Thử nghiệm đã đành là đi tìm cái mới, nhưng cái mới ở đây biết đâu lại chỉ là mới mình, cũ người và thử nghiệm xong rồi có bán được vé hay lại ngậm ngùi đem cất vở vào kho… Không ít băn khoăn đã làm khó những người làm nghề trước thềm Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 1 đến 8-12 tại Hà Nội).
Vẫn thưa vắng các đoàn “xã hội hóa”
“Sinh con rồi mới sinh cha”, cái đáng có trước thì lại có sau: Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất (LHSKTNTQ), thay vì LHSKTN quốc tế lần 3 (nhưng đành lỗi hẹn do kẹt kinh phí). “Cứ cho đây là một phép thu nhỏ đi, nhưng cũng có cái hay của nó – NSND Doãn Hoàng Giang, chủ tịch hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nói – Vì ít nhất, trước khi mời người ta đến cọ xát trên sân nhà, chúng ta cũng cần có dịp biết mình, biết ta với nhau ở đây đã! Chứ như hai lần trước vẻ như ta vẫn chưa đáng mặt chủ nhà lắm, chưa cho thấy nhiều cái gọi là thử nghiệm”.
13 đơn vị (chủ yếu từ miền Trung trở ra), với 14 vở kịch thử nghiệm, vì vậy sẽ có mặt tại Hà Nội từ 1 đến 8-12 để có dịp “biết mình, biết ta” và cùng một lần nữa phác lên khái niệm “kịch thử nghiệm”. Hiếm hoi có một LH vắng bóng Doãn Hoàng Giang (không tham gia vở nào) và thưa vắng Lê Hùng (chỉ tham gia một vở: Ngẫu hứng từ truyện “Cô bé bán diêm” – Nhà hát Tuổi Trẻ). Nhưng LH cũng không vì thế mà vắng các “cây cao bóng cả”: NSND Trọng Khôi, NSƯT Lê Chức, Trần Ngọc Giàu (mỗi vị tham gia hai vở)… và đáng mừng, có khá nhiều gương mặt tạm coi là trẻ: Anh Tú, Lan Hương, Đào Quang, Lý Khắc Linh… khiến LH thật sự là một cơ hội thứ hai cho họ bên cạnh “LH các vở diễn hay của các đạo diễn trẻ”.
Đáng tiếc chưa có nhiều đại diện sân khấu phía Nam tại LH này – nơi hai chữ thử nghiệm có cơ hội nhiều hơn trong một nền sân khấu năng động (chỉ có ba đơn vị tham dự, trong đó có hai đơn vị xã hội hóa). Vắng mặt “anh cả đỏ” – Nhà hát Kịch VN – nơi mặc dù đã đánh mất vị trí số 1 của mình nhưng không phải là không có những đạo diễn trẻ đang “bụng bảo dạ” tìm tòi sáng tạo như Đỗ Kỷ, Tuấn Hải…
Bán vé – “mơ về nơi xa lắm”
Lý giải vì sao còn có không ít đơn vị tỏ ra thiếu mặn mà đưa vở đến “so găng” tại LH, NSƯT Lê Chức – phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, đơn vị đứng vai “chủ xị” – cho rằng: “Thời buổi thóc cao gạo kém, cơ hội dựng vở vốn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mấy ai dám xài sang hai chữ thử nghiệm khi không dám chắc nó sẽ bán được vé, hay ít nhất được công chúng dễ bề đồng cảm!”.
Thực tế đã được chứng minh tại Nhà hát Tuổi Trẻ – địa chỉ chăm sáng đèn nhất trong làng kịch thủ đô và cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước có đoàn kịch thể nghiệm. Không ít vở kịch thể nghiệm (chủ yếu là kịch hình thể) đã được miệt mài dàn dựng ở đây, mà người kiên trì nhất trong số những người kiên trì là NSND Lan Hương – trưởng đoàn, chỉ vì niềm đam mê khả năng biểu đạt cao và tính không biên giới của kịch hình thể.
