Muốn “tái sinh” cần 1 cái gật đầu
“Diễn kịch một mình” là một trong những tác phẩm kịch nói đỉnh cao của Nghệ sĩ Bạch Tuyết khi một mình bà độc diễn trên sân khấu 5B Võ Văn Tần vào năm 1992. Gần 30 năm trôi qua, tác phẩm này một lần nữa xuất hiện trên sân khấu nhưng dưới hình thức cải lương mang tên “Nhật thực” và được đạo diễn Lê Nguyên Đạt (Giám đốc sân khấu Sen Việt) thực hiện. “Nhật thực” được thể hiện bằng hình thức thể nghiệm, để hướng tới tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 tại Hà Nội.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt tiết lộ, anh đã ấp ủ thực hiện vở diễn từ năm 2015. Việc xin phép tác giả Lê Duy Hạnh (người sáng tác vở diễn) là một quá trình dài. Vì đây là tâm huyết của tác giả Lê Duy Hạnh nên ông không muốn khi tác phẩm trở lại với sân khấu bằng một hình thức nào đó lại không đáp ứng được hiệu quả và tư tưởng của vở. Để thuyết phục được tác giả, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cùng tác giả chuyển thể Nguyễn Phương phải viết kịch bản rồi sửa đi sửa lại hàng chục lần mới nhận được cái gật đầu đồng ý của ông.
Sự mới mẻ của Cải lương ở “Nhật thực”
“Nhật thực” là câu chuyện của người nghệ sĩ trẻ mang trong mình khao khát giữ nghề mãnh liệt. Người nghệ sĩ nhớ lại những nhân vật mà mình từng đóng, bày tỏ những suy tư, trăn trở về nghệ thuật đích thực, về cái nghề mình đang theo đuổi và giữ gìn. Theo Lê Nguyên Đạt, tính thể nghiệm được bộc lộ ngay từ khâu kịch bản. Từ trước tới nay, khán giả đã quen với nhiều diễn viên cùng đứng chung sân khấu. Nhưng ở vở này, chỉ có duy nhất một nhân vật độc thoại từ đầu tới cuối.
“Con người, tâm huyết, tài năng là điều quan trọng nhất trong cải lương. Tôi thể nghiệm thậm chí với cả diễn viên. Diễn viên chính Lê Trung Thảo là người chưa bao giờ đóng vai độc hoặc nịnh, giờ họ có cơ hội được thử sức. Từ đó, chúng tôi có thế hệ diễn viên mới thẩm thấu được kịch bản, đứng được 90 phút trong vở diễn, làm chủ được sân khấu và có thể liên tục thay đổi để kéo được khán giả vào không gian của mình”, nam đạo diễn chia sẻ.
Để không làm khán giả nhàm chán, vở diễn được dàn dựng với tiết tấu nhanh, âm thanh, ánh sáng thay đổi liên tục để đưa khán giả vào nhiều không gian khác nhau. Kịch bản vở diễn mang tính mở để khán giả có thể tự đưa ra những cái kết của riêng mình chứ không đi theo lối trình tự nhân quả thông thường. Diễn viên cũng diễn theo cảm xúc riêng chứ không theo quá trình, lớp lang. Cảnh trí cũng được thiết kế đơn giản với một vầng trăng khuyết mang tính liên tưởng.
Riêng âm nhạc được pha trộn giữa nhạc dân tộc và âm nhạc đương đại với rock, world music… Theo nhạc sĩ Võ Thanh Liêm, anh mong muốn thu hút người xem bằng một cách nhìn mới lạ. “Đặc biệt, người trẻ cũng có thể nghe cải lương”, anh nhấn mạnh. Tính thể nghiệm trong âm nhạc của “Nhật thực” còn thể hiện ở việc nhạc được thu sẵn trong phòng thu chứ không phải dàn nhạc sống theo phong cách sân khấu cải lương truyền thống.
“Đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để thể nghiệm
Mang tính thể nghiệm ở mọi khâu nên kinh phí cho “Nhật thực” tới thời điểm hiện tại đã lên gần 700 triệu đồng. Ê-kíp đã phải đầu tư rất nhiều thứ như trang phục, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc,… với mong muốn cho ra đời một tác phẩm ưng ý nhất.
Tốn kém là thế nhưng điều Lê Nguyên Đạt lo nhất không phải là kinh phí mà là diễn viên. Vở phải thay diễn viên vài lần vì có nhiều người không trụ được. Diễn viên tham gia phải hy sinh rất nhiều từ thời gian, công sức tập luyện. Ba diễn viên tham gia vở, dù chỉ có một nhân vật chính có thoại nhưng tất cả đều phải tham gia các khóa học võ thuật, học làm cascadeur, học múa đương đại, ballet, học nhạc cụ, biểu diễn bằng ngôn ngữ cơ thể…
“Tôi buộc họ phải tập để ngoài biểu diễn, họ còn có thể giao lưu, nâng sức chịu đựng để có thể đảm đương được công việc đang làm. Trong quá trình thực hiện, nhiều khi xong hết rồi, chúng tôi lại bỏ và làm lại từ đầu nên nếu nản sẽ không thể làm được. Đã có người bị chấn thương, bong gân, ói tại sân tập vì tập quá nặng” – Lê Nguyên Đạt bộc bạch.
Giới nghệ sĩ thường có câu: “Đỉnh cao của diễn xuất là độc thoại”. Một diễn viên có thể diễn độc thoại phải là người rất giỏi, vì chỉ diễn một mình vẫn đưa khán giả tới hết cảm xúc này tới cảm xúc khác không phải ai cũng làm được. Do đó ở “Nhật thực”, việc chọn Lê Trung Thảo làm diễn viên chính là quyết định mạo hiểm của đạo diễn, vì nghệ sĩ Trung Thảo vốn chỉ có thế mạnh về vũ đạo và kỹ thuật biểu diễn.
Trung Thảo cho biết, áp lực lớn nhất của anh là không đủ sức khỏe để có thể độc diễn suốt 90 phút. Anh sợ khán giả sẽ thấy mình mệt, không hát nổi… khiến họ không tập trung vào vở mà chỉ tập trung vào diễn viên. Anh phải chăm sóc mình rất kỹ, tập luyện thường xuyên và ăn uống điều độ hơn bình thường. Với nam nghệ sĩ, nhận vai diễn này là sự thể nghiệm với chính bản thân anh.
“Lần đầu tiên tôi diễn suốt trên sân khấu, thậm chí không có thời gian chấm mồ hôi, phải thay đồ ngay trên sân khấu. Tôi phải tập tỉ mỉ từng thế đứng, động tác, câu hát nhấn nhá và cách giữ hơi, giữ trường độ để không bị đuối sức. Vở bình thường chỉ có tâm lý cho một vai, còn vở này phải chuyển liên tục từ trung thần, nịnh thần, vua nên tôi phải rất tập trung chia cảm xúc, chọn phong cách để 3 nhân vật không giống nhau”, nghệ sĩ Trung Thảo chia sẻ.