Nghệ sĩ Bạch Tuyết – Muốn tồn tại, phải có sự thích nghi tối đa

Thời kì hoàng kim của sân khấu cải lương đã đi qua nửa thập kỉ, những nghệ sĩ gạo cội giờ đây chỉ còn đi diễn vì đam mê và truyền lửa cho thế hệ trẻ. Còn với “Nữ hoàng chi bảo” Bạch Tuyết, bà vẫn khiến người ta nhắc đến bởi sự thích nghi đa dạng của mình giữa thời đại 4.0
Muốn tồn tại, phải có sự thích nghi tối đa
Nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp cô đã suy nghĩ: “Một cô đào hát 30 tuổi là đã thấy già trong mắt khán giả. Cho dù có giữ gìn được nhan sắc đến tuổi 40 thì với khán giả cô đào 20 tuổi vẫn là người trẻ. Mình không nên ảo tưởng rằng khán giả sẽ mãi thấy mình đẹp, sẽ nhớ mình hoài mà phải làm thế nào để thích nghi cùng thời đại. Vậy thì làm việc gì ở giai đoạn tiếp theo để thích nghi? Như là đạo diễn thì tuổi tác là thêm phần kinh nghiệm – một nghề “không già” để mình chuyển sang một mốc tuổi mới. Hay là việc đi dạy, đi giảng thì phải có bằng cấp đủ điều kiện để bước vào môi trường sư phạm, học thuật…”
bach-tuyet-hat-tan-nhac

Bạch Tuyết làm mới mình khi hát Tân nhạc

Không chỉ là người mê sân khấu, nữ nghệ sĩ cũng là người rất ham học. Ngay ở thời điểm đỉnh cao, sự nghiệp sân khấu của bà cũng từng gián đoạn vài lần để… đi học, trong đó có khoảng 10 năm học tập ở nước ngoài. “Tôi không muốn một khán giả thích Bạch Tuyết hồi còn trẻ rồi về sau lại nhìn thấy Bạch Tuyết bệ rạc và không có sự tiến bộ nào. Khán giả trẻ sẽ có con, có cháu và tôi mong rằng con cháu họ vẫn thấy cô Bạch Tuyết ở thời điểm hiện tại vẫn xứng đáng với tình cảm của phụ huynh mình như nhiều năm trước. Tôi nghĩ rằng đó là sự tử tế, không nên làm người ta thất vọng” – NSND Bạch Tuyết bày tỏ suy nghĩ.
Với quan điểm đó, Bạch Tuyết đã mạnh dạn bước vào giảng đường đại học ở tuổi 40, theo đuổi đến nơi đến chốn việc học hành với bằng Cử nhân Ngữ văn Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn TP.HCM), tốt nghiệp đạo diễn Học viện Sofia Bulgary (1988) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật của Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh (1995).
Những năm qua, khi sàn diễn cải lương gặp nhiều khó khăn, các soạn giả, nghệ sĩ khác “an hưởng tuổi già, nghỉ hưu sớm” thì Bạch Tuyết “làm không hết việc” khi tham gia công tác giảng dạy cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các trường đào tạo chuyên ngành văn hóa cũng như là diễn giả các chương trình giao lưu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống với học sinh, sinh viên; rồi lại tất bật với vai trò “cầm cân nảy mực” trong các kỳ liên hoan, hội diễn, trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng mới cho sân khấu cải lương, như cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, giải thưởng Trần Hữu Trang, Bông Lúa Vàng… và cả các gameshow truyền hình…
bach-tuyet-lam-giam-khao-sao-noi-ngoi

Bà thử sức mình với vai trò giám khảo Sao Nối Ngôi

Mới đây nhất, Bà nhận lời làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình “Cải lương – Trăm năm nguồn cội”. Ở đó, bà là “bệ đỡ tinh thần” vững chắc cho các bạn trẻ yêu quý cải lương và mong muốn làm cải lương bài bản từ gốc.
Khán giả còn thích thú khi chứng kiến Bạch Tuyết liên tục “làm nóng” các diễn đàn mạng khi cover các “hit nhạc trẻ” như: Đừng hỏi em, Em gái mưa, Chạm khẽ tim anh một chút thôi, Lạc trôi, Sống xa anh chẳng dễ dàng… tất cả đều được ca theo phong cách cải lương.
Với bà, không có già hay trẻ mà có thích nghi được với thời đại hay không mới là yếu tố quyết định thành công!

Thảo luận cho bài: "Nghệ sĩ Bạch Tuyết – Muốn tồn tại, phải có sự thích nghi tối đa"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com