Sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc trên cùng 1 sân khấu đã được các đạo diễn thể hiện rất thành công trong vở “Ngàn năm mây trắng” do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) dàn dựng, các loại hình chèo, cải lương, xẩm và hát văn Huế đã mang tới cho khán giả những ấn tượng mới mẻ.
Vở diễn chỉ nhằm mục đích dàn dựng mang tính thử nghiệm để tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, diễn ra tại Hà Nội tháng 10 tới nhưng kết quả ban đầu đã có những dấu hiệu khả quan.
Lần đầu tiên, Nhà hát đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dàn dựng một vở diễn và để công diễn rộng rãi chứ không chỉ thực hiện các chương trình ghi âm, ghi hình như các vở trước đó. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ VOV, tác giả kịch bản văn học “Ngàn năm mây trắng” cho biết:
“So với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khác thì VOV có một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu ở nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu truyền thống. Với vai trò là tác giả kịch bản văn học, tôi rất hài lòng với hình thức dàn dựng mà hai đạo diễn NSND Thanh Ngoan và NSƯT Triệu Trung Kiên đã xử lý. “Ngàn năm mây trắng” đã giới thiệu được cùng lúc nhiều loại hình sân khấu truyền thống mà không khiên cưỡng và lại khoe được những nét độc đáo riêng của từng loại hình”.
“Ngàn năm mây trắng” lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền thuyết Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị – người đàn bà chung thủy đứng chờ chồng đi lính, chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hóa thành đá. Vở diễn có cốt truyện theo đề tài dân gian khá đơn giản, không có quá nhiều diễn biến phức tạp mà ê kíp đã sáng tạo để tạo ra những nét riêng mới mẻ hơn. Nàng Tô Thị cùng người em kết nghĩa của chồng mình là Trương Lỗ quyết tâm khăn gói đi tìm chồng bởi nàng không tin là chồng mình đã chết. Đến mỗi vùng quê, nàng lại được nghe kể về một nhân vật tưởng như là chồng mình nhưng rốt cuộc đều không phải. Cho đến cuối hành trình thì sự thật được phơi bày, bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của Trương Lỗ bị phơi bày khi chính hắn là người đã sát hại chồng nàng chứ không phải ai khác.
Với thời lượng 90 phút, “Ngàn năm mây trắng” có sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng một số nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV. Đóng góp lớn nhất của vở diễn chính là ê kíp sáng tạo đã tạo ra những không gian mang nhiều tính tự sự và mỗi không gian ấy được tái hiện bằng một loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, ca Huế, hát xẩm.
NSƯT Thu Trang, người đóng vai nàng Tô Thị chia sẻ: “Không thể ngờ rằng chèo, cải lương, hát văn Huế, hát xẩm lại có thể kết hợp được với nhau trong một vở diễn nhuần nhuyễn và ngọt đến thế. Không có một rào cản cách biệt gì đối với nghệ sĩ biểu diễn ở từng loại hình khi cùng diễn trên một sân khấu. Khi tôi vừa ca xong một bài cải lương thì anh Văn Chương ngâm một câu hát chèo tiếp nối cũng rất hợp lý. Tự thân những giai điệu của các loại hình âm nhạc dân tộc như tự tìm được tiếng nói chung, chúng hòa quyện, tôn vinh lẫn nhau và tạo nên một tác phẩm tuyệt vời độc nhất vô nhị. Chính vì vậy mà mỗi loại hình sân khấu truyền thống thể hiện trong vở được giữ nguyên tác mà không bị hòa trộn”.
Sự tổng hợp của nhiều loại hình sân khấu truyền thống trong một vở diễn có cốt truyện dân gian là một gợi mở đầy thú vị cho những sáng tạo kế tiếp của giới sân khấu. Được biết, sau khi tham gia LHQT sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, vở “Ngàn năm mây trắng” sẽ chính thức ra mắt phục vụ công chúng ở Nhà hát Lớn Hà Nội, được phát trên các kênh sóng truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước.