Dông tố là cơn bão táp cuồng phong giáng vào những kiếp chủ – tớ trong một đại gia đình vốn là nền tảng tưởng như vững chắc muôn đời của xã hội Trung Quốc thu nhỏ lúc bấy giờ.
Tác giả văn học : Tào Ngu
Dịch giả : Đặng Thai Mai
Tác giả cải lương : Hồng Căn
Đạo diễn : Lê Chức
Trang trí : Hà Quang Sơn
Âm nhạc : Vinh Dụ
Diễn viên : Quang Trung, Minh Nguyệt, Hồng Hạnh, Cao Minh, Hồng Điệp, Ngọc Bảo, Mạnh Tuấn …
Đơn vị biểu diễn : Nhà hát Cải lương Trung ương (1989)
Nội dung : Vở diễn kể về Chu Phác Viên khi còn trẻ đã yêu và lấy một người ở tên là Thị Bình, được hai người con trai. Sau đó, ông phụ tình, khiến bà phải bế con nhỏ gieo mình xuống sông tự vẫn. Nhưng, mẹ con bà được một người tên là Lỗ Quý cứu vớt và lấy làm vợ. Ba mươi năm sau, Chu Phác Viên đã có vợ khác là Phồn Y. Phồn Y tằng tịu với Chu Bình – con trai cả của Chu Phác Viên và Thị Bình. Còn Thị Bình, sau khi lấy Lỗ Quý, đã sinh được một người con gái tên là Phượng. Hải – con trai thứ hai của Thị Bình và Chu Phác Viên đi làm thợ mỏ cho chính cha mình, bị cha mình đối xử thậm tệ, phải vùng lên đình công ; còn Phượng đi ở cho chính gia đình Chu Phác Viên và rồi yêu Chu Bình – anh trai của mình mà không biết. Sự việc vỡ lỡ ra khi Thị Bình đến thăm con và nhận ra người chồng cũ. Bà buộc Phượng phải rời nhà họ Chu và chia tay với Chu Bình. Nhưng Phượng đã có thai. Vào đêm giông tố, Phồn Y, vì cơn ghen, đã nói toạc sự thật về bà Thị Bình cho mọi người biết. Trong nỗi kinh hoàng bi kịch loạn luân, Phượng đã chạy ra ngoài trời, đâm vào cột điện chết. Chu Xung – con của Phồn Y, chạy ra, kéo Phượng lại, cũng bị điện giật chết theo. Chu Bình lấy súng tự sát. Phồn Y lên cơn điên loạn. Đại Hải gào lên đập phá. Vở kịch kết thúc bằng hình ảnh Chu Phác Viên đau đớn khi phải tự gánh chịu mọi hậu quả do chính mình gây ra.
Minh Thu