Giữ gìn “thương hiệu”
Giai đoạn sau năm 1986, Cải lương Hoa Mai cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn tồn tại được, Đoàn thực hiện tinh giản biên chế từ 100% diễn viên, hành chính, nhân viên xuống còn 50%. Ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương khoảng 50-60 buổi, biểu diễn phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa 150 buổi mỗi năm, Đoàn phải “ngoại giao” tốt để tạo nhiều doanh thu theo hợp đồng. Đoàn thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong tỉnh, Đài PTTH Hà Tây tổ chức các chương trình cải lương phục vụ khán giả. Đoàn dựng vở mới Tình yêu và tội phạm do Mạnh Tưởng đạo diễn để đi lưu diễn. Thật bất ngờ khi vở đạt doanh thu cao. Ấn tượng nhất là đợt biểu diễn ở Hải Phòng, các rạp : Tháng Tám, Sông Cấm, Nhà hát Nhân dân thiếu ghế ngồi cho khán giả đến xem. Đoàn diễn liên tục 31 ngày đêm, tổng số 83 buổi diễn, đây là con số kỉ lục của Đoàn.
Năm 1990, Hoa Mai dựng vở Ông Thánh sinh đôi tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn đã huy động 4 thế hệ diễn viên cùng tham gia. Lớp già ca diễn chắc, sâu sắc, lớp trẻ tươi mới, hồn nhiên. Sự nhiệt thành đó đã đem về 5 HCV cho các diễn viên : Kim Oanh, Mạnh Tưởng, Minh Đức, Lê Tuán, Đoàn Tý, ngoài ra còn 3 HCB. Năm 1994, Đoàn có 6 nghệ sĩ, diễn viên tham gia Hội thi Tiếng hát hay toàn quốc tại TP Vinh (Nghệ An) thì giành 5 HCV cho Trà My, Thu Hoài, Lê Tuấn, Đình Tư, Trần Hà và 1 HCB cho Thu Thủy. Đến năm 1999, khi Đoàn dựng vở Phùng Khắc Khoan, kịch bản, đạo diễn NSND mạnh Tưởng – Trần Đình Ngôn, một dàn diễn viên chuyên nghiệp, với lối diễn đĩnh đạc từ vai chính cho đến vai phụ xuất hiện trên sân khấu đã cuốn hút người xem. Trần hà trong vai Phùng Khắc Khoan vừa uy nghi, mực thước, vừa có cái dũng của kẻ sĩ, có cái mềm mỏng nhân hậu của kẻ biết yêu những người xung quanh. Đây là một vở diễn hiếm hoi có đủ các chức năng thẩm mĩ, giáo dục và giải trí, đã đoạt HCB tại HDSKCLTQ tại TP HCM năm 2000.
Năm 2004, Đoàn đã thực hiện chương trình bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đoàn bắt đầu phục dựng những vở cải lương cổ với đề tài lịch sử dân gian nhằm bảo tồn giá trị vở diễn. Năm 2005, Đoàn dựng vở Tống Trân – Cúc Hoa, Vì nghĩa quên minh.Năm 2006, Đoàn dựng trích đoạn Hồi xuân dược, Kiều Nguyệt Nga, Mỵ Châu – Trọng Thủy… Sự đầu tư công phu về sân khấu, trang phục, âm thanh, ánh sáng trong mỗi vở diễn cũng là một minh chứng cho sự thành công, để lại tiếng vang. Vui hơn nữa là chương trình bảo tồn đã thu hút, tìm lại được nhiều khán giả còn “nặng lòng với Cải lương Hoa Mai.
50 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua biết bao thăng trầm, các thế hệ diễn viên đã làm nên lịch sử cho Đoàn Cải lương Hoa Mai bằng những vở diễn có giá trị nội dung đời sống chính trị xã hội và có giá trị nghệ thuật. Cải lương Hoa Mai từng bước đưa nghệ thuật lên tầm cao mới từ Đoàn Cải lương tư nhân, nghệ thuật non yếu thành đoàn nghệ thuật Nhà nước mang thương hiệu riêng, được coi là Đoàn nghệ thuật mạnh trong toàn quốc.
Hương Giang (Theo Tạp chí Sân khấu 6/2007)