Thơ là thứ hàng “xa xỉ”
Nhà văn Hoàng Công Khanh sáng tác nhiều thể loại, nhưng ông được biết đến nhiều hơn cả với hơn 20 kịch bản (KB) sân khấu được dàn dựng và gây tiếng vang từ những năm 1950: Bến nước Ngũ Bồ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Chử Đồng Tử… KB Bến nước Ngũ Bồ sau khi thành công trên các sân khấu trong nước được nghệ sĩ trong cộng đồng người VN ở Mỹ dàn dựng và diễn hàng chục suất ở nhiều nước. Vở cải lương Cung phi Điểm Bích dựng từ kịch thơ cùng tên của ông cũng vừa gây hiện tượng “cháy” vé.
Nhân dịp nhà văn Hoàng Công Khanh cho xuất bản Tuyển tập kịch thơ (NXB Sân khấu), gồm 3 kịch thơ (Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích) và nhạc vũ kịch Chử Đồng Tử, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông:
* Thưa ông, kịch thơ xuất hiện rất sớm trên thế giới, từ thế kỷ 17. Ở ta, kịch thơ chỉ bắt đầu xuất hiện từ phong trào Thơ Mới (đầu thế kỷ 20). Có phải vì kịch thơ rất kén khán giả nên nó khó tìm được “đất” để tồn tại đến hôm nay?
– Kịch thơ là một thể loại văn học đã định hình. Trước năm 1945, những nhà văn, nhà thơ thích kịch thơ cùng nhau diễn kịch ở Huế như nhà thơ Yến Lan và nhà thơ Nguyễn Bính với vở kịch thơ Dưới bóng giai nhân của hai ông… Ngoài Bắc, nhà thơ Thế Lữ cũng dựng kịch thơ. Nhà thơ Hoàng Cầm và ban kịch của ông trình diễn kịch thơ Hận Nam Quan với một cảnh duy nhất. Ở Sài Gòn, nhiều vở kịch thơ trên đài phát thanh và các chương trình truyền hình của các ban kịch Vi Huyền Đắc, Mây Tần, Vũ Hoàng Chương… được công chúng đón nhận. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, kịch thơ Về Hồđược dàn dựng và công diễn ở cả vùng chiến khu Việt Bắc và nhiều địa phương trên cả nước. Vào khoảng năm 1949-1951, nhà thơ Vũ Hoàng Chương có viết về đề tài Kinh Kha diễn ở Nhà hát Lớn. Các tác giả Vân Muội, Sông Thao cho in sách kịch thơ… Năm 1953, Bến nước Ngũ Bồ diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi vào Huế…
Sau năm 1953, ngoài Bắc gần như vắng bóng kịch thơ. Ở Sài Gòn, kịch thơ phát huy vai trò trong phong trào sinh viên học sinh trước… Sau năm 1975, chị Bích Thuận có dựng Bến nước Ngũ Bồ ở TPHCM. Gần đây, ngoài Bắc, vở kịch thơ Kiều Loan được dựng trên sân khấu kịch nói và Cung phi Điểm Bích lần đầu ra mắt trên sân khấu cải lương.
* Theo ông, kịch thơ vắng vẻ là vì sao?
– Kịch thơ khó viết, kén khán giả và đòi hỏi diễn viên phải biết đọc thơ, ngâm thơ… Quan trọng hơn, diễn viên phải “cảm” được thơ. Vì thế, kịch thơ ngày càng vắng bóng…
* Vâng, kịch thơ là thể loại rất khó viết. Cung phi Điểm Bích được ông viết trong 3 năm với 7 lần sửa chữa…
– Tôi cho rằng, nó khó viết nhất trong các bộ môn văn học. Hai phần “kịch” và “thơ” phải hài hòa, khăng khít và gần như cân xứng. Quá nặng về tính kịch sẽ giảm chất thơ. Quá nghiêng về thơ, kịch sẽ bị dàn trải, lỏng lẻo và có thể làm lệch ý chính của kịch. Bằng thơ và chỉ bằng thơ thôi để miêu tả tính cách nhân vật, hoàn cảnh, sự việc, trường hợp, tình tiết, giai đoạn với tất cả những diễn biến của nó theo các chiều hướng khác nhau, nhưng nhất thiết không chệch tuyến đi của kịch. Thơ trong kịch có thể nâng kịch cao hơn, có mùi vị riêng, đặc sắc hơn nhưng cũng có thể phá hỏng kịch, kể cả thơ hay… Vì những yêu cầu khắt khe như vậy mà không phải ai cũng viết được kịch thơ và dành thời gian tâm huyết với nó. Kịch thơ là thứ “hàng hóa” xa xỉ. Mà nhu cầu người xem bây giờ thì hăm hở với nhiều thứ khác…
* Vậy theo ông, điều gì tiên quyết tạo nên thành công cho một kịch thơ và làm thế nào để lấy lại sức sống cho nó?
– Tác giả vững tay nghề và giàu sức tưởng tượng là bản lĩnh để tạo nên một kịch thơ có thể đứng vững. Thể thơ của ta phong phú với hàng chục thể loại đa dạng và phong phú hơn tất cả các nước; cấu trúc ngôn ngữ có 5 dấu thấp cao, trầm bổng rõ nét nên tiếng nói của ta có tính âm nhạc cao… Chúng ta đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu của thế giới nên càng có điều kiện để thúc đẩy kịch thơ phát triển. Trước mắt, để dàn dựng các KB cũ đòi hỏi có sự đầu tư thích đáng cả về nhân tài, vật lực và đặc biệt là thời gian. Cũng cần khuyến khích việc sáng tác các KB mới với những đề tài đa dạng.
* Các nhà hát vẫn kêu ca thiếu KB sân khấu hay. Theo dõi một số vở diễn gần đây, ông thấy đâu là điểm yếu của KB sân khấu?
– Tôi cho rằng, giá trị ngôn ngữ văn học của một số KB còn yếu. Hay nói cách khác, tác giả buông lỏng yếu tố ngôn ngữ. Tôi xem nhiều phim Mỹ và thấy ngôn ngữ thoại rất hay. Tôi ghi những lời thoại ấy vào sổ để học tập. Thoại của mình vừa dài dòng vừa dạy dỗ. Khán giả bỏ tiền vào rạp để được giải trí và bay bổng tâm hồn chứ không phải để nghe dạy dỗ. Cho nên, ngoài ngôn ngữ thì KB phải thể hiện được tình cảm thật, đi vào chính những uẩn khúc nội tâm, đời sống tâm lý của con người và quan trọng là hướng thiện…
* Xin cảm ơn ông!
Tùng Sơn (Theo Thể thao & Văn hóa)
* Nhà văn Hoàng Công Khanh đã sáng tác nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch nói, kịch thơ… Tiểu thuyết Vằng vặc sao Khuê của ông đoạt giải thưởng Thăng Long-Hà Nội 1998 và Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN 1999.
* Vở cải lương Cung phi Điểm Bích dựng từ kịch thơ cùng tên của Hoàng Công Khanh đã đem về HCV cho nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) tại Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, giải A Giải thưởng Sân khấu 2007 của Hội Nghệ sỹ sân khấu VN và được nhiều đơn vị “ngắm nghía” mua bản quyền. Vở gây hiện tượng “cháy” vé và sáng đèn ròng rã trên đất Bắc.