Ông kép Hoán và ông Phạm Trung Khuyến là hai người khai sinh ra đội cải lương Hải Lạng. Ông Hoán đàn giỏi, hát hay, đã một thời ông sống ở Khâm Thiên (Hà Nội) là thầy đàn cho các cô hát ả đào để kiếm sống. Rồi giặc Pháp trở lại xâm chiếm Hà Nội, ông Hoán bỏ Hà Nội về quê sinh nhai.
Về đây ông gặp được ông Phạm Trung Khuyến là người rất sành về đàn cò. Hai người hợp nhau lại truyền dạy cho bà con ở Hải Lạng khi thì câu hát chèo, khi thì câu hát cải lương. Những câu hát cải lương mới mẻ, mùi mẫn từ tỉnh thành kép Hoán đưa về dạy, được bà con Hải Lạng háo hức đón nghe, đón học. Những câu hát địch vận ngả theo điệu cải lương được bà con học truyền tụng thành những câu mang ý thức tuyên truyền rất hiệu quả:
“Anh ơi!
Từ ngày anh theo Tây, mặc áo Tây làm lính Bảo Hoàng
Vợ con anh bỏ nheo hóc, cửa nhà tan nát, xóm làng xác xơ.”
Rồi từ học câu hát, những làn điệu cải lương, Hải Lạng đã hình thành được một đội văn nghệ không chuyên từ những bài hát lẻ, họ dần tiến tới tập theo vở diễn. Diễn viên là các thợ may, thợ cắt tóc, buôn bán ở chợ, làm ruộng v.v…Ban ngày họ làm nghề kiếm sống, tối về tụ họp nhau lại tập vở. Kinh phí tự đóng góp để may quần áo, phông màn, đạo cụ v.v… Mỗi buổi diễn, những khán giả yêu mến đội, họ hỗ trợ tiền, vải, dầu thắp sáng để diễn v.v…
Đội Cải lương Hải Lạng là đội nghiệp dư mạnh nhất trong tỉnh về loại hình cải lương. Đội ngũ diễn viên có tài để dựng những vở dài để diễn trọn một đêm. Đội đã từng diễn những vở: Tần Hương Liên, Võ Tòng sát tẩu, Nhị độ mai, Nữ tú tài, Phạm Tải- Ngọc Hoa, Mảnh gương nhân sự, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Mười lăm năm li hận, Bà mẹ bên sông Hồng, Lửa phi trường, Trở về, Chiếc diều đứt dây vv…
Đã một thời Đội Cải lương Hải Lạng được đổi tên là Đội Cải lương Thống Nhất, được huyện Nghĩa Hưng trưng tập thành đội văn công của huyện đi biểu diễn tại các xã phục vụ bà con trong huyện.
Những diễn viên của đội, không được còn nguyên vẹn, có người đã mất, có người rời làng đi làm ăn nơi xa. Nếu người thầy đầu tiên của đội là cụ kép Hoán mà còn sống, nay đã 105 tuổi. Quá trình hoạt động của đội cải lương Hải Lạng có lúc mạnh, lúc thưa nhưng liên tục, cho đến năm 1985 thì đội giải tán, có lẽ vì các đào, kép đã bước vào tuổi già, mà lớp trẻ còn mải chạy theo cơ chế thị trường để sinh nhai, nên không có điều kiện nối nghiệp ông, bà, bố mẹ!
Bây giờ nhắc đến Đội Cải lương Hải Lạng chỉ là nhắc lại những kỷ niệm của một thời của loại hình sân khấu cải lương nghiệp dư ở tỉnh Nam Định .
Nguồn : namdinh.vn