Vào lúc 9h00, ngày 31 tháng 10 năm 2014, tại trụ sở Nhà hát Cải lương Việt Nam (Số 164, phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra lễ khởi công vở diễn mới “Mai Hắc Đế”, được dàn dựng cho đoàn biểu diễn I của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Vở diễn “Mai Hắc Đế” sẽ được “ trình làng” vẫn với ê kíp sáng tạo quen thuộc đã làm nên thành công vang dội cho “Chuyện tình Khau Vai” gồm: Tác giả: PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ. Chuyển thể Cải lương: Hoàng Song Việt. Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên. Âm nhạc: NSƯT Trọng Đài, phần hòa âm cổ nhạc sẽ do NSƯT Hoàng Đạt chịu trách nhiệm. Thiết kế mỹ thuật: Họa sỹ Doãn Bằng. Thiết kế đồ họa: Họa sỹ … Đông. Biên đạo múa: Tuyết Minh. Âm thanh: Tiến Dũng. Ánh sáng: Nguyên Minh – Quốc Khánh cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty Âm thanh – Ánh sáng Bảo Vân. Hỗ trợ truyền thông: Công ty cổ phần công nghệ truyền thông đa phương tiện HK (HK Media). Chịu trách nhiệm công trình: Giám đốc Bùi Xuân Tiến. Đến dự lễ khởi công có PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ – Tác giả – Phó ban Tuyên giáo Trung Ương; BGĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam; Toàn bộ ê kíp sáng tạo; Các nghệ sỹ Ưu tứ của nhà hát và toàn thể cán bộ, nghệ sỹ, nhạc công, công nhân kỹ thuật đoàn biểu diễn I. Sát cánh cùng vở diễn ngay từ lễ khởi công vẫn là các nhà báo sân khấu thân thiết. Sau lễ khởi công trang trọng, sẽ là một buổi liên hoan thân mật tại nhà hàng “Quán Lá” mang phong cách ẩm thực dân tộc.
Chủ đề tư tưởng của vở diễn:
– Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế cách chúng ta hơn 1300 năm. Lịch sử viết về Ông không nhiều và rất không đầy đủ: Cho rằng cuộc khởi nghĩa của Ông năm 722, thực ra là năm 713; chỉ diễn ra ở Hoan Châu nhưng theo sử liệu mới thì mang tính toàn quốc; lý do khởi nghĩa là do một số phu “cống vải” bị đánh đập mà vùng lên (tự phát), thực tế thì Ông và những người tâm phúc chuẩn bị tích cực, chủ động, kĩ lưỡng, tầm chiến lược cho cuộc khởi nghĩa; Ông và nghĩa quân xây thành Vạn An, đánh chiếm lị sở châu Hoan, châu Diễn, châu Ái (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ngày nay), kéo đại quân đánh và chiếm thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), quét quân xâm lược nhà Đường ra khỏi bờ cõi, xưng đế (Mai Hắc Đế, Vua Đen), trị vì gần 10 năm; Ông biết liên kết tuyệt vời với các hào kiệt trong nước, đặc biệt là với Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân (có thể là Malaysia ngày nay) nâng số quân lên 30-40 vạn để đánh đuổi quân xâm lược…
– Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế xuất thân từ dân nghèo, yêu mến, gắn bó máu thịt với nhân dân, yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường và bè lũ tay sai, lập quốc hiệu (Vạn An), quốc đô (Vạn An & Tống Bình), xưng Đế (Mai Hắc Đế), tạo nên một trang sử hết sức oai hùng trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
– Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc. Ông là lãnh tụ khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc biết liên kết với các nước lân bang để đánh thắng kẻ thù hung hãn lúc đó (nhà Đường thời thịnh trị); phải chăng, có thể gọi sự liên kết, hợp tác này là “tiền thân” của Hiệp hội ASEAN hiện nay ?).
– Cùng với hào khí của Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế, của khởi nghĩa Hoan Châu, của dân tộc ta lúc đó, vở diễn còn có câu chuyện tình rất thật, rất đẹp, rất xúc động của chàng trai Mai Thúc Loan với Đinh Thị Ngọc Tô (Ngọc Tô), con gái tài sắc vẹn toàn của ông Đinh Thế, cha nuôi của Mai Thúc Loan. Là tình yêu, sự ngưỡng mộ Mai Thúc Loan của một người con gái khác: Phạm Thị Uyển, tài sắc, chí khí, có tài cung kiếm, cháu ngoại ruột của cụ Phùng Hạp Khanh, quan Lang đạo, châu Đường Lâm, Sơn Tây và gọi Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh là cậu ruột, là 3 thủ lĩnh chống Đường nửa sau thế kỉ thứ VIII. Là tình nhà, nghĩa nước sâu nặng của Mai Thúc Loan với các con Mai Thị Cầu (tên gọi khác là Mai Thư Cầu, con gái đầu); Mai Bảo Sơn (trai thứ, Hoàng tử cả), Mai Kỳ Sơn (trai thứ 3, Hoàng tử thứ), hy sinh cả gia đình Vua Mai để chống quân xâm lược nhà Đường; là tình cảm vua tôi, tướng sỹ, vợ chồng, anh em, đồng bào, đồng chí, lân bang…
– Vở diễn cũng có những trường đoạn người dân An Nam, vương triều Mai Hắc Đế mở rộng vòng tay hữu nghị, nhân ái, nhân văn đón những thi sỹ, văn nhân nhà Đường yêu hòa bình, trọng tình hữu nghị giữa hai dân tộc (với Thần thi Vương Bột và thân phụ của ông…); nhưng cũng cũng rất anh dũng, quật cường đánh tơi tả những kẻ xâm lược bạo tàn “trời không dung, đất không tha” khi mang binh đao, tham vọng xâm chiếm lãnh thổ đặt chân đến nơi này.
– Vở diễn nói về một sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử, nhất là Mai Hắc Đế, nhưng cũng mang những thông điệp sâu sắc, cần thiết, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
– Bằng bút pháp nghệ thuật (kịch nói, cải lương, dân ca Nghệ Tĩnh..), vở diễn góp phần làm rõ hơn, khẳng định (và công bố rộng rãi và một cách chắc chắn) những sự thật lịch sử, nhân vật, sự kiện… một thời gian dài bị bụi thời gian che phủ…
– Tư liệu dùng để tham khảo, viết kịch bản là các bộ sử, tác phẩm văn học, truyền thuyết của nước ta, của Trung Quốc như Đại Việt Sử kí Toàn thư; Việt điện u linh; Tân Đường thư; Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỉ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (do Viện hàn lâm KHXHVN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức tại Nam Đàn, Nghệ An năm 2013); Mai Hắc Đế, truyền thuyết và huyền thoại (tác giả Đinh Văn Hiến, Đinh Lê Yên)…
Phòng nghệ thuật
Nhà hát Cải lương Việt Nam