Một màu tím Huế dịu ngát, một sàn diễn lộng lẫy với lau lách, với hai mảng bục bệ có thanh trượt để thực hiện các ý đồ của cô đạo diễn nhiều ý tưởng kì quái… đã mở ra không gian đích thực cho câu chuyện kịch tưởng không còn đơn giản hơn.
Một tráng sĩ nguyện hiến mình cho nghiệp lớn đang chịu sự truy đuổi gắt gao của địch, gặp được cô gái con lão Đồ để trở thành tri kỉ trên bến nước duy nhất có thể giúp chàng vượt sông sang Chiêm kết liên với những lực lượng ủng hộ nghĩa lớn. Hai cha con hết lòng giúp tráng sĩ, nhưng người anh trai của cô đã bị tửu sắc làm tha hóa, bán mình cho giặc, chỉ dẫn chúng truy đuổi tráng sĩ…
Chủ đề câu chuyện không mới, bởi đây là kịch thơ từng được tác giả viết trong bối cảnh của hơn nửa thế kỉ trước, xoay quanh việc đặt nghĩa cả trên tình riêng, dễ dàng cho tiếp nhận của người xem qua câu thơ xuyên suốt, được lặp lại ở nhiều phân cảnh trong vở Đất nước còn, không em cũng được/Đất nước không, em có cũng như không. Và ý đồ của đạo diễn, chính những thảo dân – tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi, thủ lĩnh tinh thần của cuộc kháng chiến lúc này, những lau lách mềm mại vô cùng song dẻo dai vô địch đã là sức mạnh, là nguồn gốc của mọi chiến thắng. Chất liệu chỉ có vậy, nội dung tư tưởng cũng không mới nhưng đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai khiến người xem bị cuốn hút từ đầu đến cuối kịch bởi sự sáng tạo tinh tế, tài hoa biến sàn diễn cải lương bỗng chốc trở nên khác lạ và sang trọng.
Chị đã tận dụng rất tốt những mảng miếng của sân khấu dân tộc, những thế mạnh riêng có của thể loại kịch hát như tính tự sự cao, có thể đi sâu vào mô tả trạng thái tinh thần để làm sâu sắc hơn, khắc họa rất tốt tâm lý, tâm trạng và làm dầy hơn tính cách cho nhân vật. Với sàn diễn rất linh động, người xem bỗng chốc như quên đi hạn chế của sân khấu trong diễn tả không gian, thời gian. Trên sân khấu, để mô tả sự tha hóa của người con trai lão Đồ, chiếc chum rượu lớn bỗng lắc lư, xoay tròn theo nhạc rồi bật mở trong sự ngạc nhiên của khán giả, một cô gái Chiêm ăn mặc rất gợi cảm xuất hiện đầy mời gọi, khiêu khích theo điệu nhạc cùng cả dàn thiếu nữ xinh đẹp phụ họa. Trần Bạch hư hỏng trong gái đẹp, rượu ngon, người xem thấy rất rõ sự tha hóa của nhân vật.
Còn rất nhiều mảng miếng đạo diễn có thể khơi gợi sự chú ý của người xem như màn múa kiếm khắc chữ, rất lạ, lại đẹp lộng lẫy và rất kỹ lưỡng (Mai bộc lộ bí quyết khi thả chữ xuống có cả những vụn bánh mì để tả thực cảnh khắc chữ vào vách tường) khiến các đạo diễn kỳ cựu cũng phải tán thưởng; màn múa giao chiến của lão Đồ chỉ có một mình mà như đang tả xung hữu đột giữa thiên binh vạn mã đến kiệt sức nhưng rồi sức mạnh tinh thần của niềm tin vào lời sấm Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần được đạo diễn trực tả qua tấm lá trên phông hậu và rất nhiều lá rơi quanh người khiến lão tướng vụt trở thành mạnh mẽ khôn cùng; sàn diễn đầy biến ảo với những cô gái như hồn rong rêu tích tụ trên bến sông từ ngàn năm cùng đồng diễn với diễn viên… Có thể kể ra đây khá nhiều cách xử lý thông minh, tinh tế của đạo diễn trẻ này. Một sân khấu cải lương đã trở thành đầy màu sắc, nữ tính mà rất sang trọng.
Góp sức cùng đạo diễn là các diễn viên tài năng của nhà hát đã diễn rất thành công dù chưa phải là sao như vai Thị Trinh của giải nhất tài năng trẻ diễn viên cải lương hay vai lão Đồ của Mạnh Hùng, giải nhì… cùng sự cộng tác hết mình của họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ thuật viên hậu đài… cả tập thể đó đã góp phần thể hiện ý đồ đạo diễn và làm sân khấu đêm diễn thực sự trở thành sân khấu của thị giác và thính giác.
Tuy nhiên, vẫn còn có những ý đồ đạo diễn vào kịch chưa nhuyễn như nhạc Huế thể hiện là hợp lý bởi câu chuyện xảy ra trên mảnh đất giàu truyền thống này song một số nét nhạc tuồng vẫn bị nảy ra, chưa thực ăn nhập với âm hưởng nhạc chung. Hay khi chọn nhạc nền cho tiếng đọc hịch còn chưa tạo được sự đồng cảm cho khán giả và chưa mô tả hết tính bi hùng của bối cảnh kịch… Nhưng điều đó có thể khắc phục được. Bến nước Ngũ Bồ là vở diễn thành công của Nhà hát Cải lương Việt Nam và là sự khẳng định tài năng của đạo diễn trẻ muốn tìm kiếm con đường riêng trong nghệ thuật sân khấu.
Cao Ngọc (Theo Hà Nội mới)