Những năm 80 của thế kỉ trước, làng hài cải lương Việt Nam xuất hiện một giọng ca lạ với một chút tưng tửng kiểu Vua vọng cổ hài Văn Hường, pha chút châm chính bất cần đời của danh hài Thanh Nam.
Thời điểm đó, thế hệ cải lương hài của miền Nam đều đã bước vào tuổi ngũ tuần nên một anh diễn viên trẻ như Thanh Nam đã có cơ hội để… thể hiện mình
Với cách diễn hài hước khá lạ của mình, Thanh Nam đã bước chân vào với nghệ thuật cải lương với nhiều vai kép độc. Năm 1991, ông xếp hạng 3 trong danh sách 10 danh hài được yêu thích nhất do bạn đọc Báo Sân khấu TP. HCM bình chọn. Năm 1996, Thanh Nam tiếp tục được xếp hạng 4 trong 20 danh hài được yêu thích nhất.
Thế mạnh của Thanh Nam không chỉ ở các vai kép độc, người ta nhớ đến ông nhiều nhất khi vào vai những ông lão nông dân. Thanh Nam thể hiện rất thành công tính cách một “Lão nông tri điền” Nam bộ với sự chân chất, cục mịch và ngữ điệu đắc trưng của vùng đất Cửu Long. Những vai diễn đã đem lại thành công cho Thanh Nam như ông Tư Chờ trong Niềm đau gia phả (Huy chương vàng Liên hoan sân khấu khu vực Nam Bộ), ông Tư Kèn trong Quãng đời còn lại (Đạt Huy chương Bạc hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000), Hương quản Mùi trong Tiếng chuông chùa Tam Bảo (giải B), Độ Lượng trong Tiếng thét nơi pháp trường(Bằng khen)… Thanh Nam nhận danh hiệu NSƯT năm 2009.
Dù rất thành công trong các phim truyền hình, Thanh Nam vẫn không từ bỏ cải lương. Khi còn giữ chức vụ Giám đốc đoàn cải lương Kiên Giang, ông vẫn xoay sở lo toan để đoàn sáng đèn hàng đêm. Nam nghệ sĩ từng tâm sự:
“Tôi sống nhờ Tổ nghiệp cải lương, tổ nghiệp cho tôi được hát hay, bà con thương, nên tôi sẽ cả đời phụng sự Tổ nghiệp”. Và NSND Thanh Nam vẫn tiếp tục giữ nghề của Tổ nghiệp sau khi đã về hưu năm 2018. Ông thành lập đoàn hát XHH mang chính tên mình, mời gọi các nghệ sỹ tài danh cùng tham gia các chuyến lưu diễn ở vùng sâu vùng xa phục vụ bà con nông dân. Dù đoàn hát Thanh Nam vẫn đang phải bươn chải với từng suất diễn nhưng Thanh Nam vẫn tự tin “Tôi quyết tâm trả món nợ với khán giả yêu thương mình. Tôi cứ từng bước làm, bằng chính nỗ lực của mình và trọng thị những góp ý, để đưa cải lương đến được với công chúng một cách hãnh diện, đủ sức giữ chân người xem bằng chất lượng và uy tín”