Không chạy theo những mối tình ủy mị, sướt mướt thường thấy trên sân khấu cải lương, hai đạo diễn đã từng đoạt giải cao nhất Cuộc Thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2008: Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên đã không hẹn mà lên cùng khai thác đề tài lịch sử trong hai vở diễn mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long và Đế đô sóng cả.
Có biết bao vở diễn đã xây dựng các hình tượng lịch sử như: Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Dương Vân Nga… nhưng trên sân khấu cải lương, các đạo diễn trẻ đã tìm được những “chìa khóa” để thể hiện riêng cho nhân vật của mình, đó chính là những lát cắt về cuộc sống riêng tư đã quyết định tới số phận và cuộc đời của các nhân vật lịch sử. Đằng sau sự vĩ đại của những bậc trung quân ái quốc thì họ cũng vẫn là những con người bình thường, biết yêu, biết ghét, biết khao khát… Có khi điều hạnh phúc bình dị của những con người bình thường lại là khao khát cháy bỏng của những bậc anh hùng.
Điều mà Hoàng Quỳnh Mai tâm đắc với kịch bản Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của tác giả Phạm Văn Quý chính là đằng sau những chiến công hiển hách đánh thắng giặc ngoại xâm, phò tá trung thành 3 đời vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông mà ai ai cũng biết thì vị anh hùng Thái uý Lý Thường Kiệt đã phải trả một cái giá vô cùng đắt đó là hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình vì lợi ích của đất nước. Bình sinh Ngô Tuấn là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, tài năng hơn người, được Vua Lý Thánh Tông yêu mến đã ban cho ông mang họ vua và đưa vào nội cung giúp việc tại triều đình. Tuy nhiên, cái giá để trở thành người gần gũi với đức vua Ngô Tuấn đã phải chịu phép tịnh thân, mất đi chức năng của người đàn ông và chấp nhận chia tay mối tình đẹp với người con gái tài sắc Thuần Khanh. Bố mẹ của Ngô Tuấn và Thuần Khanh đều bị giặc sát hại, trước vận nước lâm nguy, cả hai đã tự nguyện hy sinh hạnh phúc lứa đôi để Ngô Tuấn đem tài năng ra giúp vua cứu nước. Không phải tới khi lập những chiến công lớn Lý Thường Kiệt mới trở thành anh hùng mà ông đã vĩ đại ngay từ quyết định hi sinh hạnh phúc dành trọn đời cho sự nghiệp đất nước khi đang là một thanh niên trai trẻ. Cái bi kịch, góc khuất phía sau rất riêng tư của một con người được vở diễn khai thác càng làm cho nhân vật Lý Thường Kiệt đẹp hơn, thuyết phục hơn.
Trong Đế đô sóng cả, Triệu Trung Kiên đảm đương cả ba vị trí: Tác giả, đạo diễn và sắm vai Vua Đinh Bộ Lĩnh. Đế đô sóng cả cũng bám vào sợi dây tình cảm nam nữ làm cái cớ xuyên suốt vở, chính điều này đã góp phần làm sáng mối quan hệ tình cảm giữa Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga. Cha con Vua Đinh bị đầu độc chết là cái cớ để tác giả và các nghệ sĩ khai thác như một vụ án hình sự để tìm cho ra ai là kẻ mưu sát vua. Mọi nghi ngờ càng hướng về Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga khi sự gắn bó giữa hai người ngày càng tăng. Với lịch sử, việc xét công và tội của cả hai nhân vật lịch sử này cũng bị nhìn nhận với nhiều góc độ. Với nhà Lê thì bà là người có tội khi không bảo vệ quyền lợi của dòng họ. Nhưng với đất nước, trong tình thế Đinh Tiên Hoàng mất, tự quân còn nhỏ, nhà Tống muốn thừa cơ kéo sang, tự tay bà đã lấy hoàng bào khoác vào vai Lê Hoàn và giúp ông làm nên việc lớn. Đáng tiếc là về sau bà trở thành vợ Lê Hoàn nên sử sách phong kiến đã xóa sạch công lao của bà. Đế đô sóng cả đã mang tới một thái độ rộng lượng và đúng đắn hơn khi ghi nhận công trạng của bà. NSƯT Vương Hà đã rất tài hoa đặc biệt trong đoạn độc thoại của Dương Vân Nga bộc bạch về những mâu thuẫn trong nội tâm của bà cũng như lời thề tìm cho ra kẻ giết vua. Vở diễn hấp dẫn bởi được xây dựng theo một cốt truyện đầy tính hình sự ly kỳ, nhưng cái khiến người xem cảm động chính là ở góc nhìn rất nhân văn về các nhân vật lịch sử. Tiêu biểu là hoàng hậu qua hai triều đại Dương Vân Nga. Đằng sau sự cứng rắn, uy nghi mẫu mực của một bậc mẫu nghi thiên hạ, bà vẫn là một người đàn bà biết yêu, biết trân trọng với những người yêu mình.Tình cảm đôi lứa là một trong những nét chủ đạo xuyên suốt nhưng cả hai vở cải lương của Nhà hát Cải lương VN đều đã vượt qua cách thể hiện ủy mị sướt mướt, các nghệ sĩ đã làm sang cho sân khấu bằng những mối tình cao đẹp của những con người trong lịch sử bằng cách dàn dựng tinh tế và lối diễn như có lửa của người nghệ sĩ.
Sân khấu có quyền hư cấu miễn là đừng làm tổn hại đến hình tượng nhân vật mà mình tôn vinh”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai bộc bạch. Những chi tiết rất đắt về Lý Thường Kiệt như ông sinh ra trên mảnh đất tụ hội khí vượng của Thăng Long, những cánh hoa ngọc lan là những kỷ niệm không bao giờ quên của đôi trai tài gái sắc Ngô Tuấn và Thuần Khanh do Hoàng Quỳnh Mai cài vào đã làm cho vở diễn trở nên trữ tình, lãng mạn và rõ nét về một vở diễn ra đời vào thời điểm Hà Nội sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Xem xong Trọn đời trung hiếu với Thăng Long và Đế đô sóng cả mới hiểu vì sao hai đoàn của Nhà hát Cải lương Việt Nam lại đồng lòng dồn tâm sức cùng hai đạo diễn trẻ dàn dựng liền lúc hai vở lịch sử. Các đạo diễn và nghệ sĩ đã thổi vào một mảng đề tài tưởng như khô khan ấy một sinh khí mới, tươi trẻ với vẻ đẹp sang trọng của chính luận nghệ thuật.
Thúy Hiền (Theo Báo Văn hóa)