Nỗ lực đưa nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến gần giới trẻ

Ngày 23/8 vừa qua, Trung tâm văn hóa Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Phát triển KH & CN Trẻ thành phố đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Nghệ thuật âm nhạc dân tộc với giới trẻ và biểu diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và thành viên các đội, nhóm âm nhạc truyền thống các trường ĐH – CĐ – Học viện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng âm nhạc, qua đó nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc đến thanh niên trẻ hiện đại.

Theo Nhà nghiên cứu, TS. Mai Mỹ Duyên, âm nhạc dân tộc là âm nhạc của một quốc gia hay của một bộ tộc thuộc quốc gia đó. Âm nhạc có độ giác ngộ cao, nhanh hơn cả văn hóa tri thức hay có thể nói âm nhạc là loại hình nghệ thuật không biên giới. Cụ thể, với giai điệu hò, lý, cải lương… không chỉ làm say đắm người Việt Nam mà cả nhiều người Mỹ, Pháp,  Canada, Nhật Bản… Trong đó, nhiều người từ yêu thích đến đam mê và đã tìm tòi nghiên cứu phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ngược lại, giới trẻ Việt Nam cũng rất thích các thể loại nhạc của Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh… dù không hiểu ca từ, lời hay nội dung bài hát.

toa_dam_khoa_hoc_nghe_thuat_am_nhac_dan_toc_voi_gioi_tre

Tọa đàm nghệ thuật dân tộc

“Như vậy, âm nhạc nói chung hay nhạc dân tộc nói riêng là món ăn tinh thần của mỗi người. Để nghe, hiểu được âm nhạc dân tộc cần tĩnh tâm mới thấy được giá trị của âm nhạc dân tộc. Hay nói đúng hơn âm nhạc phải mang lại sự hữu ích cho chính bản thân mình”- TS. Mỹ Duyên chia sẻ.

Cùng quan điểm, nhạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng, âm nhạc dân tộc có tính độc đáo riêng của từng vùng miền, cộng đồng, tạo nên 1 hệ sinh thái bản sắc nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Thành công lớn nhất của dòng âm nhạc dân tộc ở phía Nam là loại hình Đờn ca tài tử. Sau thời gian thăng trầm, truyền cảm hứng cho người nghe, loại hình này đã được Tổ chức Giáo dục, VH & KH LHQ công nhận là văn hóa phi vật thể.

Từ thực tiễn này có thể khẳng định giới trẻ Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay không quay lưng với âm nhạc dân tộc mà chỉ do họ chưa hiểu, chưa nghe được… Tuy nhiên, muốn bảo tồn phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc thì giới trẻ trước hết phải có tri thức để biết, rồi đến yêu thích, tự tìm hiểu, khám phá và bảo tồn âm nhạc dân tộc.

dua-cai-luong-den-gan-gioi-tre

Nỗ lực đưa cải lương đến gần giới trẻ

NS. Huỳnh Khải cho rằng, trước đây ÂNDT duy trì và phát triển đến đỉnh cao là do nhiều gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật, âm nhạc đi vào cuộc sống hàng ngày do công nghệ thông tin chưa phát triển, đặc biệt có nhiều người đam mê, rời xa gia đình để tìm thầy học nhạc. Vì thế ngày nay, muốn duy trì và phát triển âm nhạc dân tộc cần thay đổi cách nhìn, từ những người quản lý, đến các văn nghệ sĩ và nhà kinh doanh; cần quan tâm, cải tổ đầu tư nội dung, hình thức biểu diễn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, cần phải nắm bắt được “hơi thở của thời đại”…

Theo khảo sát năm 2019 của ông Hoàng Sơn Giang (học viên cao học Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh về sở thích âm nhạc của sinh viên thành phố hiện nay ở loại nhạc trẻ chiếm 63,5%; nhạc trữ tình, bolero, dân ca chiếm 42,8%; nhạc nước ngoài chiếm 40,1%; nhạc tiền chiến cách mạng chiếm 23,5% và thấp nhất là âm nhạc dân tộc (gồm tuồng, chèo, cải lương) chiếm 12,5%. Ông Giang cho biết, quan điểm của giới trẻ hiện nay cho rằng, các loại nhạc trẻ, trữ tình được cập nhật, phổ biến rất nhiều và rộng rãi tại các tụ điểm, sân khấu, ca nhạc, phòng trà; trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trên các trang mạng internet, youtube…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nhất là vai trò của thế hệ nghệ sĩ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Những thông tin tiếp theo về buổi tọa đàm sẽ được cập nhật thêm vào các bài viết sau. Mời quý vị và các bạn cùng quan tâm và theo dõi.

– Theo vietnam.vnanet.vn – 

Thảo luận cho bài: "Nỗ lực đưa nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến gần giới trẻ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com