Gồm 5 vở cải lương ngắn : Niềm tin, Thượng thượng thọ, Hai người bố, Đội văn nghệ xã và Bù nhìn rơm do NSƯT Lê Chức biên tập, NSƯT Lê Hùng đạo diễn. Sân khấu là sự tái hiện của cuộc sống. Năm vở cải lương ngắn trên đã thể hiện được phần nào những hiện thực của muôn mặt cuộc sống đầy những khó khăn và bộn bề, tráo trở nhưng cũng thật ý nghĩa và tuyệt vời biết bao.
Vở NIỀM TIN đề cập đến tình huống anh thương binh Đỗ do vết thương cũ tái phát, được vợ và đồng đội đưa đến bệnh viên cấp cứu. Nhưng theo lời ông bác sĩ thì anh thuộc đối tượng trái tuyến nên dù đang ở tình trạng nguy hiểm đến tình mạng thì anh vẫn phải đợi xem xét. Trước sự cuống cuồng của người vợ, những tấm lòng chân tình của bạn bè đồng cảnh ngộ, anh thương binh Đỗ gần như tuyệt vọng…Nhưng vợ anh và bạn bè đã không lùi bước, trong họ vẫn còn một niềm tin vào cuộc sống, vào những gì tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong xã hội.
THƯỢNG THƯỢNG THỌ lại kể về câu chuyện của một ông quan còn 4 năm nữa về hưu, đã nghĩ ra trò tổ chức lễ thượng thọ cho mẹ mình (mà tiếp sau là kỉ niệm ngày cưới, sinh nhật…) để kiếm chác. Và đúng như lời người mẹ già nua ấy đã nói khi gặp lại đứa con “hiếu thảo” của mình : Nó vẫn điêu như ngày xưa. Và đạo diễn đã khéo léo cho khán giả nhận ra rằng, người anh cả kia tuy bị ngọng nhưng lành lặn về tâm hồn. Còn người em – ông quan dù là một con người bình thường, lại khuyết tật về nhân phẩm.
Trong vở HAI NGƯỜi BỐ là tình huống bi kịch của hai người bố, vốn đã có mọt thời là lính, một làm nghề xe ôm, một làm nghề ở chợ lao động. Vì nóng lòng muốn mang tiền về để cứu con bị di chứng của chất độc da cam đã bị ông xe ôm cũng có hoàn cảnh tương tụ cướp tiền. Đường xa mới biết lòng người có nhân – quả đúng như vật. Hai con người đồng cảnh ngộ dễ hiểu và thông cảm với nhau. Gói tiền đã được xẻ đôi để hai người con cùng được cứu sống.
Với vở ĐỘI VĂN NGHỆ XÃ như lời giới thiệu của người dẫn chương trình thì đây là một cách nhìn khác của giới trẻ về nhân vật Thị Mầu, nàng đã đấu tranh cho tình yêu của mình. Và thông qua những pha diễn tập của đội văn nghệ xã nọ mà chuyện tình yêu của cô Phố – con gái ông Phó Chủ tịch xã phụ trách văn xã, kiêm đạo diễn chương trình, với anh Tính (bị mù) vốn bị ông cực lực phản đối đã được dễ dàng chấp thuận. Tại sân khấu là cuộc đời mà.
Cuối cùng là BÙ NHÌN RƠM thể hiện khát vọng muốn sống và được sống của một con bù nhìn rơm canh ruộng. Đối ngược với một con người – người chồng được làm con người, được sống thì lại phung phí cuộc đời trong rượu, hành hạ, dầy đọa người vợ suốt ngày lam lũ, cực nhọc vì chồng con.
Năm vở cải lương là năm câu chuyện ngắn đã được đạo diễn Lê HÙng xử lý khá nhuần nhuyễn. Ông đã khéo léo kết hợp những tình huống bi kịch giúp câu chuyện vừa nhẹ nhàng, vừa dễ đi vào lòng người. Cười đấy nhưng mà cũng xót xa lắm. Bằng sự nhiệt tình, tài năng của các diễn viên Nhà hát CL TƯ, cùng cách bài trí sân khấu đơn giản mà hiệu quả, chùm tiểu phẩm hài đã đem lại một đêm thưởng thức thú vị và bổ ích cho người xem.