Tính đến ngày 26.11, đã có 19/27 vở cải lương (CL) được trình diễn trước công chúng TPHCM. Dư luận đánh giá cao các đoàn CL phía bắc, đặc biệt là Nhà hát (NH) CL VN và NH CL Hà Nội với các vở đề tài lịch sử.
Nhiều người cho rằng con số 25 vở diễn đề tài lịch sử, chiến tranh, dân gian, dã sử… thể hiện sự lệch pha với đề tài đương đại. Tuy nhiên, trong nhiều vở đề tài lịch sử hay chiến tranh, các đạo diễn (ĐD) và tác giả (TG) vẫn khéo léo lồng vào những thông điệp cho ngày hôm nay, hay những phút bắt gặp đời sống đương đại đâu đó.
Tuy kịch bản mới và hay vẫn khan hiếm, song về hình thức dàn dựng, nhiều đoàn đã làm bật lên được cái mới. Theo đánh giá của giới chuyên môn, có nhiều ý tưởng sáng tạo trong cách dựng nhiều vở cải lương mang tính hiện đại, từ cách trình bày câu chuyện cho đến thiết kế bài trí sân khấu. Hơn thế, nhiều trưởng đoàn và ban giám khảo hào hứng nhận định, chưa có hội diễn nào tụ hợp nhiều giọng ca hay, tròn vành rõ chữ và đồng đều như thế tại hội diễn 2009.
Cải lương Bắc “át” cải lương Nam
Điều đáng nói và đáng ngạc nhiên của năm nay chính là sự “soán ngôi” của cải lương miền Bắc đối với cải lương miền Nam, vốn giữ thế mạnh truyền thống lâu nay (tương tự như hiện nay kịch nói phía nam soán ngôi phía bắc). Vở sáng giá nhất – “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” (TG Phạm Văn Quý – ĐD Hoàng Quỳnh Mai) tạo được hiệu quả về hình thức, lối dẫn chuyện, đẩy lên được đỉnh điểm và tạo được xúc động cho người xem.
Câu chuyện về vị tướng Lý Thường Kiệt đã được nhiều tác phẩm kể lại theo nhiều cách, nhưng ở đây, dư vị của nó là sự tươi mới của cảm xúc và tính tư tưởng của vở. ĐD đã có đất thể hiện tài năng của mình, không những thế, cô để lại dấu ấn riêng khi dựng cho Đoàn CL Quảng Ninh vở “Phù vân” (TG Nguyễn Sĩ Chức). Tuy nhiên, nếu so về thực lực, thì dàn diễn viên của Nhà hát Cải lương VN có ưu thế hơn hẳn.
Cùng là “người một nhà”, với Quỳnh Mai, đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên cũng là đối thủ mạnh, khi anh vừa là tác giả, vừa là người dàn dựng “Đế đô sóng cả”. Đây cũng chính là vở diễn hay, sâu sắc và được khai mạc hội diễn. Khi được hỏi, tại sao dám chấp nhận chọn đạo diễn trẻ để dựng vở mới, ông Bùi Xuân Tiến – Giám đốc NH – tự hào: “Tre già, măng mọc”, đã đến lúc mình phải bồi dưỡng lớp đạo diễn trẻ, tạo điều kiện cho anh em dự hội diễn để học hỏi. Hơn thế nữa, NH bỏ công đào tạo cho họ, thì cũng phải nghĩ đến chuyện “lấy lại vốn” cho Nhà nước, không để lãng phí tài năng trẻ”.
Hai vở của NH CL Hà Nội “Lễ mở xiêm áo” (TG Nguyễn Khắc Phục) và “Đại thần Thăng Long” (TG Nguyễn Anh Biên), đều do NSƯT Quang Hùng dàn dựng, không nhiều đột phá, nhưng có hấp lực về nội dung và diễn xuất.
Theo một đạo diễn có uy tín trong ban giám khảo, cải lương Sài Gòn sở dĩ không bật lên như cải lương Hà Nội, là vì không dám dùng đạo diễn trẻ, trong khi cách xử lý của đạo diễn trẻ thường mang nét táo bạo và làm nên cái mới.
Màu sắc vùng miền
Bên cạnh những nét chấm phá mới mẻ này, nhìn chung, vẫn còn quá nhiều nét dang dở, cũ kỹ và đơn điệu cho bức tranh CL toàn quốc. Kịch bản luôn lạc hậu, đi sau thời đại, hơn thế nữa, nhãn quan của người viết quá cũ, thì làm sao có vở hay. Điều này đòi hỏi ngoài đề tài, phong cách, còn phải có cách xây dựng các tuyến nhân vật hợp lý và quan trọng nữa là tính lịch lãm, trí tuệ của người viết.
Theo NSƯT Mạnh Hà – Trưởng đoàn CL Đồng Nai, cũng là đề tài lịch sử, nhưng “Dời đô” (TG Lê Duy Hạnh) không chỉ ca ngợi danh nhân, anh hùng, mà qua sự kiện lớn này có thể nhìn thấy tầm nhìn xa trông rộng cách đây 1.000 năm của Lý Công Uẩn khi mới lên ngôi được 6 tháng. Nhìn lịch sử theo góc riêng, xử lý tĩnh tại, không quá ngợi ca to tát, không quá cảm thán – đó là cách khai phá có chiều sâu của sân khấu phía nam.
Tương tự, “Cổ tích thời hiện đại” và “Dấu ấn giao thời” (NH Trần Hữu Trang) cũng là những vở khá. Riêng ĐD Hoa Hạ ngoài “Dấu ấn…” còn dựng “Nước mắt thâm tình” cho nhóm XHH “Thắp sáng niềm tin” của NH và được nhiều khen ngợi. Vở diễn có nhiều diễn viên trẻ, với lối dựng khá đời, gai góc và gay cấn.
Ở đây, màu sắc vùng miền khá đa dạng, từ cải lương Nam, Bắc, đến các địa phương, đáng chú ý là kịch hát Khmer “Truyền thuyết thần Neak Ta” (ĐD Hà Quang Văn) của đoàn Trà Vinh. Thứ hai, lối kể chuyện có nhiều cách đi vào lòng khán giả. Có người kể rất lôi cuốn, ngược lại, có người kể quá nhạt. Và sân khấu hôm nay không chỉ để nghe, mà còn phải có cái để nhìn, để bắt mắt người xem.
Minh Thi (Nguồn : NLĐ)