Nghệ sĩ, ca sĩ Hùng Cường
|
Mục lục
Hùng cường là một nghệ sĩ đa tài hiếm có trong lịch sử sân khấu Việt Nam khi nổi danh trên tất cả lĩnh vực từng tham gia: ca sĩ tân nhạc, nghệ sĩ cải lương, diễn viên điện ảnh, nhạc sĩ.
1. Tiểu sử
Hùng Cường nổi lên là một trong những tài năng sân khấu từ khi còn là 1 cậu bé. Ông bước lên sân khấu lần đầu tiên khi còn đang theo học tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo với nhạc phẩm “Con Chim Hòa Bình Đang Đau Nặng”, lần đó ông được thầy cô, phụ huynh và học sinh cả trường hoan nghênh và nhiệt liệt ủng hộ. Sau khi học xong tú tài, ông chính thức theo nghiệp ca hát
a. Tân nhạc:
Những năm 1954 – 1955, cái tên “Hùng cường” nổi lên là một ca sĩ Tân Nhạc với giọng hát hay và cao vút. Khán giả biết đến ông qua các nhạc phẩm tiền chiến: Chàng Đi Theo Nước, Ông Lái Đò, Đường Xưa Lối Cũ, Sơn Nữ Ca, Vọng Ngày Xanh… Tất cả những nhạc phẩm này được thu đĩa và đạt được doanh số bán kỷ lục thời bấy giờ.
Qua đến thập niên 60, Hùng Cường tiếp tục làm người hâm mộ quay cuồng theo ông với một thể loại nhạc mới lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn – nhạc giật, như cách gọi lúc đó là nhạc “kích động” (một dạng pop-rock đã được Việt hóa). Nhạc “kích động” với giọng ca Hùng Cường chỉ thực sự đạt đỉnh cao khi phối hợp cùng Mai Lệ Huyền – một ca sĩ nữ cũng “quậy” không kém.
>> Nghe Mp3 bản gốc: Kích Động Nhạc (Trước 1975) – Hùng Cường, Mai Lệ Huyền
b. Cải lương:
Tuy là 1 ca sĩ Tân Nhạc nhưng Hùng Cường lại say mê cổ nhạc, anh gia nhập đoàn cải lương Ngọc Kiều năm 1959 và sự thăng tiến của anh “thẳng như đường băng” khi nhanh chóng thành công với vai trò kép chánh mà không phải trải qua một vai phụ nào. Vai diễn đầu tiên của ông trên sân khấu Cải lương là Roméo trong vở “Mộng đẹp đêm trăng” của soạn giả Việt Bằng Nguyễn Thanh Hiệp với nhiều cái tên nổi tiếng thời đó: Thanh Kỳ, Ngọc Đán, Kim Nguyên, Ngọc Giàu, Thanh Sang…
Tiếp theo đoàn Ngoc Kiều dựng tiếp vở cải lương Màu tím đèn hoa giấy ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960. Hùng Cường đóng vai Kha Phong- kiêm sĩ Phù Tang điêu luyện. “Ngôi sao” cải lương Hùng Cường rực sáng từ đó.
Tên tuổi Hùng Cường cải lương trở nên chói lọi nhất có lẽ từ lúc ông về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân vào năm 1966. Tại đây, Hùng Cường và Bạch Tuyết đã hợp thành một cặp “sóng thần” ăn khách bậc nhất trên sân khấu cải lương thời điểm đó, tới mức làm lu mờ những cặp đôi khác.
Năm 1971, cặp Hùng Cường – Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương riêng mang tên Hùng Cường – Bạch Tuyết. Đoàn có nhiều vở diễn thành công như “Cung thương sầu nguyệt hạ” “Trăng thề vườn Thúy” “Má hồng phận bạc” . Tuy nhiên, đoàn chỉ hoạt động được khoảng 1 năm thì chính thức giải thể.
c. Điện ảnh:
Sau tân nhạc và cải lương, Hùng Cường tiếp tục “lấn sân” sang điện ảnh với bộ phim đầu tiên “Chân Trời Tím”, ngay ở bộ phim đầu tiên ông đã thể hiện được khả năng diễn xuất tuyệt vời của mình. Sau đó, nhiều phim khác ra đời và cũng thành công vang dội như: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Mãnh Lực Đồng Tiền, Ly Rượu Mừng, Còn Gì Cho Nhau…
Lúc mới bước sang điện ảnh, Hùng Cường thường bị chỉ trích thậm tệ, chê bai là “cải lương”, các nữ tài tử bấy giờ không thích diễn cặp với các kép Cải lương. Thế nhưng, sau sự thành công với phim đầu tiên “Chân trời tím”, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường hợp tác và phim nào có tên ông cũng ăn khách.
Tính riêng trong năm 1971, có tất cả 17 cuốn phim được trình chiếu thì người ta thấy 4 cuốn phim có mặt của Hùng Cường, và tất nhiên cả 4 phim đều có số doanh thu chót vót.
d. Kịch:
Những năm 1960, khi cải lương đang chiếm lĩnh Sài Gòn, một nhóm kịch sĩ đứng đầu là Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường kết hợp cùng Kỳ nữ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng đã tạo nên “làn sóng” nghệ thuật mới mang tên Kịch nghệ Sài Gòn.
Kịch Sài Gòn ra đời muộn, không ồn ào, không thu hút ngay được nhiều khán giả tới rạp, nhưng cũng dần có chỗ đứng trong lòng khán giả. Ngoài kỳ nữ Kim Cương vốn là con nhà nòi về kịch, các thành viên còn lại đều từ điện ảnh, ca nhạc nhảy sang. Chính những cái tên như Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường đã thu hút một lượng khán giả đông đảo giúp sân khấu kịch Sài Gòn vượt qua những khó khăn ban đầu.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hùng Cường nhiều lần ngồi tù vì vượt biên trái phép. Cuối cùng ông cũng sang được Hoa Kỳ vào ngày 28/ 2/ 1980. Ông sinh sống tại Garden Grove, California, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc.
Nghệ sĩ Hùng Cường mất ngày 01/ 5/ 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Nửa đời hương phấn
– Nạn con rơi
– Anh hùng xạ điêu
– Cô gái Đồ Long
– Tướng cướp Bạch Hải Đường
– Cung thương sầu nguyệt hạ
– Má hồng phận bạc
– Chuyện tình Hàn Mạc Tử
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Niềm đau lưu vong
– Hai chuyến tàu đêm
– 24 giờ phép
– Kẻ ở miền xa
– Lời nguyện cầu nửa đêm
– Hoa tím em cài lên áo chiến
– Tình không biên giới
– Đường chiều sơn cước
– Lời chúc đầu năm
– Xin anh giữ trọn tình quê
– Sao anh chưa về
4. Danh hiệu, giải thưởng:
(*Đang cập nhật)