Nghệ sĩ Út Bạch Lan (cải lương)
|
Mục lục
Nghệ sĩ Út Bạch Lan là biểu tượng của cải lương Việt Nam. Bà nổi tiếng với cái tên “sầu nữ” bởi chất giọng mượt mà, nỉ non – giọng hát chứa đựng những nỗi đau từ chính cuộc đời mình.
1. Tiểu sử
Út Bạch Lan sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm. Ngay từ nhỏ, bà đã cùng mẹ làm thuê làm mướn quanh chợ Bình Tây kiếm sống. Mẹ của bà và mẹ của Văn Vĩ kết nghĩa chị em, cảnh nghèo nương tựa vào nhau mà sống. Dù bị mù nhưng Văn Vĩ đàn rất giỏi. Chính Văn Vĩ đã dạy bé Út cất lên những câu hát đâu tiên.
Lúc bấy giờ, cô bé 11 tuổi thấy có người mù hát dạo trong chợ được người ta cho tiền. Bé Út rủ Văn Vĩ lén mẹ, rong ruổi hát dạo khắp các con phố Sài Gòn, từ Chợ Lớn ra đến chợ Bến Thành.
Tiếng hay về giọng hát mê đắm lòng người của cô bé 11 tuổi vang xa, cô Năm Cần Thơ nổi tiếng trong giới hát ngày ấy bèn tìm tới nghe bé Út ca. Chính cô Năm đã đưa bé Út ngày nào hát rong góc chợ đến với ánh đèn sân khấu.
Giữa thập niên 50, Út Bạch Lan được báo chí và khán giả chú ý qua vở dã sử Đồ Bàn di hận trên sân khấu Thanh Minh. Tiếng hát da diết, nỉ non cùng sự khổ luyện, không ngừng trau chuốt, sáng tạo của Út Bạch Lan khiến khán giả chỉ nghe một lần mà nhớ mãi.
Khán giả yêu mến bà qua những vở diễn: Nước mắt kẻ sang Tần, Biên thùy nổi sóng, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Hoa Mộc Lan…Thành công nối tiếp thành công, Nghệ sĩ Út Bạch Lan liên tục được các hãng đĩa săn đón, trở thành danh ca có số lượng đĩa thu nhiều nhất thời bấy giờ.
Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, bà đem lòng ái mộ và kết hôn cùng nghệ sĩ Thành Được.
Giọng hát ai oán, nỉ non như dự báo trước cuộc đời “sầu nữ” Út Bạch Lan. Kết hôn chưa tày 3 năm, bà liên tục phải nhận nuôi 4 đứa con rơi của chồng. Những đứa trẻ được đưa đến khi chúng còn đỏ hỏn. Sóng gió đã đẩy cuộc hôn nhân của bà với nghệ sĩ Thành Được đến sự đổ vỡ. Nhưng Út Bạch Lan chưa bao giờ oán hận. Bà yêu thương những đứa trẻ kia như con đẻ của mình. Đến khi mẹ đẻ quay lại nhận con, bà lại nuốt nước mắt, hoàn tất thủ tục trả con cho họ.
Dù hôn nhân trải qua bao sóng gió, đau đớn đến cùng cực, Út Bạch Lan vẫn vượt qua để thật nhân văn. Bà đem những cay đắng, bi ai của cuộc đời gửi gắm vào câu ca vọng cổ. Bởi vậy, giọng hát của bà càng da diết, càng chạm đến trái tim khán giả.
Sau những thăng trầm cuộc đời, “bà hoàng đĩa nhạc” tìm kiếm bình yên nơi của Phật, lấy việc tụng kinh, ca hát và từ thiện làm niềm vui sống cho đến khi qua đời.
2. Vở cải lương kinh điển:
– Tuyệt tình ca – Chưa tắt lửa lòng – Nửa đời hương phấn – Bụi mờ ải nhạn | – Thuyền ra cửa biển – Người đẹp thành Baghdad – Bến đồi trăng cũ – Nắng sớm chiều mưa |
3. Bài ca cổ, tân cổ để đời:
– Tình lan và điệp – Nỗi mừng ngày cưới – Thương về miền trung – Về đi em – Bao giờ mua sim chín – Người đẹp bạch hoa thôn – Cô gái đồ long | – Phận làm dâu – Dứt đường tơ – Chiếc lá giữa dòng – Người mẹ lưu lạc – Gánh chè khuya – Con tấm con cám – Quân vương và thiếp |
4. Danh hiệu, giải thưởng:
- Danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú do Nhà nước trao tặng.