Nghệ sĩ cải lương quay về sàn diễn

Cuối tháng 8-2008, không hẹn mà cả ba nghệ sĩ trẻ của bộ môn sân khấu cải lương cùng tổ chức chương trình chuyên đề sân khấu: Đăng Linh (27-8), Vũ Luân (29-8) và Ngọc Nhung (31-8). Sàn diễn cải lương sau nhiều cú hích: vở diễn hoành tráng, live show của ngôi sao tài danh, nay rộ lên một xu hướng mới, đó là các đêm diễn của các nghệ sĩ trẻ.

Đi tìm vai diễn mới

Nhiều năm qua, khi sàn diễn cải lương bị bó hẹp với việc tái dựng nhiều vở cũ, đội ngũ diễn viên trẻ gần như rơi vào thế lúng túng khi không tìm được vai diễn để phát huy tài nghệ. Nhiều gương mặt trong số 45 diễn viên đã từng đoạt huy chương vàng triển vọng Trần Hữu Trang đã không tìm thấy vai diễn mới bởi số lượng suất diễn quá ít, trong khi vở cũ thu hút khán giả chính nhờ vào sự góp mặt của nghệ sĩ tên tuổi vang danh một thời. Để tự cứu mình, họ đã tự bỏ vốn theo phương thức xã hội hóa để tổ chức những chương trình chuyên đề sân khấu nhằm tạo cho mình cơ hội thâm nhập vào các vai diễn khó. Chương trình chuyên đề sân khấu ra đời từ năm 1990, khi Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) xây dựng thêm một sân khấu nhỏ tại tiền sảnh của tầng 2. Hàng loạt chuyên đề tạo ấn tượng thời đó của các nghệ sĩ như: Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Út Bạch Lan, Phương Quang… đã thu hút đông đảo khán giả mộ điệu sân khấu cải lương. Từ sự mở lối này, các nghệ sĩ trẻ như: Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân, Đăng Linh, Ngọc Nhung, Chinh Nhân… đã tổ chức chương trình riêng nhằm tìm vai diễn mới. Khán giả thích thú khi xem hai suất diễn Nghề truyền nghề của Tú Sương tại rạp Hưng Đạo (TPHCM). Khán giả sinh viên đã đón nhận Quế Trân qua chương trình Một thời áo trắng (do Quế Trân phối hợp với Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM tổ chức). Nghệ sĩ Chinh Nhân cũng đã có hai suất diễn chuyên đề quy tụ nghệ sĩ cải lương tuồng cổ.

Hầu hết các chuyên đề sân khấu đã cho phép nghệ sĩ trẻ tìm kiếm những vai diễn mới. Chinh Nhân đã có thêm các nhân vật ấn tượng như: Mã Siêu, Lê Lợi, Ngô Tồn Quyền…; Tú Sương dám thể hiện sự mạnh mẽ qua các vai kép lão: Đổng Trác, Bao Công…; Quế Trân hóa thân vào các tính cách mới với nét thể hiện duyên dáng qua: Mạnh Lệ Quân, Hoa Mộc Lan, Bùi Thị Xuân… Nghệ sĩ Vũ Luân, trong chuyên đề Chắp cánh ước mơ (tối 29-8 tại rạp Hưng Đạo) diễn các vai Ngô Phù Sai, Hớn Đế… Đăng Linh thì hóa thân vào các tính cách mới mẽ trong chuyên đề Ước mơ nối dõi tông đường (diễn ra tối 27-8 tại rạp Hưng Đạo) như: Tang Đại giả gái (Sở Vân), Châu Du (Nhị khí Châu Du), Khương Linh Tá (San Hậu), A Đẩu (Sau bức màn nhung)… Ngọc Nhung (Nhà hát Tây Đô) diễn chương trình Nghiệp duyên thể nghiệm các vai Thái Bình công chúa, Võ Tắc Thiên, Lan (trích đoạn Lan và Điệp) do NSƯT Vũ Linh đạo diễn.
Tự bó chân mình

Điều hạn chế dễ nhìn thấy ở các chuyên đề sân khấu là các vai diễn được dàn dựng chưa kỹ. Thời gian tập tuồng gấp rút, chưa được đào sâu nên với thời lượng từ 15 đến 25 phút, các vai diễn trong trích đoạn không tạo được ấn tượng. Do đó, các vai diễn ở các trích đoạn cứ na ná tính cách, dù nghệ sĩ rất cố gắng trong thể hiện. Nghệ sĩ Chinh Nhân rơi vào thế bị động khi chọn các vai kép võ “một màu”. Nghệ sĩ Quế Trân chưa tìm được vai diễn mới khác với sở trường đào thương nên chương trình chưa mang tính đột phá. Nghệ sĩ Tú Sương được sự hỗ trợ đắc lực của gia tộc nên các vai kép lão tạo được ấn tượng, song sau hai suất diễn của chương trình Nghề truyền nghề, cô chưa đủ tự tin để tổ chức các chương trình tiếp theo nhằm khai thác đúng chất đào lẵng, độc, mùi, vốn là ưu thế của cô. Hoặc với Vũ Luân, lâu nay được khán giả yêu thích anh qua các vở cải lương tuồng cổ: Xử bá đao Từ Hải Thọ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tứ tử đậu tân khoa… nay bước vào các vai tuồng xã hội như: Tùng (Nửa đời hương phấn), Đạt (Trà Hoa Nữ) thì anh mới chỉ tròn vai chứ chưa thật sự tạo được ấn tượng đẹp.

NSƯT Trần Ngọc Giàu nhận xét: “Các trích đoạn được lấy từ các vở diễn có lượng suất diễn cao như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Phụng Nghi Đình… đã có sẵn những khuôn mẫu nên nghệ sĩ trẻ rất dễ thể hiện. Còn lấy từ kịch bản mới để dàn dựng thì trích đoạn đó khó đạt được chất lượng nghệ thuật. Tôi cảm thông cho các diễn viên trẻ vì thiếu sân khấu nên phải chọn trích đoạn để tìm vai diễn, nhưng không thể xem trích đoạn là đất diễn lâu dài”.

Theo ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, những đêm diễn chuyên đề sân khấu của nghệ sĩ trẻ xuất hiện ngày càng nhiều đã cho thấy dấu hiệu tích cực của diễn viên: quay về với sàn diễn.

Thanh Hiệp (Theo nld.com.vn)

 

Thảo luận cho bài: "Nghệ sĩ cải lương quay về sàn diễn"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com