Nhiều vở đã nhận được sự tài trợ quan tâm từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ, nhờ gắn liền với mục đích tuyên truyền và được đem đi biểu diễn miễn phí cho SV, HS; có vở thậm chí còn ghi điểm được tại các kỳ “đem chuông đi đánh xứ người”. Nhưng một năm thử hỏi được mấy suất diễn có tài trợ như thế?
Bán vé rõ ràng là một câu chuyện “mơ về nơi xa lắm” ngay với cả một nhà hát sừng sững thương hiệu. Phó giám đốc nhà hát Trương Nhuận, chuyên gia marketing hiếm hoi trong lĩnh vực sân khấu từng được đào tạo ở Anh, cũng phải kêu trời: “Lúc này kéo khán giả đến xem những vở kịch bình thường, dễ xem (tức là những vở không dám ho he hóc hách “đánh đố”, “làm khó” họ chút nào!), và chỉ bằng giấy mời thôi, đã là khó lắm! Nữa là kịch thể nghiệm và bán vé – đúng là chuyện “mơ giữa ban ngày”!
Ngay cả những vở kịch thể nghiệm của chúng tôi khi đem đi phục vụ miễn phí tận trường cho SV xem, có vở đi được vào khán giả, có vở chỉ được đón nhận hết sức dè dặt”.
“Đừng nghĩ công chúng thấp hơn nghệ thuật khi nghĩ họ không quen được với cái mới! Đừng tự huyễn hoặc thế nào là cao hay thấp! – NSƯT Lê Chức “nhắc vở” cho các đoàn – Cao hay thấp cuối cùng vẫn phải hỏi: Cao cho ai và cao để làm gì, nếu như nghệ thuật ấy, “cành cao” ấy không “sà” quả chín chạm được vào công chúng!”.
Cái khó đứng ngó cái khôn
“Khó” – đã đành – nhưng lẽ nào để nó bó cái “khôn”? “LHSKTN? Cố nhiên vẫn cần lắm chứ! – ông Nhuận nói – Vì làm sao sân khấu có thể bằng lòng đứng yên mãi một chỗ với những sáng tạo theo năm tháng đã trở thành lối mòn? Làm sao có thể chỉ vì sợ không kéo được khán giả mà chúng ta lại không dám “hò dô ta”?”. Ngắn gọn hơn, NSND Lê Hùng buông một câu: “Muốn có “nghiệm”, phải “thử”!”.
Thì sắp “thử” rồi đây, nhưng liệu có được nhiều “nghiệm”? Sân khấu VN, sau một năm ảm đạm vì gần như “rỗng túi” những vở diễn gây sốt trong cơn bão lạm phát, trong sức ì của những “hệ số an toàn”, những bảo thủ và dè dặt…, liệu có thể bừng lên được chút lửa nào không với que diêm LHSKTNTQ vừa được Hội Nghệ sĩ sân khấu VN thắp lên vào những ngày cuối năm này?
“Đã có những đốm lửa, những khác lạ!” – cả NSND Doãn Hoàng Giang và NSƯT Lê Chức, những thành viên trong hội đồng duyệt vở tham dự LH, đều bày tỏ hi vọng. “Chỉ e khác lạ thôi chưa đủ, khác lạ chưa chắc đã là ngon ăn nếu như không đồng vọng được tới khán giả!” – ông Giang nói. “Và nếu chỉ dừng lại ở sự khác lạ về hình thức mà chưa có được phần nội dung tương xứng từ kịch bản, hay ngược lại những cố gắng mày mò đổi mới về hình thức còn chưa đủ sức chuyển tải được hết sức nặng của nội dung, chắc hẳn chúng ta cũng nào đâu đã dám vội mừng!” – ông Nhuận “phanh” lại.
Thư Quỳnh (Theo Tuoi tre online)