Việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch của TPHCM đã được triển khai từ hai năm nay. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được các nghệ sĩ của nhiều đơn vị nghệ thuật tích cực hưởng ứng.
Đi trước, về sau?
Sau khi có chủ trương của TPHCM là đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch, từ cuối năm 2005, nhiều đơn vị nghệ thuật nhà nước được chỉ đạo dàn dựng các chương trình sân khấu phục vụ du khách. Tuy nhiên, đến nay, tất cả đều mới dừng lại ở việc biểu diễn lấy ý kiến.
Còn trên thực tế chưa có một chương trình nào được các công ty du lịch chọn đưa vào tour giới thiệu với du khách. Sau khi 7, 8 đơn vị nghệ thuật nhà nước ở TPHCM thực hiện xong chương trình, được Sở VHTT và Sở Du lịch TPHCM xem xét, chọn lựa còn lại 3 đơn vị: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật TPHCM để họp bàn, xây dựng chương trình hấp dẫn, lôi cuốn du khách.
Thế nhưng, đến giờ này, tất cả đang dần đi vào quên lãng, không ai có thể biết được chính xác rằng khi nào sẽ có thể đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch (?). Tất cả chỉ biết: làm rồi… để đó! Khi nghe hỏi đến chương trình sân khấu du lịch, đạo diễn Quỳnh Mai – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tâm sự: “Lâu rồi, chúng tôi cũng không nghe nói gì đến sân khấu du lịch, không biết có thực hiện nữa không? Nếu có làm, chắc cũng phải cuối năm…”.
Có người bảo, thực hiện cả hai năm rồi, chưa tiến triển gì cả, nếu lúc này có đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nào “nhảy vào” làm sân khấu du lịch, chắc chắn các đơn vị của nhà nước sẽ rơi vào tình cảnh “đi trước, về sau”! Tại sao? Đó là điều mà một số đơn vị nghệ thuật nhà nước đang thực hiện các chương trình sân khấu du lịch phải “năng động” tìm lời giải đáp cho chính mình.
Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật thực hiện những chương trình sân khấu, Sở VHTT TPHCM còn đề xuất UBND TPHCM cho nâng cấp, sửa chữa rạp hát Kim Châu với kinh phí hơn 13 tỷ đồng để làm nơi biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Tuy nhiên, mọi việc còn đang phải… chờ dài, chưa biết đến khi nào rạp Kim Châu mới được nâng cấp, đưa vào hoạt động.
Vì vậy khi các du khách đến TPHCM, nếu có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc của Việt Nam đều chẳng biết đi xem gì, xem ở đâu, lúc nào! Chẳng lẽ, du khách đến TPHCM vào mấy ngày đầu tuần muốn xem nghệ thuật cải lương – “đặc sản” văn hóa của người dân Nam bộ thì phải đợi tới cuối tuần mới có thể xem hát ở rạp Hưng Đạo? Còn nếu du khách nào muốn xem nghệ thuật hát bội thì phải đợi đến lịch diễn ngày 20 hàng tháng tới Nhà hát thành phố!?
Sân khấu xã hội hóa IDECAF nhập cuộc
Trong lúc các đơn vị nghệ thuật nhà nước chưa tìm được “đầu ra” cho những chương trình sân khấu phục vụ khách du lịch và có một số đơn vị đang tỏ ra ngán ngẩm, thì sân khấu IDECAF của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn đang hồ hởi nhập cuộc. Xem ra, sau khi thành công với kịch người lớn, kịch thiếu nhi, tạo được “thương hiệu” cho đơn vị nghệ thuật của mình, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn như muốn thừa thắng xông lên khi quyết định thành lập hai nhà hát dành cho sân khấu du lịch.
Trong đó, Nhà hát múa rối Rồng Vàng TPHCM của IDECAF sẽ hoạt động ngay tại sân khấu Tao Đàn, Cung VHLĐ TPHCM – nơi mà trước đây có nhiều nghệ sĩ từng thất bại khi chọn làm điểm diễn ca nhạc hay kịch nói. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Nhiều người cho đây là “điểm chết” của sân khấu, không nên chọn đầu tư. Tôi nghĩ, nơi đây có sân khấu nhỏ, tuy không phù hợp với biểu diễn ca nhạc, kịch nói, nhưng sẽ phù hợp với diễn múa rối nước, rối cạn…”.
Với suy nghĩ ấy, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn đang rót 400 triệu đồng để chỉnh trang lại sân khấu, âm thanh, ánh sáng… ở sân khấu Tao Đàn, chuẩn bị ra mắt suất diễn đầu tiên phục vụ khách du lịch (và cả khán giả TPHCM) vào ngày 29-6 tới. Ở đây, hàng đêm sẽ giới thiệu với du khách 19 trò rối cổ truyền, có dàn nhạc dân tộc biểu diễn và giá vé 4 USD/vé với du khách nước ngoài; 20.000 đồng/vé với khán giả Việt Nam.
Bên cạnh đó, Sân khấu IDECAF đang xúc tiến, đầu tư kinh phí 5 tỷ đồng xây dựng Nhà hát Nón lá TPHCM tại Trung tâm Văn hóa Q10. Nhà hát Nón lá TPHCM sẽ giới thiệu với du khách các loại hình nghệ thuật múa rối, tuồng, chèo, đờn ca tài tử… Ngay phía trước nhà hát sẽ có các hoạt động trò chơi dân gian, giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc để du khách tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Ở mỗi nhà hát, khi du khách đến xem nghệ thuật, chúng tôi sẽ có những quà tặng lưu niệm. Chẳng hạn như ở Nhà hát múa rối Rồng Vàng TPHCM sẽ tặng những chiếc quạt cầm tay, Nhà hát Nón lá TPHCM sẽ có quà tặng là những chiếc nón lá xinh xắn…”.
Có thể nói, trong quá trình hội nhập, nhất là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông hơn thì việc tổ chức đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước là điều rất cần thiết. Nhưng tiếc rằng, những chương trình nghệ thuật của một số đơn vị nghệ thuật nhà nước chưa thể tiếp cận được với các du khách.
Hay nói đúng hơn là những chương trình này chưa được các công ty du lịch quan tâm, đưa vào tour để giới thiệu với khách hàng của mình. Chính vì vậy, sự nhập cuộc của Sân khấu IDECAF – một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động mạnh nhất TPHCM hiện nay, hứa hẹn việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch sẽ có những biến chuyển… Nhưng đó là sân khấu xã hội hóa IDECAF, còn các chương trình sân khấu của những đơn vị nghệ thuật nhà nước thế nào? Những chương trình sân khấu của các đơn vị nghệ thuật nhà nước, được các nghệ sĩ tích cực luyện tập, dàn dựng vất vả liệu có bị… xếp xó? Còn nếu diễn – bao giờ – ở đâu và có được đầu tư thêm kinh phí để làm hoành tráng hơn? Còn rạp hát Kim Châu – nơi được chọn làm điểm diễn phục vụ khách du lịch khi nào mới nâng cấp, sửa chữa xong? Những đơn vị nghệ thuật nào sẽ được biểu diễn ở rạp hát này để phục vụ khách du lịch. Những vấn đề nêu trên rất mong được Sở VH-TT lưu tâm sớm có giải đáp.
(Theo Đỗ Hạnh – SGGP)